Mỹ bàn giao thêm trung tâm huấn luyện và bảo dưỡng tàu, hỗ trợ máy bay không người lái để Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao năng lực an ninh hàng hải.
"Chúng tôi vừa tham dự lễ bàn giao trung tâm huấn luyện và bảo dưỡng cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Hải Phòng", tiến sĩ Robert Pope, Giám đốc Bộ phận Giảm thiểu Đe dọa Hợp tác (CTR) thuộc Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng Mỹ (DTRA) cho biết trong buổi gặp gỡ báo chí chiều nay tại Hà Nội.
Ông Pope cho biết trung tâm này có thể bảo dưỡng các tàu lớn hơn, giúp chúng hoạt động trên biển thường xuyên và lâu hơn. "Điều đó sẽ hỗ trợ Việt Nam giám sát các vùng biển của mình để đảm bảo tự do hàng hải và thương mại", ông nói thêm.
Đại tá Thomas M. Stevenson, tùy viên quốc phòng Mỹ tại Việt Nam, cho biết DTRA đã hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở huấn luyện và bảo dưỡng cho 4 vùng Cảnh sát biển Việt Nam. Tại các trung tâm này, Mỹ cung cấp mô hình mô phỏng tàu thuyền để thủy thủ Việt Nam có thể học cách điều khiển, nâng cao khả năng sử dụng tàu để phục vụ hoạt động tuần tra, bảo vệ chủ quyền tốt hơn.
Đại tá Stevenson thêm rằng Mỹ đã chuyển giao tổng cộng 24 xuồng tuần tra cao tốc Metal Shark, hai tàu tuần tra lớp Hamilton và đang xem xét chuyển giao tàu thứ ba.
Hai tàu tuần tra lớp Hamilton được Mỹ chuyển giao cho Việt Nam năm 2017 và 2021 thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). Các tàu tuần tra này sau đó được biên chế cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngoài ra, Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam máy bay không người lái (UAV) để giúp tàu thuyền của cảnh sát biển Việt Nam mở rộng khả năng quan sát, đại tá Stevenson cho biết.
Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 6/2019 thông báo công ty Insitu trực thuộc tập đoàn Boeing được giao hợp đồng trị giá 9,7 triệu USD chế tạo 6 UAV ScanEagle cho chính phủ Việt Nam, cũng như cung cấp linh kiện phụ tùng, huấn luyện và cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật.
"Những nỗ lực của chúng tôi không chỉ đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đảm bảo an ninh chủ quyền cho Việt Nam, mà còn mang tới một vùng biển an toàn cho ngư dân hoạt động, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển", ông nói. "Có thể nói đây là cách tiếp cận rất toàn diện".
Tiến sĩ Pope cho biết phía Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã thảo luận về khả năng xây dựng một trung tâm điều phối hàng hải, có thể kết nối dữ liệu thông qua các thiết bị mới như UAV ScanEagle hoặc các cảm biến tương lai.
"Tất cả những điều này nhằm giúp Việt Nam có nhận thức toàn diện hơn về những gì diễn ra trên các vùng biển. Từ đó, Việt Nam có thể đưa ra những hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình", ông nói.
Quan hệ Việt - Mỹ được bình thường hóa từ năm 1995, tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu trong những năm qua. Hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 và Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam năm 2016.
Tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên đạt 90,8 tỷ USD năm 2020.
Trong buổi gặp gỡ báo chí đầu tiên ở Hà Nội hôm 20/4, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết Mỹ cam kết hợp tác giúp Việt Nam tăng cường năng lực trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Ông cũng khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ, trong đó có mối quan hệ với Việt Nam.
"Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới công bố của Mỹ không chỉ cho thấy Washington muốn xây dựng mối quan hệ với khu vực, mà còn có thể được xem là lộ trình phát triển quan hệ với Việt Nam", Đại sứ Knapper nói.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét