Không quân Ukraine bị lực lượng Nga áp đảo và ngày càng bị bào mòn khi hứng chịu nhiều tổn thất khó bù đắp trong hai tháng giao tranh.
Lầu Năm Góc hôm 20/4 cho biết không quân Ukraine đã có thêm 20 chiến đấu cơ phục vụ chiến đấu nhờ tiếp nhận các linh kiện, bộ phận thay thế được nước ngoài cung cấp.
Không khó để đoán các linh kiện, phụ tùng chiến đấu cơ này đến từ đâu. Chính phủ các nước Bulgaria, Ba Lan và Slovakia cách đây vài tuần đã bày tỏ sẵn sàng chuyển giao cho Ukraine những chiếc MiG-29 cũ hoặc phụ tùng thay thế cho các máy bay này.
Câu hỏi lớn đặt ra là lực lượng không quân Ukraine đang ở trong tình trạng như thế nào khi các phụ tùng được chuyển đến, trong bối cảnh họ đã giao tranh liên tục với lực lượng Nga suốt hai tháng qua. Nếu họ tiếp tục để mất máy bay với tỷ lệ cao, những chiếc MiG mới khôi phục có lẽ sẽ không tồn tại được lâu, David Axe, bình luận viên kỳ cựu chuyên nghiên cứu về khí tài quân sự, nhận định trong bài viết đăng trên Forbes.
MiG-29 là tiêm kích hai động cơ chủ lực của không quân Ukraine trước khi xung đột với Nga bùng phát. Chúng được trang bị cho ba lữ đoàn tại ba căn cứ ở khu vực phía tây, trung và nam Ukraine, với tổng cộng 6 phi đội. Trên thực tế, một phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine có khoảng trên 10 chiếc.
Không quân Ukraine còn sở hữu một lượng nhỏ tiêm kích Su-27, cường kích Su-25, Su-24 với khoảng 125 chiếc có đầy đủ khả năng chiến đấu.
Ukraine đã chủ động phân tán số phi cơ này đến các sân bay nhỏ, chủ yếu ở phía tây sông Dnieper, giúp chúng sống sót sau các cuộc không kích, pháo kích ban đầu của Nga ở giai đoạn đầu chiến sự. Các phi công chiến đấu cơ Ukraine cũng nhanh chóng hành động, đối đầu với tiêm kích Nga và ném bom các đội hình bộ binh Nga.
Nhưng không quân Ukraine nhanh chóng hứng chịu tổn thất nghiêm trọng trong những ngày đầu tiên. Lực lượng phòng không Nga đã bắn rơi hai cường kích Su-25 của Ukraine gần Kherson, miền nam Ukraine chỉ trong vài phút, khiến hai phi công thiệt mạng. Một khẩu đội tên lửa tầm xa của Nga cũng bắn trúng một chiếc Su-27 Ukraine đang tuần tra trên bầu trời thủ đô Kiev.
Trong gần hai tháng chiến sự, các nhà phân tích có thể xác nhận lực lượng Nga đã bắn hạ không dưới 15 chiến đấu cơ Ukraine, trong đó có 4 chiếc MiG-29. Thiệt hại thực tế nhiều khả năng còn cao hơn.
Đây chưa phải là toàn bộ thiệt hại của không quân Ukraine. Lực lượng Nga còn tấn công các cơ sở hỗ trợ và sửa chữa, vốn đóng vai trò rất quan trọng để các tiêm kích Ukraine có thể hoạt động. Hôm 18/3, Nga thông báo phóng tên lửa hành trình tấn công Xưởng Sửa chữa Máy bay Nhà nước ở thành phố Lviv, phía tây Ukraine, nơi đại tu các chiến đấu cơ MiG-29.
Moskva còn nhắm mục tiêu vào kho dự trữ nhiên liệu của không quân Ukraine. "Họ không ngừng sử dụng tên lửa đạn đạo tập kích kho dầu tại các căn cứ không quân lớn của Ukraine", theo Tom Cooper, chuyên gia về quân sự Nga.
Hậu quả là phi đội chiến đấu cơ của Ukraine đã bị bào mòn nghiêm trọng năng lực tác chiến, theo chuyên gia Axe. Trong tuần thứ 4 chiến dịch quân sự của Nga, các phi đội Ukraine chỉ xuất kích 5-10 lần mỗi ngày, so với hơn 200 lần mà không quân Nga thực hiện.
"Mỗi khi tôi cất cánh, đó đều là một cuộc chiến thực sự", Andriy, phi công Su-27 Ukraine nói với New York Times. "Trong mỗi cuộc đối đầu với chiến đấu cơ Nga, chúng tôi đều bị áp đảo".
Phi đội cường kích nhỏ bé của Ukraine, với khoảng hơn 10 chiếc Su-24 trước khi xung đột nổ ra, đang chịu thiệt hại nặng nề nhất. Sau khi ít nhất ba cường kích bị lực lượng Nga bắn hạ ở thời kỳ đầu chiến sự, phi đội Su-24 Ukraine dường như đã ngừng bay và không còn được đề cập trên truyền thông.
Các phi đội MiG với số lượng lớn hơn có thể hứng chịu nhiều tổn thất hơn, trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, tiêm kích Ukraine chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phòng không, thường hoạt động trên khu vực lực lượng Ukraine vẫn hoàn toàn kiểm soát, nên phi công không phải chịu rủi ro cao khi bay qua hệ thống phòng không của Nga.
Không rõ Ukraine nhận được bao nhiêu phụ tùng, linh kiện MiG từ các nước tài trợ. Ba Lan có 28 chiếc MiG-29 do Liên Xô sản xuất mà nước này đang thay thế bằng tiêm kích tàng hình F-35 mới của Mỹ. Bulgaria có 15 chiếc và Slovakia có 12 chiếc. Cả Bulgaria và Slovakia đều đang chuyển đổi sang sử dụng chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo.
Về cơ bản, theo giới chuyên gia, bổ sung thêm 20 tiêm kích MiG-29 cũng khó giúp không quân Ukraine thay đổi cục diện giao tranh với Nga. Các chuyên gia ước tính không quân Ukraine có khoảng 70 khung thân MiG-29 trong kho trước xung đột. Kho dự trữ này đã giảm xuống còn chưa đến 66 chiếc do chiến sự.
Mỗi tiêm kích bị hư hại trong giao chiến đều rất khó thay thế. Bulgaria, Ba Lan và Slovakia đã nghiên cứu chuyển giao toàn bộ khung thân máy bay, không chỉ các bộ phận, cho Ukraine, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các tiêm kích MiG trong biên chế của mình.
Một thách thức khác đối với Ukraine là vấn đề nhân lực. Ukraine có quá ít phi công MiG-29 ngay cả trước xung đột. Những tổn thất về người trong giao tranh sẽ khiến vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn, Axe đánh giá. Dù Ukraine chắc chắn có lực lượng phi công dự bị và học viên, họ phải mất nhiều tháng để đào tạo lại những người đã lâu không ngồi vào buồng lái, trong khi quá trình huấn luyện phi công mới có thể mất nhiều năm.
"Những khó khăn chồng chất trong nỗ lực duy trì phi đội tiêm kích đã phần nào giải thích tại sao máy bay không người lái, trong đó có mẫu TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, lại được Ukraine sử dụng ngày càng phổ biến trong các cuộc không kích", Axe bình luận.
Vũ Hoàng (Theo Forbes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét