Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

Phi cơ Na Uy thả phao do thám cạnh tàu ngầm hạt nhân Nga

Nga công bố video cho thấy trinh sát cơ P-3C Na Uy thả phao thủy âm do thám trước tàu ngầm hạt nhân Knyaz Vladimir đang di chuyển ở biển Barents.

Truyền hình quân đội Nga Zvezda ngày 6/11 công bố video cuộc chạm mặt giữa tàu ngầm hạt nhân chiến lược Knyaz Vladimir với trinh sát cơ P-3C Na Uy hoạt động ở biển Barents, nhưng không tiết lộ thời gian diễn ra sự việc.

Trong video, tàu ngầm Nga di chuyển ở trạng thái nổi, một số thành viên thủy thủ đoàn tập trung trên tháp chỉ huy để quan sát xung quanh. Truyền hình Nga cho biết chiếc Knyaz Vladimir đã nổi trên mặt nước suốt một ngày trước đó và đang trở về cảng sau khi hoàn thành chuyến làm nhiệm vụ.

Phi cơ Na Uy thả phao do thám trước mũi tàu ngầm tối tân Nga

Cuộc chạm mặt giữa tàu ngầm Nga và trinh sát cơ Na Uy trong video công bố hôm 6/11. Video: Zvezda.

Trinh sát cơ Na Uy xuất hiện từ xa, sau đó tiếp cận tàu ngầm Nga và thả một phao thủy âm ngay trước mũi chiến hạm. Phao thủy âm chứa các cảm biến hiện đại, được thả xuống mặt biển để thu thập các dữ liệu như độ ồn, tốc độ và các tín hiệu khác của tàu ngầm.

"Họ đang cố gắng thu thập dữ liệu về chiếc Knyaz Vladimir", truyền hình quân đội Nga cho hay, nhưng không tiết lộ thủy thủ đoàn tàu ngầm xử lý phao thủy âm như thế nào.

Bộ Quốc phòng Na Uy chưa bình luận về thông tin.

Knyaz Vladimir là tàu ngầm lớp Borei thứ tư của Nga, cũng là chiếc đầu tiên thuộc phiên bản nâng cấp Borei-A. Tàu được khởi đóng năm 2012 và hạ thủy cuối năm 2017, được coi là tàu ngầm hiện đại nhất của Nga hiện nay. Tàu ngầm Knyaz Vladimir dài 170 m, rộng 13,5 m, có lượng giãn nước 24.000 tấn, tốc độ tối đa khi lặn đạt tới 56 km/h và tầm hoạt động không giới hạn.

Mikhail Budnichenko, giám đốc nhà máy đóng tàu Sevmash, cho biết lớp Borei-A là "bước đột phá trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm chiến lược mang tên lửa của Nga và sở hữu rất nhiều tính năng hiện đại".

Vị trí Biển Barents nằm giữa các vùng lãnh thổ của Na Uy và Nga. Đồ họa: Wikipedia.

Vị trí Biển Barents nằm giữa các vùng lãnh thổ của Na Uy và Nga. Đồ họa: Wikipedia.

Tàu ngầm Đề án 995A (Borei-A) được cải tiến đáng kể về hệ thống thông tin liên lạc, giảm độ ồn cũng như tăng diện tích khoang sinh hoạt cho thủy thủ đoàn. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến biên chế ít nhất 8 tàu ngầm lớp Borei, gồm ba chiếc nguyên bản và 5 tàu Borei-A.

Vũ khí chính của tàu ngầm lớp Borei là 16 tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava, cùng nhiều loại tên lửa hành trình. Mỗi quả Bulava mang được 10 đầu đạn hạt nhân và đạt tầm bắn tối đa trên 9.000 km, cho phép mỗi tàu ngầm lớp Borei mang được tối đa 160 đầu đạn hạt nhân.

Vũ Anh (Theo Zvezda)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét