Nga - Trung xích lại gần nhau giữa sức ép phương Tây, nhưng khó lập liên minh quân sự khi nguy cơ xung đột vũ trang không rõ ràng, theo đại tá Nguyễn Minh Tâm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/12 điện đàm, gọi nhau là "bạn cũ thân thiết", cam kết ủng hộ lẫn nhau và tăng cường hợp tác đối phó sức ép lớn từ phương Tây.
Trong cuộc gặp, ông Tập khẳng định hai nước "kiên quyết ủng hộ nhau trong các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi và bảo vệ phẩm giá của mỗi quốc gia", làm dấy lên đồn đoán về khả năng Nga - Trung sẽ thành lập một liên minh quân sự nhằm đối trọng với NATO. Moskva và Bắc Kinh gần đây cũng tăng cường các hoạt động diễn tập chung, trong đó có đợt tuần tra chung đầu tiên ở Thái Bình Dương hồi tháng 10.
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress rằng khả năng một khối quân sự Nga - Trung hình thành trong thời gian tới là không cao.
"Hai nước này chưa cần thành lập một liên minh quân sự như vậy, bởi nguy cơ chiến tranh nóng vẫn có nhưng không cao, bất chấp căng thẳng tại Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan", ông Tâm nói.
Theo chuyên gia này, quan hệ Nga - Trung trong lịch sử có bản chất vừa là đối tác, vừa là đối thủ, vừa hợp tác vừa đấu tranh. "Cả Moskva và Bắc Kinh đều nhận thức được rằng xích mích của họ liên quan đến đường biên giới trên bộ dài hơn 4.000 km nếu không giải quyết ổn thỏa sẽ tạo ra kẽ hở để đối thủ lợi dụng kích động, chia rẽ nhằm suy yếu cả hai nước".
Do đó, Nga và Trung Quốc mong muốn một đường biên giới hữu nghị, ổn định và hòa bình để hợp tác phát triển kinh tế xã hội, thay vì lập liên minh quân sự, vốn mang tính ràng buộc trong vấn đề đảm bảo an ninh cho nhau.
Esref Yalinkilicli, nhà phân tích về Á - Âu tại Moskva, cũng cho rằng quan hệ hiện nay giữa Nga và Trung Quốc là một "liên minh chiến thuật" và có thể phát triển thành mức độ chiến lược, nhưng một số quan chức ở Moskva vẫn lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh lấn lướt trong mối quan hệ như vậy.
Động lực xích lại gần nhau giữa hai nước càng trở nên mạnh mẽ khi phương Tây dần mất lợi thế kinh tế trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi Nga ngày càng hành động quyết liệt hơn về mặt quân sự với NATO ở các điểm nóng như Ukraine, theo Yalinkilicli.
"Họ sẽ thách thức liên minh phương Tây, nhưng cách thách thức của hai nước chủ yếu dựa vào sức mạnh kinh tế, hơn là lựa chọn phương án quân sự ở những địa điểm nhất định", chuyên gia này nói.
Đại tá Tâm cũng nhận định Nga và Trung Quốc sẽ tập trung xây dựng liên kết mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực như năng lượng, kinh tế và đặc biệt là tài chính. "Nga thỏa thuận với Trung Quốc sử dụng nội tệ của hai nước trong các hoạt động thương mại như đã làm với Ấn Độ, động thái có thể làm suy yếu sức mạnh của đồng USD", ông nói.
Hai bên thỏa thuận xây dựng hạ tầng tài chính mạnh để thúc đẩy trao đổi thương mại có thể tạo ra thị trường chứng khoán liên kết khu vực mới ở châu Á, bên cạnh các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong. Hệ thống này đe dọa thế độc tôn của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như New York, London, Paris và Tokyo.
Nga và Trung Quốc cũng thúc đẩy hợp tác năng lượng với các ngành than đá, dầu mỏ và khí đốt nhằm giúp đôi bên tránh hành động ràng buộc, cấm vận hay trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
"Moskva và Bắc Kinh đang tiến tới một bầu trời riêng của hai nước trong phần lớn các vấn đề kinh tế, tài chính, kỹ thuật và công nghệ mang tính then chốt và cốt lõi. Đó là bệ đỡ rất chắc chắn cho quân sự khi cần", đại tá Tâm nói. Ông nhận định đây là điều Mỹ lo ngại nhất khi quan hệ Trung Quốc và Nga trở nên nồng ấm, thay vì liên minh quân sự kiểu "Khối Warsaw" trước đây.
Để ứng phó, Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm cách tăng sức ép trừng phạt nhằm vào Nga, chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ ngày càng kém hiệu quả, thậm chí bị các nước châu Âu, nhất là Đức, coi là phản tác dụng.
Mỹ cũng khó gây thêm sức ép với Trung Quốc, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden vẫn chưa thể tìm cách tháo gỡ hiệu quả vướng mắc từ thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký với Bắc Kinh dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Những biện pháp răn đe của Mỹ và phương Tây còn có nguy cơ gây ra đứt gãy mới trong chuỗi cung ứng nhiên liệu và nguyên liệu toàn cầu, đặc biệt các loại nguyên liệu chiến lược như đất hiếm và titan.
"Mỹ và phương Tây sẽ còn gặp nhiều lúng túng khi đối phó với quan hệ Nga - Trung đang ngày càng chặt chẽ và còn nhiều tiềm năng phát triển", đại tá Tâm nhận định.
Nguyễn Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét