Sư đoàn Thiết giáp số 7 Đức được gọi là "Sư đoàn Ma" vì tốc độ tiến quân khi xâm lược Pháp, nhưng bị Hồng quân Liên Xô đánh tan.
Phát xít Đức xâm lược Pháp giữa năm 1940 và giành chiến thắng chóng vánh. Trong vài tháng, quân Đức đánh bại Pháp và mở rộng đà tiến công các quốc gia châu Âu. Một trong những đơn vị nổi bật của Đức trong chiến dịch này là Sư đoàn Thiết giáp số 7, được đặt biệt danh là "Sư đoàn Ma" vì sức tấn công và tốc độ di chuyển nhanh đến không ngờ.
Sau khi xâm lược Ba Lan, Sư đoàn Thiết giáp hạng nhẹ số 2 được đổi tên thành Sư đoàn Thiết giáp số 7, được trang bị 218 xe tăng và trở thành một trong 10 sư đoàn thiết giáp chủ lực của Đức.
Tháng 2/1940, tướng Erwin Rommel được bổ nhiệm làm chỉ huy sư đoàn. Quyết định bổ nhiệm Rommel, một chỉ huy không có kinh nghiệm về "chiến tranh chớp nhoáng" và chưa từng chỉ huy cấp sư đoàn, khiến nhiều người suy đoán Rommel đã sử dụng mối quan hệ với ông trùm Hitler để có vị trí này.
Ngày 10/5/1940, Đức phát động chiến dịch Fall Gelb xâm lược Pháp với 135 sư đoàn, bao gồm toàn bộ các sư đoàn thiết giáp. Sư đoàn của Rommel đóng vai trò trung tâm của Quân đoàn Thiết giáp số 15 do thống chế Gunther von Kluge chỉ huy.
Lực lượng này vượt qua biên giới giữa Đức và Bỉ, với mục tiêu vượt sông Meuse. Quân Đức hầu như không vấp phải kháng cự, vì phần lớn quân đội Bỉ đã đóng quân ở phía bắc để bảo vệ các thành phố lớn.
Sư đoàn số 7 lần đầu vấp phải kháng cự lớn ở Chabrehez, nhưng điều đó không ngăn cản đà tiến quân của họ. Họ di chuyển được gần 100 km chỉ trong 3 ngày. Pháp sau đó tăng cường lực lượng, nhưng lực lượng dưới quyền Rommel vẫn chiếm được cây cầu vượt sông Meuse cuối ngày 12/5/1940.
Dù hứng chịu một số tổn thất, quân Đức không gặp khó khăn khi xâm lược Pháp. Một trong những lý do là Rommel thích tấn công bất ngờ vào ban đêm, khi phần lớn lực lượng Pháp mất cảnh giác.
Thủ tướng Winston Churchill lệnh cho tướng Giffard le Quesne Martel, tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 50 của Anh, mở một cuộc phản công nhằm ngăn chặn đà tiến công của Đức trên đất Pháp.
Martel dự kiến để hai đơn vị cơ động là các mũi tấn công chủ lực, gồm một tiểu đoàn xe tăng, bộ binh của Lữ đoàn 151, một khẩu đội pháo dã chiến, trinh sát cơ giới và một khẩu đội súng chống tăng. Quân Pháp tham gia hỗ trợ với 60 xe tăng, bên cạnh 58 xe tăng Mark I và 16 xe tăng Mark II của Anh.
Ngày 21/5/1940, Sư đoàn số 7 Đức chạm mặt Trung đoàn Bộ binh Cơ giới số 6 Anh. Hai bên chịu nhiều thương vong và tổn thất về khí tài, nhưng cuộc tấn công chỉ làm chậm bước tiến của sư đoàn Đức, không thể ngăn họ tiến về phía bắc, bao vây Lille và chọc thủng phòng tuyến của Pháp tại sông Somme.
Khi hiệp định đình chiến giữa Pháp và Đức có hiệu lực ngày 25/6/1940, Sư đoàn số 7 cách biên giới Tây Ban Nha hơn 300 km. Đơn vị được đưa vào lực lượng dự bị và điều đến Somme trước khi đến Bordeaux để tái trang bị cho cuộc xâm lược Anh, nhưng chiến dịch đã bị hủy sau đó.
Tốc độ hành quân và giành thắng lợi nhanh chóng khiến Sư đoàn số 7 được đặt biệt danh "Sư đoàn Ma", bởi ngay cả bộ chỉ huy quân đội Đức cũng không nắm được di biến động của đơn vị này trong chiến đấu. Chiến tích này cũng làm hài lòng những người hậu thuẫn Rommel, đảm bảo đà thăng tiến của ông trong quân đội Đức.
Tháng 2/1941, Sư đoàn số 7 trở lại Đức. Rommel được thăng hàm trung tướng và được cử đến Libya để chỉ huy Quân đoàn châu Phi trong chiến dịch Sonnenblume. Sư đoàn số 7 đóng quân gần thành phố Bonn, phía tây nước Đức cho đến ngày 8/6/1941 để chuẩn bị xâm lược Liên Xô.
Ngày 22/6/1941, phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa, cuộc tổng tấn công nhằm vào Liên Xô. Đây là cuộc xâm lược quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người khi Đức huy động ba triệu quân nhân, 150 sư đoàn bộ binh và 3.000 xe tăng, chia làm ba mũi đồng loạt tấn công trên chiến tuyến trải dài gần 2.900 km.
Sự kháng cự của Liên Xô yếu hơn dự kiến, giúp Sư đoàn số 7 kiểm soát nhiều lãnh thổ trong thời gian ngắn. Đà tiến công của "Sư đoàn Ma" chậm lại sau khi Hồng quân Liên Xô phát động nhiều đợt phản công, nhưng vẫn có thể cầm cự nhờ sự chi viện của Sư đoàn Thiết giáp số 20.
Những tháng tiếp theo, Sư đoàn số 7 phối hợp với các đơn vị tăng thiết giáp khác để kiểm soát nhiều thị trấn Liên Xô, vì Hồng quân không thể xây dựng một hệ thống phòng thủ thích hợp.
Sau khi tham gia một số trận đánh với Liên Xô, Sư đoàn số 7 được chuyển đến Pháp tháng 5/1942 để bảo vệ bờ biển cùng Tập đoàn quân số 1. Tình hình chuyển biến xấu ở Mặt trận phía Đông khiến sư đoàn này được đưa trở lại Liên Xô một năm sau đó.
Trong suốt mùa hè năm 1943, Sư đoàn số 7 nằm trong đội hình thiết giáp của quân đoàn Kempf tham chiến ở trận Kursk, nhưng hứng chịu tổn thất nặng nề và được phối thuộc cho Quân đoàn thiết giáp số 48 của tướng Hasso von Manteuffel.
Hai trong những trận đánh lớn cuối cùng mà Sư đoàn số 7 tham chiến ở Mặt trận phía Đông là ở Kiev và cuộc phản công của quân Đức tại Zhitomir. Họ cũng chiến đấu trong các trận chiến phòng thủ khi rút lui khỏi Ukraine.
Trong năm 1944-1945, Sư đoàn số 7 chật vật chiến đấu vì phần lớn binh sĩ là tân binh. Đơn vị này liên tiếp thất bại trong các cuộc chiến phòng thủ dọc Mặt trận phía Đông, trong đó có những trận đánh phải sơ tán bằng đường biển và bỏ lại nhiều trang thiết bị hạng nặng.
Tháng 5/1945, sau nhiều trận bị Hồng quân Liên Xô đánh tan tác, tàn quân của Sư đoàn số 7 chạy trốn vào rừng và đầu hàng quân đội Anh ở phía tây bắc Berlin.
Duy Sơn (Theo WATM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét