Nga dồn lực lượng đến Donbass nhằm giành thắng lợi chóng vánh, nhưng sức kháng cự của Ukraine có thể khiến giao tranh kéo dài, theo chuyên gia Nick Reynolds.
Giai đoạn hai chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu hôm 19/4 tại Donbass, với những trận oanh kích dữ dội và các mũi tiến công của lực lượng Nga tìm cách xuyên thủng phòng tuyến đối phương trải dài gần 500 km ở các tỉnh Donetsk, Lugansk và Kharkov.
Đạn pháo liên tục dội xuống các mục tiêu ở vùng Donbass và thành phố cảng Mariupol ở phía nam Ukraine trong những ngày qua. Giới quan sát cho rằng Nga dồn lực tấn công các khu vực này bởi nó cho phép Moskva thiết lập hành lang trên bộ thông từ miền đông Ukraine tới bán đảo Crimea, đồng thời kiểm soát phần lớn đường bờ biển của Kiev, giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, Ukraine tỏ ra không nhượng bộ và quyết chiến đấu tới cùng. Kiev gần đây liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp các loại vũ khí hạng nặng, khi cho rằng các cuộc giao tranh ở Donbass sẽ rất giống với những trận đấu pháo, xe tăng thời Thế chiến II.
"Xung đột ở Donbass chắc chắn leo thang và dữ dội hơn giai đoạn một của chiến dịch, khi cả hai bên đều tập trung lực lượng, khí tài vào khu vực này, thay vì trải rộng ra ở nhiều hướng như trước đây", Nick Reynolds, nhà phân tích chiến tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, nói với VnExpress.
Reynolds nhận định mục tiêu trước mắt của cả Nga và Ukraine là chọc thủng phòng tuyến, phá vỡ đội hình của đối phương trên chiến trường và kiểm soát càng nhiều lãnh thổ vùng Donbass càng tốt.
Nếu Nga có thể dồn lực giành được thắng lợi chóng vánh ở miền đông Ukraine trước Ngày Chiến thắng 9/5, Tổng thống Vladimir Putin sẽ có thể ca ngợi thành công của chiến dịch trong lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ, cũng như tuyên bố rằng ông đã bảo vệ được cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine. Sau đó, ông chủ Điện Kremlin có thể đưa ra lựa chọn ngừng bắn như một đòn bẩy cho các cuộc đàm phán với Ukraine.
Nhưng nếu quân đội Ukraine có thể cản bước tiến của Nga ở Donbass, giới quan sát cho rằng ông Putin sẽ đối mặt tình thế khó khăn hơn khi phải chọn giữa tăng cường lực lượng, khí tài cho một xung đột kéo dài, hoặc sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ trong đàm phán để sớm kết thúc chiến sự.
Chuyên gia Reynolds nhận định Nga và Ukraine trong những ngày tới sẽ rơi vào tình thế giằng co, vì hai bên gần như không thể tung ra được những đòn tấn công quyết định cục diện chiến trường.
"Cả hai bên nhiều khả năng sẽ chỉ đạt được một vài lợi thế nhất định, không thể hoàn thành toàn bộ mục tiêu của mình. Do đó, cuộc xung đột có thể kéo dài", ông nói.
Nhà phân tích của viện RUSI cho rằng trong tình hình hiện nay, rất khó để dự đoán chính xác xung đột sẽ kéo dài bao lâu, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào những biện pháp mà Nga sẵn sàng sử dụng để tháo gỡ thế bế tắc và theo đuổi các mục tiêu mà họ đề ra trong giai đoạn hai của chiến dịch.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 19/4 tuyên bố mục tiêu của giai đoạn hai chiến dịch quân sự là "giải phóng" miền đông Ukraine, khôi phục "cuộc sống hòa bình" ở khu vực. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày khẳng định Moskva không tìm cách thay đổi chế độ ở Kiev.
Để thực hiện được mục tiêu "giải phóng" Donbass, lực lượng Nga sẽ phải đánh bật được quân đội Ukraine khỏi các vị trí phòng thủ ở khu vực. Các đơn vị Ukraine ở Donbass đều là lực lượng tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm giao tranh với phe ly khai và được trang bị các loại khí tài hiện đại của phương Tây, khiến mục tiêu này của Nga trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Matti Muukkonen, giáo sư luật tại Đại học Đông Phần Lan, cho rằng với kinh nghiệm thực chiến và trang bị tốt, các đơn vị Ukraine sẽ không dễ dàng bị đánh bại và rút hoàn toàn khỏi Donbass, ngay cả khi lực lượng Nga tạo ra được bước đột phá trong khu vực. "Những yếu tố này khiến chúng ta không thể dự đoán được xung đột sẽ tiếp tục trong bao lâu", ông nói.
Giới quan sát cho biết lực lượng Nga hiện tăng cường pháo kích tầm xa và chủ yếu triển khai các đội trinh sát để thăm dò lực lượng phòng thủ Ukraine. Lầu Năm Góc ước tính Nga hiện có khoảng 75 đơn vị tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) ở Ukraine, mỗi BTG có khoảng 1.000 quân cùng nhiều xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành. Moskva cũng có hàng chục nghìn binh sĩ dự bị ở phía bắc Ukraine, sẵn sàng đợi lệnh tham chiến.
Nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng lực lượng Nga vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn những điểm yếu về năng lực hậu cần và khả năng hiệp đồng tác chiến quân binh chủng, yếu tố từng khiến đà tiến của họ trong giai đoạn một chậm lại đáng kể.
Do đó, ngay cả khi bổ nhiệm tổng chỉ huy chiến dịch là một đại tướng từng tham chiến ở Syria, đồng thời áp dụng chiến thuật tiến quân thận trọng hơn, Nga vẫn khó có thể tạo ra những bất ngờ lớn trên chiến trường.
Điều này dường như được thể hiện rất rõ trong nỗ lực bao vây lực lượng Ukraine tại thành phố cảng Mariupol. Nga đã triển khai nhiều đơn vị tinh nhuệ tìm cách tấn công nhà máy gang thép Azovstal, cứ điểm phòng ngự cuối cùng của lực lượng Ukraine tại Mariupol, nhưng đều không thành công. Tổng thống Putin cuối cùng phải ra lệnh cho lực lượng Nga ngừng tiến công vào nhà máy mà chỉ tìm cách vây chặt để "không một con ruồi nào có thể chui lọt".
Giáo sư Muukkonen cho rằng hiện còn quá sớm để nói về tương lai cuộc xung đột, bởi cục diện chiến trường phụ thuộc không chỉ vào tính toán của Nga, mà còn vào sức kháng cự của Ukraine.
"Không loại trừ khả năng quân đội Ukraine có thể đẩy lùi các cuộc tấn công, khiến lực lượng Nga phải rút lui", ông nhận định. "Trong trường hợp này, hỗ trợ khí tài hạng nặng của phương Tây sẽ rất quan trọng đối với Ukraine".
Ukraine đang tiếp tục nhận được các gói viện trợ quân sự lớn từ phương Tây, đặc biệt là vũ khí cỡ lớn như pháo, trực thăng vũ trang hay xe tăng. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/4 tuyên bố Mỹ sẽ gửi thêm gói viện trợ an ninh trị giá 800 triệu USD và 500 triệu hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho Ukraine. Trước đó một tuần, Mỹ cũng tuyên bố viện trợ Ukraine lô vũ khí 800 triệu USD.
Nhiều đồng minh phương Tây cũng cấp tập bơm vũ khí cho Ukraine và siết biện pháp trừng phạt để tăng sức ép với Nga.
Tuy nhiên, lãnh đạo Nga nhiều lần khẳng định các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không có tác dụng và Moskva không bao giờ bị cô lập. "Cô lập bất kỳ ai trong thế giới hiện đại này đều là không thể, đặc biệt là một đất nước rộng lớn như Nga", Tổng thống Putin nói hôm 12/4.
Ông cũng tuyên bố không từ bỏ mục tiêu trong chiến dịch đối phó với "các thế lực chống Nga ở Ukraine" mà ông cho là là không thể tránh khỏi, nhằm đảm bảo an ninh cho Nga và cứu người dân vùng Donbass.
Lập trường cứng rắn của Nga và quyết tâm kháng cự của Ukraine, cũng như những vũ khí uy lực mạnh từ phương Tây dồn về Donbass khiến nhiều nhà quan sát lo ngại về xung đột ngày càng khốc liệt ở khu vực.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích nhận định đàm phán để hướng tới một thỏa thuận hòa bình vẫn là cách duy nhất giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 tháng qua. Tuy nhiên, giáo sư Muukkonen nhận định đây là một con đường không dễ dàng.
"Đây là một hành trình rất dài", ông nói. "Nga đưa ra các yêu cầu khá tuyệt đối. Dù Ukraine chấp nhận từ bỏ điều khoản gia nhập NATO khỏi hiến pháp, Kiev vẫn muốn có quyền gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Nga sẽ khó chấp nhận điều đó".
Một số nhà phân tích vẫn lạc quan về một thỏa thuận chấm dứt xung đột, nhưng cho rằng nó sẽ chỉ đạt được sau những trận chiến quan trọng diễn ra trong thời gian tới.
"Tôi nghĩ sẽ có một thỏa thuận, nhưng giao tranh vẫn sẽ rất dữ dội, khi hai bên đều cố gắng tìm kiếm đòn bẩy cho mình trên bàn đàm phán", David Petraeus, cựu giám đốc CIA và từng chỉ huy các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan, nói trong cuộc phỏng vấn với RFE/RL hồi đầu tháng.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét