Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Cuộc đua vũ khí diệt vệ tinh

Nga, Mỹ và Trung Quốc đang phát triển hàng loạt dự án vũ khí diệt vệ tinh nhằm vô hiệu hóa khí tài không gian của đối phương.

Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Mỹ John Raymond đầu năm ngoái thông báo hai vệ tinh Nga đến rất gần vệ tinh do thám của Mỹ ở khoảng cách 160 km. "Đây là hoạt động bất thường và đáng lo ngại, có khả năng gây ra tình huống nguy hiểm trong không gian. Mỹ đã liên lạc với Nga và bày tỏ quan ngại thông qua các kênh ngoại giao", ông nói.

Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ công khai mối đe dọa trực tiếp từ quốc gia khác với vệ tinh nước này. Sự việc trôi qua mà không để lại hậu quả nào, nhưng đó là bước khởi đầu cho giai đoạn mới của cuộc chạy đua vũ trang trên không gian, nơi các vũ khí từng chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết viễn tưởng đã trở thành hiện thực.

Mỹ tố Nga thử tên lửa diệt vệ tinh

Tên lửa phòng không A-235 có khả năng diệt vệ tinh được Nga thử nghiệm năm 2020. Video: BQP Nga.

Điều này cảng trở nên rõ ràng khi Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/11 cho biết đã thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí mới để phá hủy Kosmos 1408, vệ tinh tình báo tín hiệu được Liên Xô phóng lên và đã ở trên quỹ đạo gần 40 năm qua.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đây là hành động "liều lĩnh" và cho thấy Nga đang phát triển "những vũ khí có thể bắn hạ vệ tinh".

Quân sự hóa không gian là cuộc đua xuất hiện từ khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo vào năm 1957. Washington và Moskva đã tìm những phương án để trang bị vũ khí cho vệ tinh nhằm bắn hạ thiết bị đối phương kể từ đó.

Mối lo lớn nhất trong giai đoạn đầu là vũ khí hạt nhân trên không gian. Điều này được giải quyết khi các cường quốc và nhiều nước trên thế giới ký Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967, trong đó cấm thử nghiệm và triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt trên quỹ đạo.

Mỹ, Nga, Trung Quốc và cả Ấn Độ đã nghiên cứu những phương án chiến đấu trong không gian mà không vi phạm hiệp ước này. Cuộc cạnh tranh hiện nay tập trung vào giải pháp tiêu diệt vệ tinh đối phương, vốn đóng vai trò thiết yếu trong bảo đảm liên lạc, do thám và định vị với những đội quân hiện đại.

Năm 1970, Liên Xô thử thành công vệ tinh mang chất nổ có thể diệt vệ tinh khác trên quỹ đạo.

Mỹ đáp trả vào năm 1983, khi tổng thống Ronald Reagan công bố Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, hứa hẹn phát triển những tên lửa dẫn đường chuyên diệt tên lửa đối phương, cùng các vệ tinh có khả năng phát chùm tia laser và vi sóng hủy diệt thiết bị không gian, nhằm bảo đảm ưu thế quân sự cho Washington.

Phần lớn công nghệ được đề cập trong dự án này đều không khả thi. Tuy nhiên, ngày 13/9/1985, tiêm kích F-15A của không quân Mỹ đã phóng tên lửa ASM-135, phá hủy vệ tinh Solwind P78-1 đang bay cách mặt đất 500 km với tốc độ 28.000 km/h. Phát đạn trúng đích trở thành động thái lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên tiêm kích diệt thành công vệ tinh trên quỹ đạo.

Tên lửa ASM-135 tách khỏi máy bay F-15A (trái) và kích hoạt động cơ ngày 13/9/1985. Ảnh: USAF.

Tên lửa ASM-135 tách khỏi máy bay F-15A (trái) và kích hoạt động cơ ngày 13/9/1985. Ảnh: USAF.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng phóng tên lửa bắn hạ vệ tinh lần lượt vào năm 2007 và 2019.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng vụ thử tên lửa diệt vệ tinh thành công của Nga hôm 15/11 không phải động thái bất ngờ. "Nga không nhất thiết phải kích nổ vệ tinh trên quỹ đạo để chứng tỏ năng lực. Đây là màn phô diễn nhằm thể hiện họ sẽ không để Mỹ trở thành nước duy nhất có thể kiểm soát không gian", Isabelle Sourbes-Verger, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp, nêu quan điểm.

Các nước ngày càng giữ bí mật về hoạt động quân sự trên không gian. Nhiều công nghệ vũ trụ hiện nay đều có thể ứng dụng cho mục đích dân sự và quân sự, khiến năng lực của những cường quốc càng trở nên khó đoán định.

Dù vậy, Mỹ từng ám chỉ khả năng bị Nga và Trung Quốc vượt mặt trong cuộc chạy đua vũ trang trên không gian. "Duy trì sự thống trị của Mỹ trên mặt trận này là nhiệm vụ của Quân chủng Vũ trụ", cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper nói hồi năm 2019.

Cuộc đua đã chuyển từ diệt vệ tinh bằng tên lửa hoặc vệ tinh cảm tử sang tìm cách phá hỏng, vô hiệu hóa chúng bằng vũ khí laser hoặc vi sóng.

Cả Nga và Trung Quốc đã phát triển những vệ tinh chuyên bám đuôi và tác động đến mục tiêu. "Chúng có thể trang bị cánh tay máy để đẩy vệ tinh đối phương sang vị trí khác hoặc bẻ cong thiết bị trên đó", Brian Chow, nhà phân tích có 25 năm kinh nghiệm ở Viện RAND ở Mỹ, nhận xét.

Chưa có nhiều vệ tinh loại này được triển khai, nhưng vụ hai vệ tinh Nga áp sát vệ tinh Mỹ năm 2020 cho thấy công nghệ này đã trở thành hiện thực. Bắc Kinh và Washington cũng đang triển khai những dự án tuyệt mật nhằm phát triển tàu vũ trụ cỡ nhỏ, có thể tái sử dụng và được trang bị vũ khí để tấn công mục tiêu trên không gian.

Một cơ sở nghi là trận địa laser chống vệ tinh ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Digital Globe.

Một cơ sở nghi là trận địa laser chống vệ tinh ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Digital Globe.

Nhiều quốc gia cũng đang phát triển những hệ thống khí tài mặt đất để gây nhiễu và làm giả tín hiệu vệ tinh, hoặc dùng vũ khí năng lượng định hướng để phá hỏng mục tiêu. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ hồi năm 2019 cho biết Trung Quốc đang vận hành 5 căn cứ với hệ thống laser mặt đất đủ sức vô hiệu hóa vệ tinh.

"Bất kỳ vệ tinh nào bay qua vùng trời Trung Quốc cũng có thể trở thành mục tiêu bị tấn công", Chow nói.

Vũ Anh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét