Dự án siêu tên lửa Sarmat được Nga khởi động năm 2011 để thay thế dòng R-36M lạc hậu, vụ phóng hoàn chỉnh đầu tiên được tiến hành hơn 10 năm sau.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 20/4 thông báo Nga đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat, một trong 6 "siêu vũ khí" được ông giới thiệu đầu năm 2018. Đây là lần đầu tiên Nga phóng thử tên lửa Sarmat hoàn chỉnh với tầm bắn tối đa, trong khi các cuộc thử nghiệm trước đây chỉ nhằm kiểm tra một phần tên lửa.
Quân đội Nga không tiết lộ thời điểm dự án Sarmat ra đời, nhưng truyền thông nước này cho biết chương trình phát triển dòng ICBM đặt trong giếng phóng thế hệ mới này được khởi động từ thập niên 2000, nhằm thay thế mẫu R-36M2 Voyevoda biên chế từ năm 1988 và đã trở nên lạc hậu.
Dự án được trao cho Viện Thiết kế Makeyev, nơi phát triển hàng loạt mẫu tên lửa đạn đạo tầm xa của Nga, hồi đầu năm 2011. Nhiều doanh nghiệp quốc phòng nước này cũng tham gia chương trình Sarmat.
Sau khi quá trình nghiên cứu phát triển kết thúc vào giữa năm 2011, Viện Thiết kế Makeyev xuất xưởng nguyên mẫu Sarmat đầu tiên vào cuối năm 2015. Nhưng đến tháng 12/2017, Nga mới lần đầu thử nghiệm tầng đẩy sơ tốc giúp tên lửa rời giếng phóng.
Dù thử nghiệm này cho thấy hệ thống phóng đạn vẫn còn gặp một số vấn đề, Sarmat được Tổng thống Putin công bố trong thông điệp liên bang ngày 1/3/2018, giới thiệu đây là một trong những "siêu tên lửa" có thể giúp Nga duy trì ưu thế quân sự trước phương Tây.
Hai đợt thử tầng đẩy sơ tốc tiếp theo diễn ra vào tháng 3 và 5/2018 đều thành công. Sau các vụ thử sơ bộ, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga Sergei Karakayev cho biết loại vũ khí này sẽ được trang bị cho Sư đoàn Tên lửa Cờ đỏ số 13 tại tỉnh Orenburg và Sư đoàn Tên lửa Cờ đỏ số 62 tại Krasnoyarsk.
Tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Nga lần đầu công khai đặc điểm kỹ chiến thuật của tên lửa đạn đạo Sarmat tại triển lãm quân sự Army-2019. Theo đó, tên lửa có tầm bắn 18.000 km và tổng khối lượng 208 tấn, trong đó đầu đạn chiếm gần 10 tấn.
Nửa năm sau, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này sẵn sàng cho thanh sát viên Mỹ tham quan hệ thống Sarmat nhằm gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START).
RS-28 Sarmat dự kiến được thử nghiệm hoàn chỉnh và đưa vào biên chế Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga từ năm 2020, nhưng nhiều vấn đề kỹ thuật và tài chính khiến chương trình bị chậm tiến độ. Đến ngày 20/4, quả tên lửa Sarmat hoàn chỉnh đầu tiên mới rời khỏi bệ phóng.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 21/4 cho biết một trung đoàn tên lửa tiền phương tại vùng Krasnoyarsk đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tiếp nhận dòng Sarmat. "Mẫu tên lửa mới có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa, sử dụng nhiều đường bay khác nhau. Sarmat có những tính năng độc đáo, cho phép nó xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện tại và tương lai", quân đội Nga nhấn mạnh.
Mỗi quả đạn Sarmat dài 35,5 m, có đường kính 3 m, mang được 10-15 đầu đạn hạt nhân hồi quyển độc lập (MIRV) với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, kèm theo nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương. Sarmat cũng có thể lắp đầu đạn siêu vượt âm Avangard hoặc nhiều loại phương tiện lướt siêu vượt âm trong tương lai.
Tầng đẩy của tên lửa hoạt động trong thời gian tương đối ngắn, hạn chế đáng kể khả năng bị phát hiện bởi các vệ tinh trang bị cảm biến hồng ngoại, khiến đối phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình bám bắt và đánh chặn.
Với tầm bắn tới 18.000 km, quả đạn có thể được phóng vòng qua Nam Cực, né tránh mạng lưới cảnh giới hướng về phía Bắc Cực của Mỹ. Một số chuyên gia nhận định Sarmat sở hữu tính năng tương tự Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS) được Liên Xô phát triển thời Chiến tranh Lạnh, trong đó đầu đạn bay nhiều vòng quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp rồi trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn.
Các nguồn tin giấu tên cho biết trận địa RS-28 Sarmat được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Mozyr, được thiết kế để vô hiệu hóa đòn tấn công phủ đầu của đối phương bằng cách bắn ra một đám mây chứa đầy mũi tên và các viên bi kim loại, có khả năng phá hủy bom, tên lửa hành trình và đầu đạn hạt nhân ở độ cao đến 6 km.
"Loại vũ khí thực sự độc đáo này sẽ tăng cường năng lực chiến đấu cho các lực lượng vũ trang, đảm bảo an ninh cho Nga khỏi các mối đe dọa bên ngoài và khiến những kẻ đang muốn đe dọa chúng ta phải suy nghĩ lại", Tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình Nga hôm 20/4.
Vũ Anh (Theo TASS, CSIS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét