Với vị trí chiến lược và ý nghĩa biểu tượng quan trọng, Mariupol được coi là tâm điểm giao tranh cũng như "lằn ranh đỏ" trong đàm phán Nga - Ukraine.
Giao tranh gần đây tiếp tục diễn ra dữ dội ở Mariupol, thành phố cảng phía đông nam Ukraine. Quân đội Nga đã bao vây thành phố bên bờ biển Azov này và yêu cầu lực lượng kháng cự ở đây buông vũ khí đầu hàng.
Tuy nhiên, cố vấn thị trưởng Mariupol Petro Andriushchenko ngày 17/4 bác bỏ "tối hậu thư" của Nga và thông báo sẽ "tiếp tục tổ chức phòng ngự". Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cùng ngày nói lực lượng nước này vẫn bám trụ trong thành phố Mariupol và "họ sẽ chiến đấu đến cùng".
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 17/4 cho rằng "tình hình ở Mariupol vừa thảm khốc về mặt quân sự vừa khiến người ta đau lòng". Theo ông, diễn biến giao tranh tại thành phố cảng này có thể là "lằn ranh đỏ" định đoạt tiến triển trong đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev. Các quan chức Ukraine khẳng định nếu lực lượng Nga "tiêu diệt" các đơn vị phòng thủ ở Mariupol, đàm phán giữa hai bên sẽ chấm dứt.
Trong khi đó, Nga cũng được cho là sẽ quyết tâm hoàn thành mục tiêu của mình là chiếm pháo đài Mariupol, bởi thành phố mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Moskva.
Theo một nguồn tin an ninh từ Liên minh châu Âu (EU), Mariupol rất quan trọng với Tổng thống Vladimir Putin, bởi nếu lực lượng Nga giành được chiến thắng ở đây, ông có thể tuyên bố mục tiêu "phi phát xít hóa" trong chiến dịch quân sự tại Ukraine đã thành công.
Một thư ký của Thị trưởng Mariupol cho biết Nga đã lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng tại thành phố này vào 9/5, ngày Moskva đánh dấu thắng lợi trước phát xít Đức trong Thế chiến II.
Kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ có ý nghĩa rất lớn với Nga, bởi lực lượng nòng cốt đang phòng thủ ở Mariupol là Tiểu đoàn Azov, nhóm vũ trang cực hữu vốn bị Moskva coi là "các phần tử phát xít".
Tiền thân của Tiểu đoàn Azov là một nhóm dân quân bán vũ trang có tên gọi "những người áo đen", thường được mô tả là có tư tưởng tân phát xít và da trắng thượng đẳng. Sau phong trào biểu tình Maidan năm 2014, lực lượng này được sáp nhập vào Vệ binh Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ Ukraine. Các chuyên gia quân sự phương Tây thường mô tả lực lượng này là "có tư tưởng dân tộc cực đoan" và "bài Nga".
Sau nhiều tuần giao tranh với lực lượng Nga trên đường phố Mariupol, các tay súng Tiểu đoàn Azov đang rút vào nhà máy gang thép Azovstal, một trong những cơ sở luyện kim lớn nhất tại châu Âu, nằm ở khu công nghiệp phía nam thành phố, biệt lập với các vùng nội thành đông dân cư.
"Họ đã biến các đường hầm bê tông dày chằng chịt ở khu nhà máy này thành một pháo đài", Victor, một đại tá quân đội Ukraine, người không tiết lộ họ tên đầy đủ, cho hay. "Hệ thống đường hầm đó là nơi họ nghỉ ngơi, di chuyển một cách an toàn và phát động các đòn tấn công vào lực lượng đang bao vây".
Đại tá Victor cho hay đây là lý do lực lượng Nga không thể triển khai các đơn vị bộ binh vào nhà máy Azovtal rộng lớn, mà chủ yếu sử dụng đòn không kích, pháo kích suốt ngày đêm để tiêu hao lực lượng phòng thủ.
Triệt hạ "pháo đài" này là điều kiện mà lực lượng Nga cần hoàn thành để kiểm soát hoàn toàn Mariupol, thành phố không chỉ nằm trong lãnh thổ được Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng tuyên bố chủ quyền, mà còn là một phần trong tầm nhìn của Tổng thống Putin về "Novorossiya", một vùng lãnh thổ dọc theo bờ Biển Đen trải dài từ miền đông tới miền nam Ukraine mà ông coi là "vùng đất lịch sử của Nga".
Giới quan sát cho rằng những lý do này đã khiến Mariupol trở thành mục tiêu mà Nga nhắm đến từ đầu khi cuộc xung đột nổ ra.
Việc kiểm soát thành phố sẽ giúp tạo ra một hành lang trên bộ liền mạch từ Luhansk đến Donetsk và xuống Crimea. Đối với Moskva, hành lang trên đất liền này sẽ đảm bảo khả năng kiểm soát bờ biển Azov cũng như khống chế các tuyến cung ứng bằng đường biển tới Ukraine.
"Tiếp quản Mariupol sẽ đặt nền tảng cho bước tiếp theo trong chiến dịch quân sự của Nga ở Donbass, vì nhiều dấu hiệu cho thấy Ukraine có thể kháng cự mạnh mẽ ở Donbass nhờ hỗ trợ quân sự từ phương Tây", một chuyên gia giấu tên ở Bắc Kinh nghiên cứu về các vấn đề địa chính trị nói với Global Times. "Đây là trận chiến mà Nga không được phép thua".
Theo giáo sư Alex Bellamy từ Viện Nghiên cứu Xung đột và Hòa bình tại Đại học Queensland, Australia, Mariupol hiện nằm trên nhiều hướng tiến công của quân đội Nga.
"Mục tiêu chiến lược của Nga dường như là hội quân giữa lực lượng từ Crimea với mũi tiến công từ Donbass, tạo thành một vùng lãnh thổ liền mạch do Nga kiểm soát dọc bờ biển phía đông nam Ukraine", ông cho hay. "Vị trí của Mariupol rõ ràng đã cản trở mục tiêu đó".
Giai đoạn tiếp theo trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nhiều khả năng sẽ bắt đầu trong vài ngày tới, NBC News dẫn lời hai quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết. Trong lúc đó, Ukraine cũng đang ráo riết chuẩn bị ứng phó.
Trong khi xung đột Nga - Ukraine chưa lắng dịu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các đồng minh châu Âu hồi cuối tuần trước rằng Washington tin các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine có thể kéo dài đến cuối năm 2022. Cùng lúc, Mỹ và NATO đang tăng cường vận chuyển các hệ thống vũ khí "nhạy cảm nhất" tới Ukraine, nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng trở nên khó lường hơn, chuyên gia đánh giá.
Trong thời điểm tình hình chiến sự đang trở nên ngày càng căng thẳng và khó lường như vậy, việc chiếm được Mariupol sẽ đem lại lợi thế lớn cho Nga và giáng một đòn nặng nề vào tinh thần chiến đấu của lực lượng Ukraine, theo Wang Yiwei, giám đốc Viện các Vấn đề Quốc tế tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc.
Tuy nhiên, lực lượng Nga sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ để trong nỗ lực này. "Không ai biết lực lượng phòng thủ ở Mariupol còn bao nhiêu thực phẩm, đạn dược và có thể kháng cự được bao lâu, nhưng với mệnh lệnh không đầu hàng, họ không còn con đường nào khác", Oleh Zhdanov, nhà phân tích quân sự ở Kiev, nói. "Họ đã bị bao vây bốn phía trong pháo đài của mình, và sẽ phải kháng cự đến cùng".
Vũ Hoàng (Theo Global Times, Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét