Loạt tên lửa Triều Tiên phóng những ngày qua cho thấy thách thức với nỗ lực theo dõi của Hàn Quốc và Nhật Bản, ngay cả trong thời bình.
Khó khăn với lá chắn tên lửa Hàn Quốc và Nhật Bản được thể hiện qua những thông tin bất nhất được công bố sau loạt phóng tên lửa của Triều Tiên trong tuần qua.
Chính phủ Nhật Bản sáng 3/11 cảnh báo tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay qua lãnh thổ, yêu cầu người dân tại ba tỉnh miền trung sơ tán đến hầm trú ẩn, nhưng sau đó đính chính thông tin và nói rằng tên lửa không bay qua đất Nhật. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada thừa nhận thông tin ban đầu bị nhầm lẫn do nước này "mất dấu quả đạn khi nó bay qua biển Nhật Bản".
Quân đội Hàn Quốc trước đó cũng liên tục thay đổi con số tên lửa được Triều Tiên phóng trong buổi sáng, từ một quả lên ba tên lửa, sau đó nói rằng Bình Nhưỡng đã khai hỏa hơn 10 tên lửa đạn đạo.
Cựu quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng những thông tin bất nhất này không phản ánh năng lực phòng thủ tên lửa của Tokyo hay Seoul. "Hàn Quốc và Nhật Bản đều muốn công bố thông tin càng sớm càng tốt, đôi khi họ đánh đổi độ chính xác để lấy tốc độ thông báo về sự việc", người này cho hay.
Cựu quan chức Mỹ nói rằng dữ liệu sơ bộ về đường bay tên lửa được công bố cho người dân khác với dữ liệu thời gian thực được quân đội các nước sử dụng cho lá chắn phòng thủ. "Bản báo cáo đầy đủ sẽ cần nhiều thời gian để tính toán dữ liệu, kiểm tra và phân tích. Đó không phải những gì diễn ra trong các trung tâm chỉ huy phòng không, phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh", ông nói.
Ankit Panda, chuyên gia về các vấn đề vũ khí hạt nhân tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Mỹ, cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản không có vệ tinh cảnh báo sớm trang bị cảm biến hồng ngoại như Mỹ.
"Vệ tinh cảnh báo có độ chính xác cao, đủ sức phát hiện tín hiệu hồng ngoại từ động cơ tên lửa không lâu sau khi nó rời bệ phóng. Mỹ luôn nắm thông tin về các vụ phóng tên lửa tốt hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi hai nước này vẫn phải dựa vào cảm biến trên mặt đất và tàu chiến để theo dõi tên lửa Triều Tiên", ông nhận định.
Triều Tiên hôm 2/11 phóng tổng cộng ít nhất 23 tên lửa các loại, trong đó chủ yếu là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tần suất cao nhất từ trước đến nay. Bình Nhưỡng đã khai hỏa hàng chục tên lửa đạn đạo và hàng trăm quả đạn pháo chỉ trong một tuần qua.
"Điều đó cho thấy nỗ lực của Triều Tiên nhằm sản xuất lượng lớn tên lửa cỡ nhỏ, có khả năng cơ động cao, nhằm lẩn tránh và gây quá tải lưới phòng thủ đối phương. Khi nổ ra xung đột, lá chắn tên lửa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể đánh chặn một số quả đạn để hạn chế thiệt hại, nhưng gần như không thể bắn hạ toàn bộ tên lửa đạn đạo Triều Tiên", Panda nêu quan điểm.
Giới phân tích cho rằng Hàn Quốc không muốn tích hợp mạng lưới phòng không vào lá chắn tên lửa Mỹ một cách chặt chẽ như Nhật Bản vì nhiều lý do, như theo đuổi năng lực tự chủ và thúc đẩy các dự án vũ khí nội địa, cũng như lo ngại chọc giận Bắc Kinh và quan hệ căng thẳng với Tokyo.
Quan chức Mỹ giấu tên cho hay dù không tích hợp thành một thể thống nhất, các hệ thống phòng thủ của Washington, Seoul và Tokyo vẫn phối hợp chặt chẽ với nhau. Ba nước diễn tập hiệp đồng phòng thủ tên lửa đạn đạo ngoài khơi đảo Hawaii hồi tháng 8, lần đầu hoạt động này được tổ chức kể từ năm 2017. Hoạt động tương tự cũng diễn ra đầu tháng 10, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm xa qua miền bắc Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn hiện nay của Triều Tiên như KN-23 và KN-24 được thiết kế với khả năng cơ động trong khi bay, thay vì lao đến mục tiêu theo quỹ đạo cố định và dễ dự đoán, nhằm gây khó khăn cho nỗ lực đối phó của Mỹ và đồng minh.
Bình Nhưỡng cũng theo đuổi phát triển tên lửa siêu vượt âm, vũ khí có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h. Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.
Sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa siêu vượt âm hồi tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, lúc đó vẫn là ứng viên chạy đua vào Nhà Xanh, cho rằng không có thời gian để bắn hạ loại vũ khí này và biện pháp đối phó duy nhất là "tấn công phủ đầu".
Ông Yoon đã yêu cầu mở rộng Bộ chỉ huy Tên lửa Phòng không để tăng cường lưới phòng thủ đa tầng của Hàn Quốc, đồng thời dành nhiều nguồn lực cho những vũ khí tiến công chuyên tập kích trận địa, cơ sở hạ tầng phục vụ tên lửa đạn đạo trước khi chúng được phóng.
Trước thách thức ngày càng lớn từ chương trình tên lửa Triều Tiên, một số chính trị gia Hàn Quốc đã kêu gọi nước này tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc đề nghị Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân đến bán đảo nhằm đối phó Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Yoon khẳng định họ không có kế hoạch nào như vậy.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét