Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Sự nghiệp nhiều tranh cãi của tỷ phú giàu nhất Ukraine

Rinat Akhmetov xuất thân từ gia đình bình dân, trở thành người giàu nhất Ukraine nhờ kinh doanh than và thép, nhưng cũng vướng nhiều tranh cãi chính trị.

Tỷ phú Rinat Akhmetov, 55 tuổi, hôm 16/4 gây chú ý khi cam kết hỗ trợ quá trình tái thiết thành phố cảng Mariupol sau khi chiến sự với Nga kết thúc. Ông lưu ý Ukraine cần một chương trình tái thiết quốc tế với quy mô "chưa từng có tiền lệ", tương tự Kế hoạch Marshall từng được tiến hành ở Tây Âu sau khi Thế chiến II kết thúc.

Akhmetov sinh năm 1966 trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động phổ thông ở Donetsk, Ukraine. Bố ông là thợ mỏ khai thác than, còn mẹ làm thu ngân cửa hàng. Akhmetov là người dân tộc thiểu số Tatar, theo Hồi giáo dòng Sunni.

Sự nghiệp kinh doanh của ông bắt đầu bằng hoạt động buôn bán than ở thành phố Donetsk từ những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã và Ukraine tuyên bố độc lập. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực và mua lại nhiều nhà máy, xí nghiệp trong làn sóng tư hữu hóa ở Ukraine thời kỳ đó.

Tỷ phú Rinat Akhmetov tại sân vận động Donbass Arena, tỉnh Donetsk, vào tháng 5/2010, ăn mừng chiến thắng của đội bóng Shakhtar Donetsk do ông tài trợ. Ảnh:AP.

Tỷ phú Rinat Akhmetov tại sân vận động Donbass Arena, tỉnh Donetsk, vào tháng 5/2010, ăn mừng chiến thắng của đội bóng Shakhtar Donetsk do ông tài trợ. Ảnh:AP.

Quá trình làm giàu của Akhmetov trong thời gian 1985-1995 gây nhiều tranh cãi ở Ukraine. Ông từng bị cáo buộc cùng anh trai tham gia một tổ chức mafia, làm trợ lý cho trùm tội phạm Akhat Bragin trong ngành buôn lậu vải vóc và thừa kế tài sản sau khi ông trùm này qua đời trong một vụ ám sát.

Năm 1999, một báo cáo của Bộ Nội vụ Ukraine nghi ngờ Akhmetov là lãnh đạo một mạng lưới tội phạm có tổ chức, tham gia vào các hoạt động rửa tiền, lừa đảo tài chính, kiểm soát nhiều "công ty ma". Tuy nhiên, báo cáo cho rằng các hoạt động của mạng lưới này "đã chấm dứt" và không xác định được bằng chứng về hành vi phạm tội.

Trong một buổi phỏng vấn năm 2010, Akhmetov phủ nhận mọi cáo buộc về hoạt động kinh doanh của mình. "Tôi kiếm được một triệu USD đầu tiên nhờ buôn than", Akhmetov nói. Ông cho biết đã dùng số tiền này mua lại những nhà máy, xí nghiệp "không ai muốn" với giá rẻ và "bước đi mạo hiểm này đã mang lại thành công".

Năm 2000, ông điều hành SCM, tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khai khoáng, bán lẻ, tài chính và bóng đá. SCM là tập đoàn công nghiệp, tài chính lớn nhất ở Ukraine, cổ phiếu của công ty này chiếm 3,9% GDP Ukraine năm 2013.

Năm 2004, ông hùn vốn cùng Victor Pinchuk, con rể của tổng thống Leonid Kuchma khi đó, mua lại một nhà máy sản xuất thép với giá 800 triệu USD và bán lại với giá 4,8 tỷ USD một năm sau đó.

Nhờ kinh doanh than và thép, Akhmetov nhiều năm đứng đầu bảng xếp hạng những người giàu nhất Ukraine, theo ước tính của Forbes. Tổng giá trị tài sản của ông trùm công nghiệp vào năm 2013 đạt gần 16 tỷ USD.

Akhmetov bắt đầu nổi tiếng nhờ công tác từ thiện năm 2005. Quỹ Phát triển Ukraine của ông đã trao đi hơn 30 triệu USD trong hai năm để hỗ trợ bệnh viện, trường học, thư viện, trại trẻ mồ côi.

"Từ thiện chỉ cần tập trung vào kết quả. Đây là cuộc đấu tranh mang tính hệ thống nhằm vào các vấn đề mang tính hệ thống", ông nói năm 2010. "Tôi thích câu thành ngữ: 'Hãy im lặng khi làm từ thiện'".

Năm 2014, khi những người biểu tình trong phong trào Maidan lật đổ tổng thống Viktor Yanukovych, dẫn đến phong trào ly khai thân Nga nổ ra ở Donetsk và Luhansk, Akhmetov tránh chỉ trích trực tiếp Điện Kremlin, dù lực lượng ly khai đã kiểm soát một số tài sản của ông trong khu vực.

Hơn 8 năm chiến sự ở miền đông Ukraine và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga từ tháng 2 đã khiến khối tài sản của tỷ phú này hao hụt nghiêm trọng. Forbes ước tính gia tài của Akhmetov hiện còn khoảng 3,9 tỷ USD.

Sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky lên cầm quyền, quan hệ của ông với Akhmetov và các tài phiệt Ukraine trở nên căng thẳng. Zelensky đã thực hiện chiến dịch "phi tài phiệt hóa" nhằm giảm bớt ảnh hưởng chính trị của các tỷ phú, những người kiểm soát nhiều ngành nghề quan trọng của nền kinh tế.

Tổng thống Ukraine cuối tháng 11/2021 cáo buộc một nhóm người Nga và Ukraine lên kế hoạch đảo chính và cố tranh thủ sự giúp đỡ của Akhmetov.

Zelensky cho biết tỷ phú không tham gia vào âm mưu đảo chính, nhưng "đang bị lôi kéo vào cuộc chiến chống Ukraine". "Đây sẽ là sai lầm lớn, vì không thể chống lại nhân dân, chống lại tổng thống do nhân dân Ukraine bầu ra", Zelensky nói.

Akhmetov khi đó đã gọi tuyên bố của Zelensky là "dối trá". Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định "Nga không bao giờ tham gia vào những kế hoạch như thế".

Tuy nhiên, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, tỷ phú Akhmetov tuyên bố luôn ủng hộ Zelensky, nhấn mạnh không có bất kỳ mâu thuẫn cá nhân nào với Tổng thống.

Zelensky "thể hiện nhiệt huyết và tính chuyên nghiệp trong thực thi nghĩa vụ theo hiến pháp của mình để bảo vệ Ukraine, bảo vệ chủ quyền và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine", Akhmetov nói. "Chúng tôi đều có chung mục tiêu là một Ukraine tự do, độc lập, thống nhất, dân chủ và gia nhập Liên minh châu Âu".

Công ty mà Akhmetov sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là tập đoàn khai khoáng và thép Metinvest, một trong những công ty tư nhân lớn nhất Ukraine. Các nhà máy của Metinvest ở Mariupol, thành phố đang bị lực lượng Nga bao vây, và thị trấn tiền tiêu Avdiivka chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc tấn công của Nga, buộc công ty tuyên bố tình trạng bất khả kháng vào 28/2. Ngày 31/3, Akhmetov tuyên bố SCM sẽ đệ đơn kiện Nga.

Công ty thứ hai mà ông sở hữu nhiều cổ phần là DTEK, đơn vị cung cấp khoảng 30% điện cho Ukraine trước khi xung đột nổ ra. Hôm 29/3, DTEK cho hay đã giúp sơ tán 900 người khỏi Mariupol và Berdyansk. Ngoài hỗ trợ nhân đạo, các doanh nghiệp của Akhmetov còn giúp sức cho quân đội Ukraine bằng cách sản xuất hơn 35.000 chướng ngại vật chống tăng.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 10/3 với Forbes, tỷ phú Akhmetov cho hay các công ty của ông đặt mục tiêu hàng đầu là "giúp người dân Ukraine sống sót". "Công nhân trong nhà máy của chúng tôi vẫn nhận lương. Hiện chúng tôi tập trung vào nỗ lực giúp đỡ mọi người", ông nói về lao động trong hai nhà máy thép ở Mariupol, nơi có khoảng 40.000 công nhân.

"Tôi đang ở Ukraine và sẽ không rời đất nước. Tôi đồng lòng với người dân Ukraine và chờ đợi Ukraine chiến thắng", tỷ phú bày tỏ. "Chúng tôi sẽ bắt đầu tái thiết đất nước để Ukraine hạnh phúc hơn, phồn vinh hơn. Về phía mình, tôi sẽ không tiếc tiền hay công sức để đạt được mục tiêu này".

Hồng Hạnh (Theo Forbes/Bloomberg)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét