Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

'Thỏi nam châm' Singapore lo mất sức hút

Singapore lo ngại thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu mà G20 mới đạt được có thể khiến nước này khó thu hút những nhà đầu tư giàu có.

Sau khi lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia lớn, Thủ tướng Lý Hiển Long đã bày tỏ quan ngại của chính quyền Singapore về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài.

Singapore sẽ xem xét điều chỉnh các ưu đãi thuế của mình, ông nói với phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy, hồi cuối tuần trước. "Tôi thấy trước được rằng chúng tôi sẽ phải đối diện với tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn. Nhưng chúng tôi sẽ thực hiện nó theo cách của mình", Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố.

Singapore hiện duy trì mức thuế doanh nghiệp 17%, nhưng Ủy ban Phát triển Kinh tế của nước này từ lâu đã đưa ra những khoản trợ cấp ưu đãi cho các nhà đầu tư cùng nhiều chương trình khác nhằm giảm mức thuế thực tế xuống chỉ còn 4% trong một số trường hợp.

Khách sạn Marina Bay Sands thắp sáng tri ân các nhân viên y tế và những người bị cách ly vì Covid-19 ở Singapore hồi tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Khách sạn Marina Bay Sands thắp sáng tri ân các nhân viên y tế và những người bị cách ly vì Covid-19 ở Singapore hồi tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Tính ổn định chính trị và hệ thống pháp luật chặt chẽ của Singapore là những yếu tố khuyến khích các tỷ phú, như người đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin hay ông chủ chuỗi cửa hàng lẩu Haidilao Zhang Yong, tìm đến quốc đảo này để xây dựng đế chế của riêng mình.

Singapore không đánh thuế tài sản của người giàu, nhưng vấn đề này ngày càng được bàn thảo nhiều, khi chính quyền tìm cách nâng cao chi tiêu xã hội nhằm giải quyết khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng và nhu cầu của dân số đang già đi nhanh chóng.

Singapore lâu nay luôn là điểm đến hàng đầu của dòng vốn nước ngoài ở Đông Nam Á. Theo một báo cáo đầu tư từ Liên Hợp Quốc, Singapore chiếm 67% tổng vốn đầu tư vào khu vực trong năm ngoái, trị giá tới 91 tỷ USD.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong hồi tháng 7 cho biết khoảng 1.800 công ty đa quốc gia ở sẽ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận về thuế mới, với phần lớn trong số họ đang nộp mức thuế thực tế dưới 15%. Vào thời điểm đó, ông cho biết vẫn còn quá sớm để tìm ra ảnh hưởng mà thỏa thuận sẽ gây ra với Singapore.

Các nhà phân tích và kinh tế học đồng ý rằng Singapore có lý do để lo ngại, nhưng nhấn mạnh thỏa thuận thuế của G20 sẽ không phải là một rào cản đối với những công ty nước ngoài đang tìm cách đặt trụ sở tại đây.

Vinod Thomas, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết thỏa thuận thuế sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn tài chính của Singapore song "chỉ ở mức khiêm tốn".

"Đó là vì thuế suất cơ bản 17% của Singapore gần với mức thuế sàn 15% mới được đề xuất, nên nó vẫn mang tính cạnh tranh", ông nói.

Lawrence Loh, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết thuế doanh nghiệp và cá nhân là yếu tố chính mà các ông chủ cân nhắc trước khi đầu tư. Theo ông, thuế doanh nghiệp sẽ là yếu tố "tương đối quan trọng" vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận phân bổ.

Theo ông, mức thuế tối thiểu mới sẽ tác động tới một số quyết định của các doanh nghiệp, nhưng không quá nặng nề.

Thỏa thuận thuế mới dự kiến có hiệu lực từ năm 2023, áp dụng cho các công ty có doanh thu hàng năm trên 865 triệu USD. Đây là nỗ lực được gần 140 quốc gia ủng hộ nhằm chấm dứt hoạt động che giấu lợi nhuận ở các quốc gia thuế suất thấp của các tập đoàn lớn như Apple hay công ty mẹ Alphabet của Google.

Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định Singapore có thể phải chịu một số rủi ro tăng giá vì thỏa thuận thuế mới.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy, cuối tuần trước. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy, cuối tuần trước. Ảnh: AFP.

Hơn 4.500 công ty Mỹ đang hoạt động ở Singapore và Chua dự đoán hơn 60% trong số này có thể thiệt hại một số lợi ích thuế. Mức thuế thực tế mà các tập đoàn đa quốc gia Mỹ tại Singapore phải trả là khoảng 4%, thuộc mức thấp so với các công ty Mỹ khác trên toàn cầu, chỉ sau Bermuda, Quần đảo Cayman và Puerto Rico.

Một số công ty nước ngoài khác có trụ sở tại Singapore cũng được hưởng mức thuế thực tế thấp hơn 17%, bao gồm các công ty đến từ Indonesia (4,2%), Australia (6,7%) hay Italy (8,2%).

"Những ưu đãi thuế của Singapore có thể không chỉ vì lý do kinh tế, mà còn là một quyết định chiến lược nhằm biến đảo quốc thành thỏi nam châm thu hút các khoản đầu tư và sự quan tâm của Mỹ vào nước này và cả khu vực", Chua nhận xét.

Trong số các công ty Mỹ đặt trụ sở ở Singapore có những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google hay Facebook.

Tuy nhiên, tác động của mức thuế sàn mới đối với Singapore sẽ được hạn chế bởi ngành tài chính và vận tải, chiếm gần 1/5 GDP Singapore, không có trong thỏa thuận.

Theo giới phân tích, Singapore có thể gia tăng lợi thế so với các nước khác thông qua tăng cường những chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Giáo sư Loh cho rằng Singapore có thể tăng thêm những ưu đãi phi thuế quan như khả năng tiếp cận đất đai hoặc cơ sở vật chất, chi phí khởi nghiệp và tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu.

"Singapore sẽ phải dựa vào các yếu tố cơ bản quan trọng hơn như công nhân lành nghề, công nghệ đổi mới, quy định hợp lý và ổn định chính trị để tiếp tục duy trì sức hấp dẫn", ông lưu ý.

Sum Yee Loong, giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore, nói rằng với thỏa thuận thuế mới, sẽ không khôn ngoan nếu Singapore tiếp tục áp dụng chính sách miễn giảm thuế cho các công ty. Thay vào đó, chính phủ có thể xem xét các biện pháp như tài trợ đào tạo lao động chuyên môn hay cấp vốn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

"Vì chính phủ là chủ sở hữu đất lớn nhất Singapore nên họ có thể cung cấp giá thuê mặt bằng hấp dẫn và có vị trí thuận lợi cho các ngành hoặc công ty mà chính phủ đang cố gắng thu hút", ông nói.

Thomas, cựu phó chủ tịch WB, hiện là giáo sư thỉnh giảng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, nhấn mạnh các công ty đa quốc gia lớn còn bị thu hút bởi Singapore vì những điều "vô hình", đặc biệt là khả năng dự đoán kinh tế vĩ mô, thể chế vững chắc, mức độ chuyên môn hóa tài chính cao hay lực lượng lao động lành nghề. "Khi mức thuế sàn cân bằng sân chơi cho tất cả các nền kinh tế, những yếu tố vô hình này có thể đóng vai trò lớn hơn trong tương lai", ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét