Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine thay đổi đáng kể trong hai tháng qua, với quy mô chiến trường thu hẹp, nhưng mức độ khốc liệt có nguy cơ gia tăng.
Tròn hai tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chiến sự đang bước vào giai đoạn mới, khi Nga tập trung lực lượng nhằm xuyên thủng phòng tuyến đối phương ở các tỉnh Donetsk, Lugansk và Kharkov. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 19/4 cho hay "đây là thời khắc vô cùng quan trọng đối với toàn bộ chiến dịch" ở Ukraine.
Quy mô chiến trường được thu hẹp, nhưng cục diện và tương quan vượt ngoài mọi dự đoán ban đầu của giới phân tích quốc phòng cùng các quan chức phương Tây.
Nga đổi trọng tâm, thay chiến thuật
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24/2, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định thủ đô của Ukraine có nguy cơ thất thủ trong vòng 72 giờ. Quân đội Nga áp sát Kiev ngày 25/2 với nhiều mũi tiến công khắp phía biên giới bắc Ukraine, gồm đổ bộ bằng lính dù cùng bộ binh từ hai hướng Belarus và Belgorod.
Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ Kiev đã cầm chân quân đội Nga suốt 36 ngày. Đến cuối tháng 3, Nga tuyên bố hoàn thành giai đoạn một chiến dịch và bắt đầu rút lực lượng khỏi trận địa quanh Kiev và miền bắc Ukraine. Phái đoàn Nga trong cuộc đàm phán trước đó ở Thổ Nhĩ Kỳ thông báo Moskva muốn "giảm hoạt động quân sự" tại khu vực để thể hiện thiện chí đối thoại thực chất.
Hai tuần sau, khi Moskva và Kiev chưa tổ chức thêm bất kỳ cuộc đàm phán mới nào, trận chiến tại Donbass mở màn, với các mũi tiến công của lực lượng Nga trải khắp giới tuyến dài gần 500 km.
Đợt tiến công ở Donbass được phát động vài ngày sau khi đại tướng Alexander Dvornikov, 61 tuổi, được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy giai đoạn hai của "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Ông là một trong những tướng dày dạn kinh nghiệm thực chiến nhất của quân đội Nga, phục vụ ở Chechnya trong thập niên 1990 và từng chỉ huy chiến dịch quân sự tại Syria từ năm 2015 đến 2016. Ông sau đó trở thành tư lệnh Quân khu Miền nam, phụ trách cả bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào lãnh thổ từ năm 2014.
Giới quan sát cho rằng quyết định bổ nhiệm tướng Dvornikov cho thấy Moskva muốn tận dụng những am hiểu của ông trong nửa thập kỷ qua về tiềm lực đối phương và điều kiện tác chiến ở Ukraine. Cánh quân từ bán đảo Crimea cũng thu được kết quả đáng kể nhất so với hai trục phía bắc và phía đông trong hai tháng qua về diện tích lãnh thổ kiểm soát.
Tướng Rustam Minnekaev, quyền tư lệnh Quân khu Trung tâm quân đội Nga, ngày 22/4 nêu mục tiêu của giai đoạn hai chiến dịch quân sự là nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass và khu vực miền nam Ukraine. Nếu hoàn thành được hai mục tiêu này, Nga sẽ lập được hành lang trên bộ từ Donbass tới Crimea, đồng thời mở được con đường dẫn tới vùng ly khai Transnistria ở Moldova.
Lầu Năm Góc đánh giá Nga đã rút được kinh nghiệm từ những sơ suất trong giai đoạn đầu chiến dịch và đang thay đổi chiến thuật ở miền đông Ukraine. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ tuần qua nhận định Nga đã khẩn trương bổ sung lực lượng và tái tổ chức khoảng 24 đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) để tung vào trận chiến mới.
"Giao tranh sẽ chuyển sang một mức độ khác hoàn toàn, với hình thái chiến đấu khác", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói ngày 13/4.
Mức độ khốc liệt gia tăng
Đánh giá cuộc chiến ở Donbass sẽ khốc liệt hơn rất nhiều so với giai đoạn một, Mỹ và các đồng minh đang chạy đua bơm vũ khí cho Ukraine, chú trọng vào các vũ khí tấn công hạng nặng như lựu pháo 155 mm, xe tăng, thiết giáp và trực thăng chiến đấu.
Giới chức Lầu Năm Góc ngày 21/4 tiết lộ các đối tác châu Âu đã gửi xe tăng T-72 cho Ukraine, góp phần tạo ưu thế tạm thời cho nước này về số lượng xe tăng trên chiến trường. Mỹ cũng lần đầu tiên đứng ra làm trung gian chuyển giao 11 trực thăng chiến đấu Mi-17 từ các nước châu Âu đến Ukraine.
Washington tuần qua công bố thêm gói viện trợ 800 triệu USD vũ khí cho Kiev, trong đó có máy bay không người lái được thiết kế đặc biệt đáp ứng nhu cầu tác chiến ở đông Ukraine. Tổng viện trợ quân sự từ Mỹ sau khi chiến sự bùng phát đến nay đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
Số vũ khí hạng nặng phương Tây cấp tập bơm cho Ukraine, kết hợp với quyết tâm giành chiến thắng thực tế của Nga và quy mô chiến trường bị thu hẹp khiến giới quan sát nhận định mức độ dữ dội của giao tranh ở Donbass sẽ lớn hơn rất nhiều.
Chiến sự trong hai tháng qua đã gây tổn thất to lớn về nhân mạng cho cả hai nước. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 15/4 cho hay khoảng 2.500-3.000 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng và 10.000 người bị thương. Tuy nhiên, tình báo Mỹ ước tính quân đội Ukraine sau hai tháng chiến sự có thể mất khoảng 5.000-11.000 lính và hơn 18.000 người bị thương.
Kiev cho rằng khoảng 19.000-20.000 binh sĩ Nga tử trận và hàng chục nghìn quân nhân bị thương, trong khi số liệu chính thức từ Moskva trong lần công bố gần nhất vào ngày 25/3 là 1.351 binh sĩ thiệt mạng và 3.825 người bị thương.
Nga vẫn áp đảo Ukraine về nguồn lực quân sự, nhưng giới quan sát nhận định tình hình giao tranh hai tháng qua cho thấy Moskva khó tận dụng tối đa các lợi thế của mình trước sức kháng cự của Kiev, khiến cục diện chiến sự trong thời gian tới tiếp tục diễn biến khó lường.
"Nga về lý thuyết có thể lấn át lực lượng phòng thủ của Ukraine bằng nhiều trục tiến công, buộc Ukraine dàn trải lực lượng cực mỏng. Tuy nhiên, phía Ukraine đã chứng tỏ họ có đủ quyết tâm và năng lực để cầm chân đối phương ở các đô thị trong thời gian dài. Điều này cho thấy nhiều mũi tiến công của Nga ở đông Ukraine sẽ bế tắc, thậm chí có thể bị chặn đứng", ISW đánh giá trong báo cáo ngày 16/4.
Thủ tướng Anh Boris Johnson lo ngại viễn cảnh chiến sự tại Đông Âu kéo dài đến cuối năm 2023 vì cục diện chiến trường chưa ngã ngũ. Đàm phán giữa các bên đã đóng băng trong gần một tháng qua, khi Ukraine không chấp nhận các đề xuất thỏa hiệp chia cắt lãnh thổ và nhượng bộ chủ quyền quốc gia, trong đó có thừa nhận độc lập cho hai chủ thể ly khai ở vùng Donbass.
Jose Miguel Alonso-Trabanco, nhà nghiên cứu tại Đại học Massey của New Zealand, nhận định Nga đang muốn sử dụng giai đoạn hai chiến dịch ở Donbass như một đòn bẩy để hướng tới phân chia kiểm soát lãnh thổ Ukraine.
"Chuyển dịch lực lượng Nga về phía đông Ukraine cho thấy họ muốn tạo lợi thế chiến trường trước khi trở lại bàn đàm phán, hoặc chia cắt Ukraine để kiểm soát trực tiếp vùng Donbass và khu vực duyên hải, trong đó có các thành phố cảng Mariupol cùng Odessa, hay xa hơn là khu vực hữu ngạn sông Dniper", ông nhận định.
Mariupol đã trở thành hình ảnh đại diện rõ nhất cho mức tàn khốc của xung đột Nga - Ukraine trong hai tháng qua lẫn thời gian tới. Sau hai tháng bị vây hãm, Mariupol, từng là thành phố cảng sầm uất và khu công nghiệp lớn nhất vùng Donbass, giờ đây đã trở thành đống đổ nát. Lực lượng phòng thủ cuối cùng ở nhà máy thép Azovstal đang bị vây chặt, nhưng vẫn quyết cố thủ đến cùng.
Giới chuyên gia cảnh báo chiến sự Ukraine trong giai đoạn mới sẽ khác xa hình thái chiến tranh đô thị từng diễn ra ở tỉnh Kiev trong hơn một tháng đầu tiên. Địa hình mở tạo ưu thế cho hỏa lực trên bộ và sức mạnh áp đảo trên không của quân đội Nga. Giới chức Ukraine nhiều lần cảnh báo giao tranh ở Donbass sẽ chứng kiến nhiều trận đánh tương tự Thế chiến II, với sự tham gia của các vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo binh.
Chuyên gia Alonso-Trabanco lo ngại chiến sự Ukraine càng kéo dài sẽ càng khiến tương lai bất định hơn. Moskva ban đầu có lẽ đã đặt mục tiêu giải quyết nhanh chóng bài toán Donbass và chính phủ thân phương Tây tại Ukraine, nhưng kế hoạch này đã không lường trước mức kháng cự quyết liệt của các lực lượng Ukraine và năng lực tổ chức cao cả về quân sự lẫn ngoại giao ở Kiev.
"Nếu chiến dịch đặc biệt của Nga trở thành giao tranh khốc liệt và kéo dài, Moskva có thể chuyển trọng tâm một lần nữa. Điều đó đồng nghĩa Ukraine sẽ tiếp tục bị phá hủy cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn, kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, khiến tương lai càng trở nên mờ mịt và khó lường hơn", Alonso-Trabanco cảnh báo.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, NY Times, TASS, AP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét