Quảng NamNhững ngày này nhiều người dân xã đảo Tam Hải tranh thủ lúc thủy triều xuống, ra bãi đá dưới chân núi Bàn Than để cạo rong biển.
Bãi đá nằm ven bờ biển xã Tam Hải rộng khoảng 10 ha, chìm dưới nước khi thủy triều lên và lộ thiên lúc nước rút. Rong biển mọc bám đầy trên bãi đá này. Mỗi ngày hàng chục người dân địa phương đến đây khai thác rong, bán cho những hộ làm nghề nấu xu xoa (một loại đồ ăn gần giống thạch rau câu).
Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hận, 73 tuổi ở xã Tam Hải (huyện Núi Thành) đội nón, cầm cây đục và con dao được uốn cong một đầu, tìm đến từng hòn đá có rong biển bám vào để cạo.
Bãi đá có nhiều vỏ ốc, hàu và đá sắc nhọn, nên những người phụ nữ mưu sinh ở đây đều phải đeo găng tay, chân đi tất và giày dép bảo hộ.
Liên tục đưa những mảng rong vào rổ nhựa, bà Hận cho hay "rong biển mọc quanh năm nhưng việc khai thác phụ thuộc theo con nước". Hàng tháng, từ ngày 9 đến 15 và 29 đến mùng 3 âm lịch, thủy triều xuống bãi đá mới lộ thiên. Những ngày còn lại, nước ở khu vực này sâu gần 2 m, không thể khai thác.
Rong nằm lâu ngày trong nước nên bùn đất bám vào và thường có màu vàng sẫm. Người dân thường rửa sạch tại chỗ bằng nước biển trước khi cho vào túi.
Hàng ngày, bà Trần Thị Hoa, 60 tuổi ở xã Tam Hải, đi cạo rong từ 15h đến 18h, thu khoảng một kg rong khô, bán được 300.000 đồng. Bà Hoa không chọn bãi đá cạn, mà mặc bộ quần áo mưa, đeo kính chống nước và tìm đến những nơi nước sâu từ 30 đến 50 cm để cạo rong.
Mặt chìm trong nước để quan sát, nhìn thấy rong biển, bà Hoa dùng chiếc đục để tách rong ra khỏi đá.
Từng nhúm rong thu được, bà Hoa cho vào chiếc chậu kéo theo phía sau. "Trung bình mỗi ngày kiếm được 100.000 đến 300.000 đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình", bà Hoa nói.
Sau một buổi cạo rong, dù đã đeo găng song bàn tay của những người phụ nữ vẫn trắng bệch, nhăn nhúm vì ngâm nước lâu; nhiều người bị vỏ hàu, đá sắc nhọn cứa đứt găng tay, chảy máu.
Rong biển được những người nấu xu xoa ở địa phương mua về chế biến, nấu nhừ nát, dùng vải lọc lấy nước cho vào khuôn để đông cứng, ra thành phẩm màu trắng đục. Khi ăn, từng miếng xu xoa được cắt nhỏ, cho thêm nước cốt gừng, đường, đá lạnh... Đây món ăn quen thuộc của nhiều người dân Quảng Nam trong những ngày nắng nóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét