Đài Loan muốn mua tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo nhằm cải thiện năng lực phòng thủ, kế hoạch có thể được thực thi trong năm 2023.
"Đài Loan đã tự phát triển tên lửa chống hạm Hùng Phong 2, nhưng các tổ hợp tên lửa Harpoon trên mặt đất có khả năng cơ động vượt trội. Nếu Mỹ chấp nhận đề xuất, chúng ta có thể nhận các hệ thống vũ khí này vào năm 2023 để tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển", Chang Che-ping, quan chức số hai của cơ quan phòng vệ Đài Loan, cho biết hôm qua.
Kế hoạch sẽ cho phép Đài Bắc sở hữu toàn bộ các phiên bản tên lửa Harpoon gồm AGM-84 phóng từ máy bay, RGM-84 đặt trên tàu chiến, UGM-84 phóng từ tàu ngầm hoặc hệ thống phòng thủ bờ biển.
Harpoon là tên lửa chống hạm chuyên biệt đầu tiên của hải quân Mỹ, ra mắt lần đầu năm 1977. Tên lửa có tầm bắn tối đa 280 km tùy phiên bản và nền tảng phóng, đạt tốc độ 865 km/h và có thể bay cách mặt biển vài mét trong khi tiếp cận mục tiêu. Mỗi quả đạn mang đầu nổ 220 kg, đủ sức đe dọa nhiều loại tàu chiến hiện nay.
Giới phân tích quân sự cho rằng trọng tâm đầu tư nhằm phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng của Đài Loan chính là các chương trình tên lửa, vũ khí có thể giúp lực lượng phòng thủ hòn đảo cầm cự trước quân đội Trung Quốc khi xung đột vũ trang bùng phát, trong lúc chờ đợi Mỹ điều quân hỗ trợ.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết và luôn ngăn cản các nước bán vũ khí cho Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ hòn đảo gặp khó khăn trong nỗ lực hiện đại hóa. Washington không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng thường xuyên bán vũ khí cho hòn đảo để nâng cao năng lực phòng thủ, khiến Bắc Kinh tức giận.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước phê duyệt việc bán cho Đài Loan 18 ngư lôi hạng nặng Mark 48 Mod 6 và các thiết bị liên quan với giá 180 triệu USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái cũng thông qua hàng loạt hợp đồng vũ khí trị giá nhiều tỷ USD cho Đài Bắc, trong đó có 66 tiêm kích F-16V trị giá 8 tỷ USD.
Trung Quốc gần đây gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải "trả giá" nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Quân đội Trung Quốc cũng nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của những khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Giới chức Đài Loan ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm "xóa nhòa ranh giới" với hòn đảo sau khi kiểm soát được Covid-19. Các hoạt động áp sát của không quân Trung Quốc sẽ dưới ngưỡng châm ngòi chiến tranh, nhưng sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng kiểm soát ở khu vực về mặt quân sự, tương tự những gì nước này đã làm ở Biển Đông.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét