Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Thông dịch viên từng giúp Biden cầu cứu từ Afghanistan

13 năm trước, thông dịch viên người Afghanistan Mohammed giúp giải cứu Biden tại một thung lũng hẻo lánh, giờ đây, ông cầu cứu Tổng thống Mỹ.

"Xin chào ngài Tổng thống, xin hãy cứu tôi và gia đình tôi", Mohammed, người yêu cầu không sử dụng tên đầy đủ trong lúc đang lẩn trốn, nói với Wall Street Journal khi những người Mỹ cuối cùng bay khỏi Kabul hôm 30/8. "Đừng bỏ quên tôi ở đây".

Mohammed, vợ ông và 4 người con đang lẩn trốn Taliban sau khi nỗ lực kéo dài nhiều năm của ông để rời khỏi Afghanistan bất thành vì các thủ tục hành chính. Họ nằm trong vô số đồng minh người Afghanistan bị bỏ lại khi Mỹ kết thúc chiến dịch quân sự 20 năm.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 31/8 cảm ơn thông dịch viên vì sự phụng sự của ông và nói rằng Mỹ duy trì cam kết đưa tất cả đồng minh người Afghanistan rời khỏi đất nước. "Chúng tôi sẽ đưa mọi người rời khỏi đó", Psaki nói sau khi một phóng viên Wall Street Journal đọc thông điệp Mohammed gửi Tổng thống. "Chúng tôi sẽ tri ân đóng góp của ông".

Năm 2008, Mohammed là thông dịch dịch viên 36 tuổi cho quân đội Mỹ khi hai trực thăng Black Hawk của Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống Afghanistan trong trận bão tuyết mù mịt, theo lời các cựu quân nhân làm việc với ông khi đó. Trên trực thăng có ba thượng nghị sĩ là Joe Biden, John Kerry và Chuck Hagel.

Các thượng nghị sĩ Joe Biden (đội mũ lưỡi trai), John Kerry (ngoài cùng bên phải) và Chuck Hagel (ngoài cùng bên trái) tại Afghanistan ngày 20/2/2008. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Các thượng nghị sĩ Joe Biden (đội mũ lưỡi trai), John Kerry (ngoài cùng bên phải) và Chuck Hagel (ngoài cùng bên trái) tại Afghanistan ngày 20/2/2008. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tổ bay đã thực hiện cuộc gọi khẩn cấp để được giúp đỡ. Tại căn cứ không quân Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan, Mohammed nhảy lên một chiếc Humvee cùng Lực lượng phản ứng nhanh từ Vệ binh Quốc gia Arizona đang làm việc với Sư đoàn Dù 82, lái xe hàng giờ đến những ngọn núi gần đó để giải cứu nhóm gặp nạn, Brian Genthe, khi đó là thượng sĩ tại Lực lượng Vệ binh Quốc gia Arizona, cho hay. Genthe đã đưa Mohammed đi cùng trong nhiệm vụ giải cứu.

Mohammed đã dành phần lớn thời gian trong một thung lũng khắc nghiệt, nơi những người lính nói rằng ông đã cùng họ tham gia hơn 100 cuộc đọ súng. Những người lính tin tưởng ông đến mức đôi khi họ đưa cho ông vũ khí để sử dụng nếu gặp khó khăn khi đi vào những khu vực hiểm trở, Genthe nói.

"Sự phụng sự quên mình của ông ấy đối với những người lính trong quân đội chúng ta chính là kiểu phụng sự mà tôi mong được thấy ở nhiều người Mỹ", trung tá Andrew R. Till viết hồi tháng 6 để hỗ trợ đơn xin Thị thực Nhập cư Đặc biệt của Mohammed.

Genthe cho biết hồ sơ xin thị thực của Mohammed không được thông qua sau khi nhà thầu quốc phòng mà ông làm việc làm mất hồ sơ cần thiết. Khi Taliban chiếm đóng Kabul ngày 15/8, giống như hàng nghìn người khác, Mohammed thử vận may bằng cách đến cổng sân bay Kabul. Tuy nhiên, quân đội Mỹ nói rằng ông có thể vào, còn vợ con thì không.

Các cựu binh đã gọi điện cho các nghị sĩ và kêu gọi giới chức Mỹ giúp đỡ Mohammed. "Nếu chỉ có thể giúp một người Afghanistan, hãy chọn Mohammed. Ông ấy xứng đáng được như vậy", Shawn O'Brien, cựu binh từng làm việc với Mohammed ở Afghanistan năm 2008, viết.

Trong chiến dịch năm 2008, Biden, khi đó tranh cử chức phó tổng thống, thường nói về sự cố trực thăng và chuyến đi như một cách đánh bóng những thành tích chính sách đối ngoại.

"Nếu bạn muốn biết al-Qaeda sống ở đâu, Osama bin Laden ở đâu, hãy trở lại Afghanistan cùng tôi", Biden nói trong một cuộc vận động tháng 10/2008, vài tháng sau cuộc giải cứu. "Hãy trở lại khu vực mà trực thăng của tôi buộc phải hạ cánh, ở giữa những ngọn núi đó. Tôi có thể cho bạn biết họ ở đâu".

Chuyến đi đến Afghanistan là một trong nhiều chuyến công du nước ngoài mà ba thượng nghị sĩ thực hiện cùng nhau. Trực thăng quân sự của họ hạ cánh khẩn cấp xuống thung lũng cách căn cứ không Bagram khoảng 32 km về phía đông nam, không phải trong khu vực do Taliban kiểm soát, nhưng cũng không an toàn. Một ngày trước đó, Sư đoàn Dù 82 đã tiêu diệt gần 20 thành viên Taliban trong cuộc giao tranh lớn cách đó khoảng 16 km.

Hai trực thăng Blackhawk của quân đội Mỹ, chở theo Biden, Kerry và Hagel, sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Afghanistan trong trận bão tuyết ngày 21/2/2008. Ảnh: WSJ/Brian Genthe.

Hai trực thăng Blackhawk của quân đội Mỹ, chở theo Biden, Kerry và Hagel, hạ cánh khẩn cấp xuống Afghanistan trong trận bão tuyết ngày 21/2/2008. Ảnh: WSJ/Brian Genthe.

Trong khi cố gắng giữ ấm trên trực thăng, ba thượng nghị sĩ nói đùa về việc ném quả cầu tuyết vào Taliban. "Chúng tôi định cử Biden ra ngoài chống Taliban bằng quả cầu tuyết, nhưng chúng tôi không cần phải làm điều đó", Kerry nói sau khi họ được giải cứu.

Thay vào đó, Mohammed gia nhập đội Humvee và ba chiếc SUV khi họ băng qua lớp tuyết dày để tìm trực thăng. Matthew Springmeyer, người chỉ huy lực lượng an ninh hôm đó, cho biết các thượng nghị sĩ đã cấp tốc được đưa trở lại căn cứ Mỹ cùng với đoàn xe.

Theo Genthe, Mohammed đứng gác cùng các binh sĩ Afghanistan một bên trực thăng, trong khi các thành viên Sư đoàn Dù 82 bảo vệ phía bên kia. Khi những người dân địa phương tò mò đến quá gần, Mohammed dùng chiếc loa nhỏ để yêu cầu họ tránh xa. Họ ở ngoài đó suốt 30 giờ trong nhiệt độ lạnh cóng cho đến khi quân đội Mỹ có thể đưa trực thăng hoạt động và các binh sĩ trở về Bagram.

Hiện giờ, Mohammed phải ở ẩn tại Afghanistan. "Tôi không thể rời khỏi nhà. Tôi rất sợ hãi", ông cho biết hôm 31/8.

Huyền Lê (Theo Wall Street Journal)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét