Chính phủ đề xuất phương án chuyển các dự án cao tốc Bắc Nam từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Chiều 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam.
Hiện Chính phủ kiến nghị 3 phương án chuyển đổi các dự án liên quan. Phương án một, toàn bộ 8 dự án được chuyển từ đầu tư xã hội hóa sang đầu tư công. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách 55.000 tỷ đồng và bổ sung khoảng 44.493 tỷ đồng từ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Phương án này có ưu điểm là đảm bảo các dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai đúng tiến độ Quốc hội đề ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Nhà nước phải bổ sung 44.493 tỷ đồng.
Phương án 2, Chính phủ đề xuất chuyển 5 dự án sang đầu tư công gồm 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63 km; quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km; Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km) và một dự án không có nhà đầu tư đăng ký tham gia là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ba dự án còn lại tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Theo phương án này, tổng mức đầu tư 8 dự án là 100.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 88.056 tỷ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.
Phương án 3, chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án gồm hai dự án cấp bách là đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. 5 dự án cao tốc còn lại tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Với phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.
Chính phủ đánh giá phương án 2 và 3 cần ít vốn ngân sách hơn, nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro, khi nguồn vốn tín dụng ngày càng thắt chặt, nguy cơ không đảm bảo hoàn thành theo tiến độ yêu cầu của Quốc hội.
Sau hơn 2 năm triển khai, các dự án cao tốc theo hình thức đầu tư PPP phát sinh nhiều vấn đề, chủ yếu liên quan tới tính khả thi huy động vốn dự án. Ước tính các nhà đầu tư phải huy động khoảng 35.000 tỷ đồng khi làm các dự án này, thông qua vốn vay ngân hàng. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, đây là số vốn tương đối lớn, khó huy động ngay. Thực tế như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, số vốn cần huy động 6.000 tỷ đồng nhưng cũng phải thông qua 4 ngân hàng thu xếp trong vài năm.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, với tình hình hiện nay khả năng cung ứng vốn cho các dự án rất khó khăn. Đến cuối tháng 3, các ngân hàng cam kết cho vay các dự án BOT khoảng 182.000 tỷ đồng, dư nợ 112.000 tỷ. Trong 116 dự án thì có 59 dự án khó khăn, khoảng 53.000 tỷ đồng có khả năng chuyển nợ xấu.
Về phía Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có 2 nhóm ý kiến, trong đó một nhóm cho rằng việc chuyển đổi 8 dự án từ vốn xã hội hóa sang đầu tư công là hoàn toàn khả thi. Song cũng có nhiều ý kiến không đồng ý, vì đã có 7 trong 8 dự án thu hút từ 2 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển. Việc liên tục hủy sơ tuyển với dự án cao tốc Bắc Nam sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín Nhà nước, dư luận và tâm lý nhà đầu tư. Chưa kể, Chính phủ đề xuất bố trí bổ sung 44.493 tỷ đồng (tương đương 80,89% tổng số vốn kế hoạch) cho dự án trong giai đoạn 2021-2025 là không phù hợp.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã sơ tuyển các nhà đầu tư quốc tế cho 8 dự án cao tốc này. Tuy nhiên, sau đó lại hủy kết quả sơ tuyển do "số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao". Cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải lại sơ tuyển các nhà đầu tư trong nước cho các dự án, đến nay đã hoàn thành vòng sơ tuyển.
Tháng 3/2020, Chính phủ cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép chuyển hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét