Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Mỹ nói Ukraine đã nhận tiêm kích nước ngoài

Lầu Năm Góc thông báo Ukraine đã nhận tiêm kích và phụ tùng từ nước ngoài để tăng quy mô phi đội.

"Họ đã nhận được các nền tảng và bộ phận bổ sung để tăng quy mô phi đội máy bay, song tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 19/4. "Hiện tại họ có nhiều tiêm kích hơn cách đây hai tuần".

Ông Kirby từ chối tiết lộ số lượng, chủng loại và xuất xứ của số tiêm kích nước ngoài chuyển cho Ukraine. "Các quốc gia khác đã có kinh nghiệm với loại máy bay đó có thể giúp họ vận hành và khai thác nhiều máy bay hơn", ông Kirby nói. "Mỹ hỗ trợ vận chuyển một số phụ tùng thay thế để đáp ứng nhu cầu của họ, song chúng tôi không vận chuyển cả chiếc máy bay".

Thông tin được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden hồi tuần trước thông qua gói hỗ trợ an ninh, vũ khí, đạn dược bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, trong số này có các loại vũ khí hạng nặng như lựu pháo. Một quan chức nhà Trắng ngày 16/4 cho biết các chuyến hàng từ gói hỗ trợ này đã tới nơi.

Tiêm kích Su-27 của Ukraine cất cánh từ căn cứ Starokostiantyniv tham gia diễn tập Clear Sky với Mỹ tháng 10/2018. Ảnh: USAF.

Tiêm kích Su-27 của Ukraine cất cánh từ căn cứ Starokostiantyniv tham gia diễn tập Clear Sky với Mỹ tháng 10/2018. Ảnh: USAF.

Các động thái mới thể hiện sự thay đổi của phương Tây, sau khi họ ban đầu từ chối cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Từ cuối tháng 2, Ukraine đề nghị các đối tác phương Tây cung cấp tiêm kích MiG-29 mà các phi công của họ đã quen vận hành. Ba Lan hồi đầu tháng 3 đề nghị chuyển tiêm kích MiG-29 bằng cách đưa nó đến một căn cứ của Mỹ rồi Mỹ chuyển tiếp cho Ukraine. Tuy nhiên, Washington khi đó từ chối vì lo ngại Nga coi đây là hành vi can dự trực tiếp vào chiến sự của NATO.

Các binh sĩ NATO dự kiến huấn luyện lính Ukraine sử dụng loại pháo mới được chuyển giao. Cách vận hành của pháo Mỹ về cơ bản không khác khí tài của Ukraine, song Washington gửi pháo 155 mm vốn phổ biến trong biên chế các nước thành viên NATO, còn lực lượng của Kiev lại sử dụng rộng rãi pháo 152 mm từ thời Liên Xô.

Nga ngày 24/2 mở chiến dịch quân sự nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Nhiều quốc gia phương Tây hỗ trợ vũ khí cho Ukraine từ trước và sau khi chiến sự bùng phát.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 13/4 cảnh báo các phương tiện của Mỹ và và NATO chở vũ khí tới lãnh thổ Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu.

Nga duy trì lập trường này từ những ngày đầu xảy ra xung đột ở Ukraine. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã phá hủy 4 bệ phóng trong tổ hợp phòng không S-300 do một quốc gia châu Âu chuyển giao cho Ukraine, nhưng không nêu rõ nước nào. Cơ quan này cũng cho biết một vận tải cơ Ukraine chở vũ khí phương Tây bị bắn rơi ở tỉnh Odessa.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét