Nga và Mỹ từ lâu đều xây dựng các chương trình huấn luyện cá heo và các động vật biển có vú để phục vụ mục đích quân sự.
Ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Nga có thể đang sử dụng cá heo để đề phòng thợ lặn đối phương tập kích quân cảng Sevastopol trên Biển Đen, trong quá trình tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hải quân Nga dường như đã bố trí hai chuồng cá heo ở lối vào cảng Sevastopol. Các chuồng này được đưa tới đây vào khoảng tháng hai, gần thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu, chuyên gia về tàu ngầm và hệ thống dưới nước H. I. Sutton nhận định ngày 27/4 sau khi phân tích ảnh vệ tinh.
Sutton nhận định những con cá heo này được huấn luyện để đề phòng kịch bản biệt kích Ukraine xâm nhập quân cảng Sevastopol phá hoại cơ sở hạ tầng và chiến hạm.
Hồi năm 2019, ngư dân tại khu vực Finnmark, ngoài khơi phía bắc Na Uy, phát hiện một con cá voi trắng (cá voi beluga) đeo một chiếc vòng có ngàm gắn camera với dòng chữ "Thiết bị St. Petersburg" in trên chốt nhựa.
Giới chuyên gia lúc bấy giờ suy đoán con cá voi là "gián điệp của Nga", bởi các dấu hiệu trên chiếc vòng và tin đồn về việc Nga tiến hành chương trình huấn luyện cá voi trắng phục vụ mục đích quân sự.
Một giả thuyết khác được đặt ra là con cá voi đến từ Mỹ. Dòng chữ "Thiết bị St. Petersburg" được viết bằng tiếng Anh, nên có thể là tên của thành phố St. Petersburg, bang Florida, Mỹ, nơi có những công viên nước sở hữu đàn cá voi trắng.
Năm 2017, truyền thông nhà nước Nga đưa tin nước này đang thử nghiệm sử dụng cá voi trắng, cá heo mũi chai và một số loài hải cẩu để bảo vệ lối vào các căn cứ hải quân, hỗ trợ thợ lặn và thậm chí có thể tấn công đối tượng lạ xâm nhập khu vực mục tiêu được bảo vệ.
Paul Nachtigall, người đứng đầu chương trình nghiên cứu động vật biển có vú tại Đại học Hawaii, Mỹ, cho biết cá heo mũi chai dò thủy lôi hiệu quả hơn bất kỳ cỗ máy nào. "Chũng còn có thể làm điều đó nhanh hơn nhiều so với máy móc", ông nói.
Cá heo có thể hoạt động đặc biệt hiệu quả ở gần bờ, nơi tiếng sóng và tiếng động cơ tàu thuyền gây rất nhiều nhiễu loạn âm thanh, khiến các hệ thống công nghệ trở nên kém hiệu quả, Nachtigall lưu ý.
Theo Nachtigall, cá heo có khả năng định vị dưới nước rất tốt. Chúng phát ra sóng âm, sau đó nhận luồng sóng phản xạ trở lại để xây dựng bức tranh về môi trường xung quanh bằng âm thanh.
Các thí nghiệm được Nachtigall thực hiện vào giữa những năm 1990 với một con cá heo mũi chai tên BJ đã cho thấy khả năng đặc biệt nhạy cảm này. Nachtigall yêu cầu BJ phân biệt các trụ kim loại được làm bằng thép không gỉ, đồng thau và nhôm. Dù ông chôn các vật thể dưới 60 cm bùn, BJ vẫn phát hiện và phân biệt được chúng.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết bằng cách nào cá heo làm được điều này, Nachtigall nói, nhưng đó là chủ đề đã thu hút chú ý của các nhà khoa học quân sự và dân sự suốt hàng thập kỷ qua.
Vào những năm 1960, ở giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, giới chức Liên Xô được cho là đã huấn luyện cá voi trắng, cá heo, sư tử biển và hải cẩu để tìm kiếm thủy lôi cùng các vật thể khác.
Lev Mukhametov, nhà nghiên cứu hàng đầu về sinh thái và tiến hóa tại Học viện Khoa học Nga, nói rằng ông đã chứng kiến cách cá heo mũi chai được sử dụng dưới thời Liên Xô để "canh gác" lối vào vịnh Sevastopol ở Crimea, nơi Hạm đội Biển Đen đóng quân. Nếu có thợ lặn xâm nhập khu vực được bảo vệ, cá heo sẽ "phát tín hiệu" đến một trạm ven biển bằng sóng âm.
Sau khi Liên Xô tan rã, chương trình huấn luyện động vật biển có vú bị đình chỉ. Nhưng vào năm 2012, chương trình được nối lại ở Ukraine, theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti. Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ, những con cá heo được huấn luyện này thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng Nga.
Hải quân Nga sau đó được cho là đã khởi động một chương trình mới để huấn luyện cá heo và hải cẩu phục vụ mục đích quân sự. Theo Washington Post, hồi năm 2016, Nga bắt đầu tìm kiếm các "tân binh", mua 5 con cá heo mũi chai với giá 24.000 USD.
Năm 2017, kênh truyền hình Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga đưa tin "lực lượng đặc nhiệm dưới nước" của nước này đang tiếp nhận "những chiến binh mới", gồm hải cẩu, cá heo mũi chai và cá voi trắng. Chúng sẽ canh gác lối vào căn cứ hải quân, tìm thủy lôi, trợ giúp thợ lặn và có thể tham gia chiến đấu chống lại "bất cứ người ngoài nào xâm phạm lãnh thổ của chúng".
Nhưng việc sử dụng động vật biển có vú cho mục đích quân sự không chỉ giới hạn ở Nga. Hải quân Mỹ cũng có một chương trình tương tự từ những năm 1960. Khả năng phát hiện và tìm kiếm mục tiêu của những loài động vật này ở khu vực biển sâu hay vùng nước hỗn loạn là điều mà công nghệ chưa thể bắt kịp.
Hồi năm 2019, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật một số tài liệu trình bày chi tiết về nhiều thí nghiệm khác nhau, trong đó có chương trình huấn luyện cá heo chiến binh mang tên "Dự án OXYGAS".
Các tài liệu cho thấy CIA đã khởi động OXYGAS vào đầu những năm 1960 bằng việc sử dụng ít nhất hai con cá heo hoang dã bị bắt, với mong muốn huấn luyện để chúng lặng lẽ xâm nhập các vịnh và bến cảng của đối phương, gắn thiết bị nổ vào thân tàu địch rồi sau đó quay trở về một vị trí chỉ định sẵn.
Đến tháng 11/1964, Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển (ORD), bộ phận nghiên cứu khoa học của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, cho biết chương trình "tiến triển nhanh hơn dự đoán" và CIA đã tiến hành một cuộc thử nghiệm toàn diện vào tháng 1/1965.
CIA ấn tượng với OXYGAS đến mức họ đã hình dung ra rất nhiều nhiệm vụ bí mật cho cá heo như tấn công tàu biển, trinh sát bến cảng và bờ biển nhờ thiết bị chụp ảnh, thu thập thông tin tình báo hay đặt phao thủy âm.
Dù chương trình đạt được nhiều tiến bộ, CIA cuối cùng gặp phải một vấn đề khó giải quyết: Động vật hoang dã thường thiếu ổn định và không đáng tin cậy. Đến năm 1967, CIA thay đổi chương trình OXYGAS, tập trung huấn luyện cá heo cho mục đích thu thập thông tin tình báo.
Trong vai trò mới, cá heo của CIA sẽ tiếp cận vùng biển quốc gia thù địch từ khoảng cách ít nhất 19 km, ngoài vùng lãnh hải. Chúng sau đó sẽ lấy các vật thể chứa thông tin tình báo mà điệp viên Mỹ bỏ lại ở vùng nước nông hoặc trôi nổi gần bờ.
Tuy nhiên, các chuyên gia của CIA nhận ra rằng rất khó để huấn luyện cá heo di chuyển hơn 19 km qua các vùng nước xa lạ. Đến tháng 9/1967, dự án OXYGAS bắt đầu mất dần động lực. Năm 1970, CIA hoàn toàn từ bỏ chương trình huấn luyện cá heo để tấn công và làm gián điệp, song nhiệm vụ bảo vệ, cứu nạn vẫn được duy trì.
Ngày nay, căn cứ hải quân Kitsap ở thành phố Seattle, bang Washington là nơi nhiều "chiến binh cá heo" của Mỹ đang được huấn luyện và làm nhiệm vụ.
Tại đây, nếu phát hiện thủy lôi hay bất kỳ mối đe dọa nào, cá heo sẽ lập tức tìm đến người huấn luyện. Người này sẽ đưa cho chúng một chiếc phao để đánh dấu vị trí của thủy lôi, giúp tàu bè vòng tránh trong lúc chờ thợ lặn xử lý mối nguy hiểm.
Hải quân Mỹ cho biết căn cứ Kitsap là nơi lưu trữ khoảng 25% trong tổng số 9.962 đầu đạn hạt nhân của Mỹ, nên nó cần được bảo vệ ở mọi hướng, kể cả dưới đáy biển. Theo người phát ngôn hải quân Mỹ Chris Haley, cá heo và sư tử biển đã được sử dụng để bảo vệ vùng biển xung quanh căn cứ Kitsap kể từ năm 2010.
Vũ Hoàng (Theo Military, Time)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét