Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Châu Á chưa nguôi nỗi lo sau thượng đỉnh Mỹ - Trung

Thượng đỉnh Mỹ - Trung giúp hai bên tránh đụng độ, nhưng chưa hóa giải thế cạnh tranh siêu cường, khiến châu Á vẫn nơm nớp nỗi lo phải chọn phe.

Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trấn an nhau về những "rào chắn" ngăn căng thẳng giữa hai quốc gia bùng phát thành xung đột, dù vô tình hay hữu ý. Tuy nhiên, kết quả khiêm tốn đó không xua tan được mối lo ngại của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rằng căng thẳng Washington - Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng.

Cuộc thảo luận kéo dài ba giờ kết thúc với nhiều tín hiệu lạc quan, khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập đã nói với ông Biden rằng nhiệm vụ quan trọng nhất đối với hai nước trong 50 năm tới là "tìm ra con đường phù hợp để hợp tác trong hòa thuận".

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/11. Ảnh: NY Times.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/11. Ảnh: NY Times.

Trong khi đó, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ cùng với các đối tác và đồng minh kiên trì bảo vệ những lợi ích và giá trị của mình, đồng thời thúc đẩy một hệ thống quốc tế tự do, cởi mở và công bằng, theo tuyên bố từ Nhà Trắng.

Nhưng ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo căng thẳng không ngừng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan vẫn là một mối quan ngại lớn.

"Tôi nghĩ chúng ta nên lo ngại", ông Lý trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg ở Singapore hôm 17/11, đề cập đến quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. "Chiến tranh sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng đây là tình huống có thể xảy ra sơ sẩy hoặc tính toán sai lầm".

"Tất cả các bên đều nói ra những điều đúng đắn, nhưng nếu nhìn thẳng vào những gì đang diễn ra thì đây không phải là một tình huống không biến động", ông nói thêm.

Trong khi đó, giới quan sát ngoại giao nhận định các quốc gia khác ở châu Á cũng đang lo lắng rằng họ sẽ khó giữ được lập trường trung lập trong tương lai nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục bị đốt nóng.

Mỹ đang tăng tốc củng cố mạng lưới liên minh trong khu vực. Nằm trong nỗ lực này, Mỹ hồi tháng 9 ký hiệp ước an ninh AUKUS với AustraliaAnh, mở đường cho Canberra sở hữu công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân quan trọng.

Zhou Bo, cựu quan chức quân đội Trung Quốc, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, cho rằng quyết định của Australia tham gia AUKUS và hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel ký với Pháp trước đó, là ví dụ điển hình về rủi ro khi chọn phe.

"Mỹ đã thuyết phục được một đồng minh nửa vời chấp nhận rủi ro bị kéo vào xung đột tiềm tàng trong tương lai với Trung Quốc, nhưng Australia phải trả cái giá rất lớn khi hy sinh lợi ích của đồng minh khác là Pháp", Zhou cho hay.

"Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả đồng minh và đối tác với Mỹ. Mọi nỗ lực nhằm tăng cường liên minh quân sự hay quan hệ sẽ buộc nước thứ ba phải chọn phe. Đây là điều mà các quốc gia trong khu vực ngần ngại nhất", ông này nói thêm.

Ngeow Chow-Bing, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Malaya, Malaysia, nhận định mọi dấu hiệu giảm bớt thù địch đều sẽ được châu Á hoan nghênh, đặc biệt là những nước đang lo ngại về nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới Mỹ - Trung.

Ja Ian Chong, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá các nước trong khu vực đều không muốn phải chọn nghiêng về bất cứ bên nào trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường.

Theo Chong, tình cảnh như vậy có thể khiến các nước trong khu vực rơi vào thế khó xử nếu căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng nóng lên và cánh cửa hợp tác đồng thời với Washington và Bắc Kinh sẽ dần bị thu hẹp.

Ông cho rằng hai cường quốc có thể trấn an khu vực bằng cách mở rộng các cuộc thảo luận sang những lĩnh vực như chống tin tặc, an ninh mạng, các hoạt động chống tin giả...

"Tiến độ hợp tác có thể chậm, thậm chí có thể không tiến triển, đặc biệt ở giai đoạn đầu, nhưng tạo ra các kênh thảo luận về các vấn đề có khả năng gây mất ổn định là điểm khởi đầu", Chong nhấn mạnh.

Theo cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung vừa qua là "tin tốt" cho châu Á khi nó giúp làm giảm phần nào "sức nóng địa chính trị" trong khu vực.

"Nó tạo ra nhiều không gian chính trị hơn cho các mối quan hệ song phương khác, như giữa Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc và Trung Quốc hay Australia và Trung Quốc", ông nói.

Hội nghị là một "nút dừng chiến thuật" trong căng thẳng Mỹ - Trung, nhưng chúng ta "vẫn phải đối mặt với một giai đoạn cạnh tranh rất khó khăn ở phía trước", cựu thủ tướng Australia lưu ý.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét