Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Lễ hội ánh sáng khiến New Delhi chìm trong khói mù

Ấn ĐộBuổi sáng sau lễ hội ánh sáng Diwali của người Hindu, dân New Delhi thức dậy trong lớp khói mù độc hại nhất năm vì pháo hoa.

Chất lượng không khí tại New Delhi trở nên tồi tệ nhất vào ngày 5/11, sau lễ hội lớn nhất của Ấn Độ một ngày trước đó. Bất chấp lệnh cấm, người dân New Delhi vẫn thi nhau đốt pháo hoa ăn mừng lễ hội ánh sáng Diwali tối 4/11.

Chỉ số Chất lượng Không khí (AIQ) tại New Delhi tăng lên 451 trên thang 500, mức cao nhất được ghi nhận trong năm nay, cho thấy không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới những người mắc bệnh lẫn khỏe mạnh, theo nhận định của ủy ban kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ.

AQI được tính dựa trên nồng độ bụi mịn PM2.5 trong một mét khối không khí. Tại New Delhi, nơi có khoảng 20 triệu dân, chỉ số PM2.5 ngày 5/11 trung bình là 706 microgam/m3. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số PM2.5 vượt 5 microgam/m3 là không an toàn.

Bụi mịn PM2.5 trong không khí có thể gây ra bệnh tim mạch và hô hấp như ung thư phổi. Tại Ấn Độ, mỗi năm có hơn một triệu người chết vì ô nhiễm không khí.

Dân Ấn Độ đi làm dưới màn sương bao phủ New Delhi ngày 5/11. Ảnh: AFP.

Dân Ấn Độ đi làm dưới màn sương bao phủ New Delhi ngày 5/11. Ảnh: AFP.

Diwali là lễ hội Hindu cổ đại, còn được gọi là lễ hội ánh sáng, vì người Ấn Độ có phong tục thắp đèn dầu để mừng chiến thắng của thần Krishna trước Narakasura, chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của cái thiện trước cái ác. Tuy nhiên, người Ấn Độ ngày nay thường đốt pháo, pháo hoa để mừng lễ hội.

Tòa án Tối cao Ấn Độ hàng năm đều ban hành lệnh cấm đốt pháo trước lễ hội Diwali, song chúng hiếm khi được thực thi nghiêm túc. "Lệnh cấm đốt pháo dường như không có tác dụng tại Delhi, khiến mức độ ô nhiễm nguy hiểm tăng cao so với các nguồn phát thải hiện có", Sunil Dahiya, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), cho biết.

Lễ hội Diwali còn diễn ra đúng dịp nông dân các bang lân cận của Delhi là Punjab và Haryana đốt rơm rạ để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo, khiến tình hình ô nhiễm càng thêm trầm trọng. Dữ liệu từ hệ thống giám sát SAFAR của Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ cho biết các đám cháy rơm rạ phát thải tới 35% lượng PM2.5 của New Delhi.

Hồi tháng 10, những cơn mưa và gió giúp dân Delhi được hít thở bầu không khí sạch nhất trong 4 năm. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm tăng cao tại miền bắc Ấn Độ vào những tháng mùa đông do nhiệt độ thấp và tốc độ gió giảm, khiến các chất ô nhiễm có xu hướng bị giữ lại trong không khí lâu hơn.

Dân New Delhi đốt pháo hoa mừng lễ hội ánh sáng Diwali ngày 4/11. Ảnh: AFP.

Dân New Delhi đốt pháo hoa mừng lễ hội ánh sáng Diwali ngày 4/11. Ảnh: AFP.

Ambrish Mithal, một bác sĩ tại bệnh viện Max HealthCare ở New Delhi, thất vọng khi chỉ số AQI ngày càng xấu đi và chán nản khi giới chức không có những biện pháp hiệu quả giúp thủ đô trở nên dễ sống hơn.

"Thật khủng khiếp với những người bị dị ứng và hen suyễn. Chúng ta sẽ tiếp tục cãi nhau về các lý do rồi cam chịu đau khổ", Mithal cho biết.

Giới chức Ấn Độ bị chỉ trích vì không hành động đủ quyết liệt để hạn chế ô nhiễm, khi ưu tiên tăng trưởng kinh tế để nâng cao mức sống ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Thủ tướng Narendra Modi ngày 1/11 phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 rằng Ấn Độ sẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2070, song nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu này bị muộn ít nhất hai thập kỷ so với mốc kỳ vọng.

Nguyễn Tiến (Theo CNBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét