Không thể lấy dù khi oanh tạc cơ bốc cháy, Nicholas Alkemade nhảy ra ngoài, rơi tự do từ độ cao 5.500 m và may mắn sống sót năm 1944.
Vào một buổi tối lạnh giá tháng 3/1944, lính không quân Anh Nicholas Alkemade nhảy khỏi oanh tạc cơ Lancaster ở độ cao gần 5.500 m sau khi nó trúng đạn bốc cháy. Hàng nghìn phi công từng rơi vào tình huống tương tự trong Thế chiến II, nhưng trường hợp của Alkemade là độc nhất vô nhị, bởi người lính Anh này đã sống sót kỳ diệu sau cú nhảy mà không có dù.
Alkemade sinh ngày 10/12/1922 ở North Walsham, Norfolk, gia nhập không quân Anh vào đầu Thế chiến II. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, Alkemade được điều đến Phi đoàn số 115 với vai trò là xạ thủ súng máy đuôi trên oanh tạc cơ Avro Lancaster.
Phi hành đoàn của Alkemade đã hoàn thành 14 nhiệm vụ trước khi xuất kích ném bom thủ đô Berlin của Đức ngày 24/3/1944. Oanh tạc cơ Lancaster rời căn cứ Witchford với phi hành đoàn 7 người lúc 19h hôm đó.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ném bom, chiếc Lancaster bắt đầu hành trình trở về căn cứ. Tuy nhiên, gặp thời tiết bất lợi, họ bị chệch hướng về phía nam, bay qua vùng Ruhr được phát xít Đức bảo vệ nghiêm ngặt.
Oanh tạc cơ của Alkemade bị tiêm kích Ju 88 Đức tấn công. Hỏa lực từ pháo và súng máy của chiến đấu cơ Đức khiến chiếc Lancaster bốc cháy, lửa nhanh chóng lan ra toàn bộ máy bay. Phần kính quanh tháp pháo đuôi của Alkemade bị thổi bay, khiến ông hứng trọn luồng khí lạnh giá ở độ cao lớn.
Sau một hồi vật lộn với máy bay bốc cháy, phi công James Newman ra lệnh cho phi hành đoàn nhảy dù thoát ly. Tuy nhiên, đây không phải điều dễ dàng với Alkemade.
Do tháp pháo đuôi chiếc Lancaster quá nhỏ, ông không thể mang theo dù vào bên trong, mà phải cất tại khoang đuôi máy bay. Để nhảy dù, ông phải vào mở cửa tháp pháo, vào khoang đuôi lấy dù, trong khi phi cơ đang nhanh chóng mất độ cao và bốc cháy dữ dội.
Khi mở cửa tháp pháo, Alkemade nhận thấy ngọn lửa bùng phát dữ dội trong khoang và đã thiêu cháy chiếc dù của ông. Quân phục của Alkemade cũng bị bắt lửa, khiến ông phải đóng cửa tháp pháo để đảm bảo an toàn.
Dầu thủy lực của tháp pháo cũng bốc cháy và phun lửa vào người Alkemade. Lúc này, xạ thủ Anh chỉ có hai lựa chọn là ở yên trong máy bay đang lao xuống hoặc nhảy ra ngoài, chấp nhận rơi tự do. Trong giây phút sinh tử đó, Alkemade quyết định nhảy khỏi máy bay mà không có dù.
"Nếu ở lại, tôi sẽ chết cháy bởi quần áo của tôi đã bắt lửa, mặt và bàn tay bị bỏng, nên tôi quyết định nhảy ra ngoài để kết thúc tất cả thật nhanh", Alkemade kể lại.
Xạ thủ Anh xoay tháp pháo sang phải, thậm chí không kịp cởi mũ bảo hiểm và điện đàm trước khi nhào ra ngoài. "Khi rơi xuống, mọi thứ rất yên tĩnh, âm thanh duy nhất là tiếng động cơ máy bay ở xa và tôi không có cảm giác đang rơi. Suy nghĩ chính của tôi là hối tiếc vì không được trở về nhà, tôi không cảm thấy gì lạ khi biết rằng mình sẽ chết trong vài giây tới", Alkemade hồi tưởng.
Alkemade sau đó bất tỉnh khi đang rơi tự do từ độ cao 5.500 m với vận tốc gần 200 km/h. Điều kỳ diệu xảy ra khi Alkemade tỉnh dậy 3 tiếng sau, trong một đống tuyết lớn, phía trên là bầu trời đêm đông đầy sao.
Xạ thủ Anh châm điếu thuốc và kiểm tra cơ thể, nhận thấy mình chỉ bị trẹo đầu gối, bầm tím và bỏng do đám cháy trên oanh tạc cơ. Ông đã sống sót sau cú rơi tự do và hoàn toàn không bị tổn thương nghiêm trọng.
Alkemade sống sót nhờ rơi xuống đống tuyết dày gần nửa mét trong một khu rừng linh sam nhỏ. Khóm cây đã bảo vệ đống tuyết khỏi tan chảy dưới ánh nắng Mặt Trời, trong khi cách đó chỉ khoảng 6 m là bãi đất trống không có tuyết. Cành linh sam cũng giúp Alkemade giảm tốc độ trước khi rơi xuống đống tuyết.
Bị thương và không thể đi lại, Alkemade đã thổi còi với hy vọng được trợ giúp. Một số người dân Đức đã tìm thấy và chữa trị cho ông. Alkemade bị cảnh sát mật Gestapo của Đức thẩm vấn rồi đưa vào trại tù binh. Ông được thả sau chiến tranh, làm việc trong một nhà máy hóa chất và qua đời tháng 6/1987 ở tuổi 65.
Duy Sơn (Theo WATM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét