Quyết định nối lại thỏa thuận ngũ cốc cho thấy Nga đang cạn dần lựa chọn tăng sức ép với Ukraine, trong khi ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/10 tuyên bố đình chỉ thực thi thỏa thuận ngũ cốc sau khi cáo buộc Ukraine thực hiện vụ tập kích tàu chiến Hạm đội Biển Đen tại cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea. Nga trước đó cũng từng đe dọa rút khỏi thỏa thuận sau vụ nổ cầu Kerch ở Crimea hôm 8/10.
Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 1/11, Tổng thống Vladimir Putin đã đảo ngược quyết định, với sự nhượng bộ duy nhất mà ông nhận được là "đảm bảo bằng văn bản" từ Kiev về không sử dụng hàng lang vận chuyển ngũ cốc trên biển cho mục đích quân sự.
"Đây là động thái khá bất ngờ. Chúng tôi không tin thỏa thuận này sẽ chết, nhưng không nghĩ Nga đổi ý nhanh như vậy", Andrey Sizov, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu thị trường nông nghiệp Sovecon, trụ sở ở Moskva, nói. "Thổ Nhĩ Kỳ đã làm rất tốt".
Tatiana Stanovaya, nhà sáng lập công ty phân tích chính trị R.Politik ở Nga, cho rằng quyết định nối lại thỏa thuận cho thấy Nga không có phương cách nào để ngăn chặn dòng chảy xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
"Điện Kremlin đã rơi vào cái bẫy của chính mình mà không biết làm thế nào để thoát ra", Stanovaya nói.
Theo chuyên gia này, sau khi quân cảng ở Sevastopol bị tập kích, Nga đã rất tức giận và tuyên bố đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc như một biện pháp đáp trả. "Nhưng Nga không biết làm thế nào để ngăn tàu xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine", Stanovaya cho hay. "Họ chỉ có thể làm như vậy bằng biện pháp quân sự, nhưng sử dụng vũ lực với tàu hàng không nằm trong kế hoạch của Moskva".
Trong khi đó, quyết định đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc của Nga cũng có thể chọc giận lãnh đạo các nước châu Phi và Trung Đông, những người mà ông Putin tìm cách thu hút ủng hộ. Trước khi xung đột Ukraine bùng phát, các nước châu Phi và Trung Đông nhập phần lớn lượng ngũ cốc xuất khẩu của Kiev.
Trong một thông báo về gia hạn thỏa thuận hôm 2/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho hay các lô hàng ngũ cốc Ukraine tiếp theo sẽ được chuyển tới Somalia, Djibouti và Sudan, các quốc gia ở châu Phi.
Giới chuyên gia nhận định các bên liên quan có thể đã đưa ra một số cam kết riêng với Moskva, như đảm bảo giúp Nga xuất khẩu lương thực của họ, để thuyết phục ông Putin nối lại thỏa thuận ngũ cốc. Tuy nhiên, Stanovaya cho rằng những gì đã diễn ra cho thấy Nga chỉ nhượng bộ khi vấp phải phản kháng và thách thức.
"Ông Putin biết cách thoái lui khi cần", chuyên gia này nói.
Giới chức Ukraine và các nhà quan sát cho rằng thỏa thuận ngũ cốc có thể là bài học để phương Tây tìm ra cách thuyết phục Nga nhượng bộ, trong thời điểm ông Putin dường như muốn leo thang tình hình như một cách để giữ hình ảnh sau những thất bại trên chiến trường.
"Họ sẽ nhượng bộ trước đối thủ biết cách thể hiện rõ lập trường", Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, viết trên Telegram. "Cách để khiến họ xuống thang chính là chúng ta thể hiện sức mạnh một cách hợp lý".
Sự việc cũng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một bên quyền lực trong các cuộc đàm phán về xung đột Ukraine. Tổng thống Erdogan đã đóng vai trò quan trọng trong các thỏa thuận trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine.
Khi Nga bị phương Tây cô lập về ngoại giao và kinh tế, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên một cách rõ rệt.
"Chúng tôi biết Ankara có tiếng nói ở đây, nhưng không ngờ họ có ảnh hưởng tới ông Putin nhiều tới vậy. Tôi thực sự tò mò về bí mật của ông Erdogan", chuyên gia tư vấn Andrei Sizov nói.
Tại Nga, quyết định nối lại thỏa thuận ngũ cốc đã khiến nhiều người có quan điểm cứng rắn với Ukraine bất bình.
"Họ không quan tâm đến cuộc chiến này. Họ chỉ để ý tới tiền", một tài khoản Telegram nổi tiếng từng kêu gọi quyên góp mua trang bị cho binh sĩ Nga, cho hay. "Đó là cách suy nghĩ của các chính trị gia. Họ không quan tâm tới những người lính suýt chết ở Sevastopol".
Nhiều blogger và nhà báo Nga ủng hộ Điện Kremlin cũng lên tiếng chỉ trích quyết định nối lại thỏa thuận ngũ cốc. "Những đảm bảo của Ukraine không đủ để tạo dựng niềm tin sau 8 năm họ vi phạm các điều khoản về giải quyết xung đột ở vùng Donbass", Colonel Cassad, tài khoản Telegran với hơn 800.000 người theo dõi ở Nga, viết.
Thanh Tâm (Theo Guardian, Euronews)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét