Tuần dương hạm Moskva sở hữu dàn vũ khí uy lực nhưng có tuổi thọ cao, khó đối phó với mối đe dọa hiện đại như tên lửa Neptune của Ukraine.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ hôm 15/4 xác nhận tên lửa diệt hạm Neptune của Ukraine đã đánh trúng tàu tuần dương Moskva, gây ra vụ nổ kho đạn và khiến nó bị chìm một ngày trước đó.
Quan chức này nói rằng chưa rõ lý do hệ thống phòng không trên tàu Moskva không hoạt động khi bị tên lửa tấn công. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng tuần dương hạm Moskva bị chìm sau vụ nổ kho đạn do bị cháy, nhưng không nêu lý do tàu bị cháy.
Giới chuyên gia quân sự nhận định tuần dương hạm Moskva là con tàu sở hữu lưới phòng không hải quân đa tầng mạnh nhất tại Biển Đen, nhưng điều đó dường như là không đủ để bảo vệ nó khỏi những mối đe dọa hiện đại như tên lửa diệt hạm Ukraine.
Moskva là tuần dương hạng nặng mang tên lửa dẫn đường thuộc Đề án 1164 Atlant của Nga. Tàu dài 186 m, rộng 21 m và có lượng giãn nước 12.000 tấn. Forbes Ukraine ước tính con tàu có giá trị khoảng 750 triệu USD, nhưng không cho biết chi phí này có tính đến các vũ khí và hệ thống cảm biến hay không.
Vũ khí phòng thủ chủ lực của Moskva là 64 tên lửa thuộc hệ thống phòng không S-300F "Fort" với tầm bắn 90 km. Radar cảnh giới ba tọa độ MR-710 Fregat và MR-800 Voskhod với tầm theo dõi 150-200 km cũng cho phép nó theo dõi nhiều mục tiêu trên không, trên biển trong quá trình tuần tra.
"Tổ hợp Fort cho phép tàu Moskva bao phủ phần lớn khu vực phía bắc Biển Đen trong các chuyến tuần tra. Đây là một phần trong lưới phòng thủ đa tầng với sự tham gia của tổ hợp S-400 tại quân cảng Sevastopol và những hệ thống tương tự triển khai khắp bán đảo Crimea", chuyên gia quân sự H. I. Sutton nhận xét.
Lớp bảo vệ thứ hai của tàu là 40 quả đạn thuộc tổ hợp phòng không tầm ngắn OSA-MA với tầm bắn 10 km. Lưới phòng thủ cuối cùng là hải pháo đa dụng AK-130 với hai nòng pháo cỡ 130 mm và 6 pháo phòng thủ cực gần AK-630M cỡ 30 mm.
"Moskva là tàu chiến có tuổi đời khoảng 40 năm. Năng lực tấn công bằng tên lửa P-1000 Vulkan của nó rất đáng gờm, tổ hợp phòng không S-300F vẫn là hệ thống hiệu quả. Tuy nhiên, con tàu không được nâng cấp đáng kể để duy trì năng lực tác chiến trong thế kỷ 21. Khả năng nắm bắt tình huống tác chiến và năng lực phòng thủ của nó đã tương đối lạc hậu", Sutton nêu quan điểm.
Hệ thống S-300F ra đời năm 1984, dựa trên phiên bản S-300P nguyên gốc do Liên Xô phát triển cho lực lượng phòng không mặt đất. Tên lửa 5V55RM của hệ thống này ứng dụng cơ cấu dẫn đường bằng tín hiệu điều khiển qua vô tuyến kết hợp radar bán chủ động trong pha tiếp cận mục tiêu, không có phương thức dẫn bắn qua tên lửa (TVM) được bổ sung trên những phiên bản S-300 mới hơn.
S-300F cũng được tối ưu cho các mục tiêu cỡ lớn và bay cao, không phù hợp cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa bay bám biển như Neptune. Video thử nghiệm tên lửa Neptune được Bộ Quốc phòng Ukraine công bố cho thấy mẫu vũ khí diệt hạm này có thể bay sát mặt biển ở tốc độ cận âm và tiêu diệt mục tiêu bằng đầu đạn nặng khoảng 150 kg.
Hệ thống phòng không tầm ngắn OSA-MA cũng được đưa vào biên chế hải quân Nga từ năm 1972 và chưa được nâng cấp đáng kể tới nay. Tên lửa 9M33M của tổ hợp này không có đầu dò radar, mà ứng dụng phương thức dẫn đường bằng lệnh điều khiển qua sóng vô tuyến, hạn chế khả năng phản ứng và số lượng mục tiêu có thể tấn công cùng lúc.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine tuyên bố họ đã sử dụng chiến thuật "nghi binh" để đánh lừa hệ thống cảm biến và dàn vũ khí phòng không của soái hạm Moskva.
Theo đó, lực lượng Ukraine đã sử dụng hai máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất quần lượn gần vị trí của tàu Moskva, khiến thủy thủ trên soái hạm Nga mải mê theo dõi chúng mà không để ý đến hai quả tên lửa Neptune được phóng từ tổ hợp được ngụy trang gần bờ. Thủy thủ đoàn Nga chỉ nhận ra họ bị tên lửa tấn công khi mọi thứ đã quá muộn.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga thừa kế một lực lượng hải quân hùng hậu, có khả năng vươn ra toàn cầu và năng lực tác chiến mạnh, nhưng cũng tồn tại không ít nhược điểm. Trong giai đoạn này, các tàu tuần dương Đề án 1164 nằm trong nhóm chiến hạm uy lực nhất của hải quân Nga, bên cạnh tàu tuần dương hạt nhân Đề án 1144 Orlan và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1990 khiến Nga liên tục phải cắt giảm quy mô hải quân, trong đó loại biên các tàu chiến cũ và tập trung duy trì lực lượng tinh gọn với sức chiến đấu cao. Các lệnh cấm vận phương Tây cũng khiến kinh tế Nga rơi vào khó khăn, buộc nước này phải trì hoãn quá trình đóng mới tàu chiến và nâng cấp chiến hạm trong biên chế.
Tuần dương hạm Moskva từng được cử tới Syria tham chiến năm 2015, sau đó phải về cảng bảo dưỡng và nâng cấp đầu năm 2016. Tuy nhiên, tình trạng thiếu ngân sách khiến số phận con tàu trở nên bấp bênh.
Đến giữa năm 2018, hải quân Nga mới quyết tâm nâng cấp hệ thống chiến đấu và các công nghệ khác để có thể kéo dài thời gian hoạt động đến năm 2040. Quá trình bảo dưỡng và nâng cấp tàu được hoàn tất đầu tháng 7/2020.
Theo kế hoạch ban đầu, tàu Moskva sẽ ra khơi vào tháng 8/2020 sau hơn 4 năm sửa chữa, nhưng chiến hạm này trên thực tế chỉ bắt đầu được triển khai từ tháng 2/2021 và tham gia diễn tập trên biển một tháng sau đó.
Nga từng lên kế hoạch đóng mới nhiều tàu khu trục và tuần dương cỡ lớn, nhưng chưa có dự án nào được tiến hành. Nước này mới chỉ xuất xưởng các tàu hộ vệ cỡ lớn với lượng giãn nước trên dưới 5.000 tấn.
"Hoạt động tác chiến của Hạm đội Biển Đen trong chiến dịch quân sự tại Ukraine vẫn xoay quanh tuần dương hạm Moskva, dù sở hữu nhiều chiến hạm mới và hiện đại hơn. Điều này cho thấy những thách thức mà hải quân Nga phải đối mặt trong 30 năm qua. Họ không được đầu tư nhiều nguồn lực, phải dựa vào các nền tảng lạc hậu và không có phương án thay thế", Sutton nhận định.
Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng vụ chìm soái hạm Moskva sẽ khiến hải quân Nga mất đi hệ thống tên lửa diệt hạm và phòng không rất uy lực ở Biển Đen, đặt ra nhiều thách thức cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Vũ Anh (Theo Naval News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét