Một tổ chức nhân đạo kiện cảnh sát biển Pháp và Anh tội ngộ sát vì không giúp đỡ người di cư trong vụ lật xuồng ở eo biển Manche.
Phòng công tố Paris hôm nay thông báo nhận được đơn kiện từ tổ chức nhân đạo Utopia 56 của Pháp, trong đó cáo buộc cảnh sát biển Manche và Biển Bắc, Trung tâm điều hành giám sát khu vực và cứu hộ Gris-Nez ở Pas-de-Calais của Pháp và cảnh sát biển bờ biển Anh đã không ngăn chặn thảm kịch 27 người di cư chết đuối.
Utopia 56 cho biết "dự định điều tra xác định trách nhiệm của các cơ quan cứu hộ Pháp và Anh" trong thảm kịch này, đồng thời khẳng định các nạn nhân đã bị bỏ rơi dù cơ quan cứu hộ Anh và Pháp nhận được thông báo. Nikolai Posner, phát ngôn viên Utopia 56, thêm rằng tổ chức này khởi kiện nhằm "nhắc nhở các chính phủ rằng cần xem xét lại chính sách biên giới".
Các bên bị kiện chưa bình luận. Giới chức Anh và Pháp từng tranh cãi xem bên nào phải chịu trách nhiệm và cần làm gì trong tương lai để ngăn thảm kịch tái diễn.
Xuồng cao su chở 34 người nhập cư bị lật khi cố vượt eo biển Manche hôm 24/11, khiến 27 người thiệt mạng, trong đó có một người Việt.
Hai người sống sót kể rằng đã gọi cho lực lượng cứu hộ khi xuồng bị xì hơi nhưng bị phớt lờ. Theo đó, giới chức Anh tuyên bố xuồng đang trong vùng biển Pháp, còn Pháp nói ngược lại. Thông tin cũng được gia đình các nạn nhân xác nhận.
Eo biển Manche từ Pháp tới Anh chỉ rộng 33 km nhưng là một trong những vùng biển nhộn nhịp và nguy hiểm nhất thế giới, khiến nó được coi là "eo biển tử thần" với người di cư.
Ngày càng nhiều người mạo hiểm vượt qua nó để tới được nước Anh, bất chấp hiểm nguy rình rập với hy vọng xin tị nạn hoặc tìm được cơ hội đổi đời ở Anh. Các nhóm buôn người thường dùng xuồng cao su gắn động cơ để đưa người di cư vượt eo biển. Số vụ vượt biên trong năm nay đã tăng gấp ba lần so với năm 2020.
Hồng Hạnh (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét