Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Biden đau đầu với cuộc chiến thương mại của Trump

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc mà Trump để lại cho Biden chứa nhiều mục tiêu khó hoàn thành như kỳ vọng.

Khi kế nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden nói ông sẽ chọn hướng đi khác trong vấn đề Trung Quốc. Biden cho rằng cuộc chiến thương mại thời Trump khiến nông dân và người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt, đồng thời không giải quyết được những vấn đề đáng lo ngại nhất trong chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm đầu nhiệm kỳ của Biden gần kết thúc mà ông chưa thực hiện được thay đổi nào đáng kể trong vấn đề này. Ông vẫn mắc kẹt với thỏa thuận thương mại giai đoạn một được Mỹ - Trung ký vào tháng 1/2020, gồm những lời hứa từ Bắc Kinh với Trump nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại. Phần lớn các nhượng bộ đó đến nay vẫn nằm trên giấy do quá trình thực thi chưa đáp ứng kỳ vọng ban đầu.

Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc khó hoàn thành cam kết mua thêm 200 tỷ USD sản phẩm Mỹ gồm năng lượng, dịch vụ, thực phẩm và hàng sản xuất trong giai đoạn 2020-2021. Theo Chad P. Bown thuộc Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế tại Mỹ, đến cuối năm 2022, Trung Quốc nhiều khả năng chỉ thực hiện được 60% cam kết này.

Nông sản là hạng mục tiến gần vạch đích nhất trong cam kết mua hàng Mỹ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã hoàn thành khoảng 83% mục tiêu nhập khẩu, trong đó ngô và thịt lợn tăng mạnh vì nguồn cung nội địa giảm sau dịch tả lợn năm 2018. Tuy nhiên, nhập khẩu đậu nành, tôm hùm và một số mặt hàng khác vẫn thấp hơn kỳ vọng.

Với hàng hóa chế tạo gồm máy bay, ôtô, thiết bị y tế, dược phẩm và máy công nghiệp, Trung Quốc hoàn thành khoảng 60% cam kết. Trong danh sách này, lượng mua máy bay và ôtô Mỹ gây thất vọng nhất, một phần do lệnh cấm bay với dòng Boeing 737 Max. Tiến độ mua năng lượng Mỹ gồm than đá, dầu thô và sản phẩm hóa dầu đạt khoảng 37% cam kết.

Khi trao đổi với những người đồng cấp Mỹ, quan chức Trung Quốc thường lấy lý do đại dịch toàn cầu, nhà xưởng hoạt động ngắt quãng và những rối loạn trong mạng lưới vận tải hàng hải quốc tế để giải thích cho chậm trễ trong thực hiện cam kết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) họp thượng đỉnh hôm 16/11. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 16/11. Ảnh: AFP.

Theo bình luận viên Ana Swanson của NY Times, Tổng thống Biden đang đau đầu với di sản của Trump. Nhà Trắng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Trung Quốc có dấu hiệu cố tình không hoàn thành cam kết ban đầu: Trừng phạt mạnh tay sẽ đi ngược lại nguyện vọng của doanh nghiệp lẫn lời hứa cá nhân, nhưng không hành động sẽ bị xem là mềm mỏng với Bắc Kinh.

Nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn một yêu cầu các bên tham vấn thêm nếu có "sự kiện ngoài dự báo và ngoài khả năng kiểm soát khiến một bên không thể hoàn thành trách nhiệm đúng hạn". Thỏa thuận cũng cho phép chính phủ Mỹ tự bảo vệ lợi ích bằng các đòn thuế nếu Trung Quốc vi phạm cam kết và hai bên không thể nhất trí hướng giải quyết.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kêu gọi chính quyền Biden nới lỏng mức thuế do cựu tổng thống Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc. Với tình trạng lạm phát hiện nay ở Mỹ và ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, nâng hàng rào thuế quan là lựa chọn "lợi bất cập hại", rủi ro đẩy vật giá leo thang và khiến người dân Mỹ chịu thiệt thêm.

Các chuyên gia thương mại không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc không hoàn thành cam kết mua hàng Mỹ đầy tham vọng. Chính Trump từng nói một số mục tiêu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một dựa trên cảm tính cá nhân. Trong cuộc họp tháng 10/2019, Trump muốn Bắc Kinh mua 60-70 tỷ USD nông sản Mỹ một năm, trước khi các cố vấn thuyết phục ông hạ mục tiêu còn 40-50 tỷ USD/năm, với lý do nông dân Mỹ không đủ khả năng đáp ứng nguồn cung.

"Từ những tháng đầu tiên thực hiện thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc đã không đảm bảo tiến độ. Dĩ nhiên chúng ta cần xem xét vấn đề đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, nhưng phần lớn mục tiêu không thực tế", Brown nhận định.

Cả quan chức Mỹ và Trung Quốc đều nhấn mạnh cam kết mua hàng chỉ là một phần thỏa thuận. Ngoài những con số hoành tráng để Trump lấy lòng cử tri, thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh còn một số điều khoản quan trọng như cải cách quy trình nhập khẩu nông sản Mỹ vào Trung Quốc, tăng mức phạt đối với vi phạm luật bảo vệ sở hữu trí tuệ hay giảm rào cản hãng tài chính Mỹ làm ăn ở Trung Quốc.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đang thúc giục giới chức Bắc Kinh thực thi những cam kết trên, cùng một số nội dung ngoài thỏa thuận như vấn đề trợ cấp công nghiệp ở Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ buộc họ chịu trách nhiệm", bà nhấn mạnh.

Chính quyền Biden cũng tìm cách giảm sự chú ý của dư luận vào câu chuyện Trung Quốc mua được bao nhiêu hàng Mỹ. Giới chức Mỹ thời gian qua nhiều lần khẳng định họ đang xây dựng loạt chính sách thương mại đánh vào những vấn đề quan trọng hơn liên quan đến Trung Quốc, điển hình là các thỏa thuận thương mại với châu Âu về hợp tác công nghệ, máy bay dân sự và chống phá giá thép.

Thông qua loạt thỏa thuận với đồng minh phương Tây, Mỹ tham vọng đặt ra những tiêu chuẩn thương mại mới có lợi hơn cho nhóm nền kinh tế thị trường tự do, thu hút thêm đối tác cùng chí hướng "gia nhập câu lạc bộ".

Daniel H. Rosen, thành viên sáng lập nhóm nghiên cứu Rhodium Group chuyên về các vấn đề Trung Quốc, đánh giá thỏa thuận của Trump đang được chính quyền Biden dùng làm nền tảng mới cho quan hệ Washington - Bắc Kinh. Thay vì chạy theo những mục tiêu không tưởng trong thỏa thuận, Biden và đội ngũ đang lôi kéo đồng minh, tăng sức ép tạo thay đổi cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc dựa vào loạt cam kết cải cách Bắc Kinh từng chấp nhận.

"Họ buộc phải kế thừa thỏa thuận này và đang tìm cách làm nó trở nên hữu dụng", Rosen nhận định.

Trung Nhân (Theo NY Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét