Các luật sư gốc Việt tại Mỹ cho biết sắc lệnh nhập cư Trump mới ký nhằm ngăn người ở ngoài nước Mỹ xin thẻ xanh và có thể kéo dài hơn 60 ngày.
Hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Trump ký đình chỉ nhập cư vào nước này trong 60 ngày, nhằm bảo đảm người Mỹ không bị thất nghiệp sau khi mở lại các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng bởi . Lệnh áp dụng với những người đang nộp đơn xin tư cách thường trú nhân, hay còn gọi là thẻ xanh.
"Những người Việt đang ở Mỹ chờ cấp thẻ xanh không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này. Quy định chỉ áp dụng với người ở bên ngoài nước Mỹ", luật sư David Nguyen ở bang Texas, nói với VnExpress.
Tác động lớn nhất, theo Nguyen, là những người Việt ở Mỹ (đã có thẻ xanh) không thể đưa người thân hoặc nhân công từ Việt Nam đến Mỹ. Nhóm người nước ngoài xin thẻ xanh để làm việc lâu dài sẽ bị ngừng.
Những nhóm khác không bị cấm vào Mỹ là người nước ngoài xin visa tạm thời để làm việc (trong đó có loại visa H-1B, H-2B); vợ/chồng và con (dưới 21 tuổi, chưa kết hôn) của công dân Mỹ; quân nhân Mỹ cùng vợ/chồng và con; nhà đầu tư EB-5 (đầu tư lấy thẻ xanh) hoặc người xin visa NIW (niễn trừ vì lợi ích quốc gia); chuyên gia y tế hoặc nhà khoa học nghiên cứu về Covid-19; con nuôi diện IR-4 (được nhận nuôi ở Mỹ) hay visa IH-4 (con nuôi ở nước ngoài) và nhóm nhập cư đặc biệt.
Luật sư Tania Pham ở bang California cũng khẳng định người Việt đang ở Mỹ chờ thẻ xanh không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới. Tuy nhiên, bà Pham đánh giá chính sách chung của chính quyền Trump là hạn chế nhập cư, do đó sắc lệnh này "có thể là cái cớ để dừng nhập cư theo diện gia đình bảo lãnh".
Nếu sắc lệnh kéo dài đến cuối 2020, luật sư Nguyen ước tính khoảng gần 34.000 người ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Ước tính dựa trên số người Việt đã được cấp thẻ xanh vào Mỹ năm 2018, theo dữ liệu của Statista, một công ty thống kê của Đức. Trong khi đó, luật sư Pham ước tính hàng nghìn người Việt sẽ bị tác động.
Luật sư Nguyen cảnh báo sắc lệnh có thể kéo dài, dù Tổng thống Mỹ tuyên bố đây là lệnh cấm tạm thời.
"Năm 2017, Trump cho biết lệnh hạn chế nhập cư chỉ kéo dài 90 ngày, nhưng thực tế lệnh này hiện vẫn có hiệu lực", Nguyen nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét