Quan chức Ukraine nói nếu có cơ hội, họ sẽ phá cầu nối bán đảo Crimea với Nga, động thái bị Moskva xem là thông báo "hành động khủng bố".
"Nếu chúng tôi có cơ hội làm điều này, chúng tôi đã làm rồi. Nếu còn cơ hội, chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện", thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Alexey Danilov trả lời phỏng vấn hôm 20/4, khi được hỏi liệu Ukraine có thể tấn công cầu Crimea không, vì Nga đang sử dụng cầu này để gửi tiếp viện.
Cầu Crimea, còn được gọi là cầu Eo biển Kerch, bắt đầu được xây dựng năm 2016, hai năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thông qua trưng cầu dân ý, và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Với chiều dài 19 km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.
Sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển xe bọc thép vào các khu vực phía nam của Ukraine.
"Những tuyên bố như vậy không khác gì thông báo hành động khủng bố có thể xảy ra. Điều này là không thể chấp nhận", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu tại cuộc họp báo hôm nay, thêm rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy những hành vi cần được pháp luật xác minh và trừng phạt.
Cựu tổng thống Nga, hiện là Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, Dmitriy Medvedev cũng đăng trên Telegram rằng "một trong những quan chức Ukraine cứng rắn nói về sự cần thiết phải tấn công cầu Crimea. Tôi hy vọng ông ấy hiểu mục tiêu bị trả đũa sẽ là gì".
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng Nga tiếp tục tăng cường lực lượng ở Ukraine, khi tái tập trung ở miền đông, bổ sung thêm ba nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn kể từ 20/4, nâng tổng số nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn của Nga ở Ukraine lên 85.
Theo quan chức này, hầu hết tiểu đoàn được tăng cường đều đến "khu vực Donbass", song cảnh báo không thể biết chính xác.
Quốc hội Ukraine chấp nhận gia hạn lệnh thiết quân luật ở nước này thêm 30 ngày. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố thiết quân luật trên toàn quốc sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2, cho phép quân đội Ukraine ban hành lệnh giới nghiêm, lập trạm kiểm soát quân sự và hạn chế "quyền tự do đi lại của công dân, người nước ngoài cũng như các phương tiện".
Trong khi đó, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết thêm một cuộc trao đổi tù nhân đã diễn ra giữa Ukraine và Nga. "Hôm nay chúng tôi sẽ có thêm 19 người được về nhà, gồm 10 quân nhân, trong đó có 2 sĩ quan, và 9 dân thường", bà nói. "Lần này có những người bị thương trong số những người được thả, điều này rất quan trọng. Từ giờ họ có thể được điều trị đầy đủ và phục hồi".
Nga tuyên bố đã kiểm soát thành phố Mariupol ở miền nam và đang siết chặt vòng vây nhà máy Azovstal, nơi lực lượng phòng thủ Ukraine và hàng trăm dân thường đang ẩn náu. Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh vây chặt nhà máy Azovstal nhưng không tấn công. Ukraine sau đó kêu gọi sơ tán khẩn cấp dân thường và binh lính bị thương khỏi nhà máy.
Tuy nhiên, thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko cho biết không thể sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azovstal trong hôm nay vì không có lệnh ngừng bắn ổn định để đảm bảo sơ tán an toàn.
Thị trưởng kêu gọi các đối tác quốc tế tạo điều kiện ngừng bắn và thiết lập hành lang nhân đạo để sơ tán. Ông cũng lưu ý khoảng 200 người đang chờ xe buýt sơ tán ở Mariupol, nhưng xe buýt chưa đến. 4 xe buýt sơ tán 80 thường dân đã rời Mariupol hôm 20/4 và đã đến thành phố Zaporizhzhia.
Ông nói thêm rằng kể từ ngày 13/3, khi những nỗ lực sơ tán đầu tiên có thể thực hiện được, hơn 100.000 người đã rời Mariupol nhưng khoảng 100.000 dân thường vẫn ở lại thành phố.
Quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga hiện kiểm soát 80% tỉnh Lugansk, một trong hai khu vực ở Donbass. Trước khi Moskva mở chiến dịch, chính quyền Ukraine đã kiểm soát 60% Lugansk.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính ít nhất 12,7 triệu người ở Ukraine đã phải di dời do chiến sự, trong đó hơn 5 triệu đến các nước láng giềng, 7,7 triệu người sơ tán trong nước.
"Phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ đại diện cho nhóm người dễ bị tổn thương", Tổng Giám đốc IOM António Vitorino cho hay.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận 5.264 thương vong dân sự do chiến sự, gồm 2.345 người chết và 2.919 người bị thương. Cơ quan cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Huyền Lê (Theo RT, AFP, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét