Quảng NamĐội tuần tra đang đi dưới tán rừng nguyên sinh thì Ploong Mát nghe tiếng thú mắc bẫy kêu thảm thiết vọng ra.
Lắng nghe hướng âm thanh vọng đến, Ploong Mát xác định vị trí con thú đang gặp nạn. Mất gần một giờ luồn lách trong cây rừng chằng chịt, đội tuần tra cứu được con mang Trường Sơn - Muntiacus truongsonensis, loại động vật đang bị đe doạ tuyệt chủng ở Việt Nam, nặng khoảng 15 kg, dài gần một mét đang nằm gọn trong bẫy.
Đó là ngày 15/6/2016, một trong hai lần Ploong Mát và các đồng nghiệp cứu được mang Trường Sơn trong 7 năm làm việc tại Tổ tuần tra quản lý bảo vệ rừng thuộc Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam.
Bẫy thú được thợ săn làm từ thân cây to bằng bắp tay, dùng sợi dây cáp (phanh xe đạp, xe máy) nối vào rồi uốn cong tạo sức bật. Phần dây cáp để nằm dưới mặt đất quấn thành vòng tròn, ngụy trang bằng lá cây khô. Chiếc bẫy nhìn đơn giản, nhưng khi con thú đi qua thì cây sẽ bật mạnh, sợi dây cáp siết vào chân thú khiến nó không thể nào chạy thoát, càng vùng vẫy thì sợi dây cáp càng siết mạnh.
Hàng năm, Tổ tuần tra quản lý bảo vệ rừng tháo hàng nghìn chiếc bẫy do thợ săn đặt, nhiều động vật hoang dã được thả về tự nhiên.
Ploong Mát kể, mỗi lần Tổ tuần tra tiếp cận con thú đang mắc bẫy, nó đều trong tình trạng sợ hãi, đau đớn. Do vậy, quá trình tháo bẫy phải đươc làm cẩn thận, nếu không sẽ khiến con thú bị tổn thương thêm, nhất là ở phần chân bị bị sợi dây cáp siết chặt.
Lúc đó, một số thành viên trong tổ phải đè con thú xuống để nó nằm im, người còn lại dùng rựa chặt cây tháo dây cáp; mọi thao tác diễn ra nhanh chóng trong khoảng 3 phút.
Trong chuyến tuần tra vào ngày 9/10/2018, Loong Mát cùng các đồng nghiệp cũng giải cứu được một con mang Trường Sơn khác, nặng hơn 15 kg Sau khi nhổ một ít lông lấy mẫu lưu giữ, phục vụ nghiên cứu, họ để con thú chạy vào rừng.
"Đau đớn nhất là những lần phát hiện bẫy và thấy con thú đã chết, có con do mắc bẫy lâu ngày chỉ còn bộ xương", Ploong Mát chia sẻ.
Anh Blúp Cam, 29 tuổi, cũng là thành viên Tổ tuần tra quản lý bảo vệ rừng, cho hay, sinh ra và lớn lên ở rừng núi, từ nhỏ anh được người lớn truyền dạy nghề săn bắt thú rừng.Theo tập quán của người dân địa phương, việc họ vào rừng đặt bẫy nhưng bị người khác phá bẫy hay giải thoát thú là một điều kiêng cữ.
Người dân quan niệm rằng, việc tháo bẫy là có tội với thần rừng, bởi từ bao đời nay họ sống nhờ thần rừng giúp đỡ. Thú rừng là nguồn thực phẩm cho gia đình và cộng đồng.
Những ngày đầu vào làm việc Tổ tuần tra quản lý bảo vệ rừng, Blúp Cam bị dân làng ghét bỏ. Nhiều lần người dân đặt bẫy và sau đó bị Tổ tuần tra phá bỏ, họ tìm đến nhà Blúp Cam đổ tội. Lần khác trong làng có người chết, họ nói do Blúp Cam và các thành viên Tổ tuần tra chặt bẫy, thả thú nên "ma rừng về bắt".
"Người dân không thích việc phá bẫy, thả thú nhưng theo thời gian chúng tôi kiên trì giải thích nên bà con dần thay đổi quan niệm, nhất là những người trẻ", Blúp Cam nói.
Gần đây, khu bảo tồn giao khoán người dân bảo vệ rừng và hỗ trợ tạo sinh kế từ rừng để hưởng lợi. Những người này có nguồn thu nhập ổn định, nhận thức được sự cần thiết của việc bảo tồn động vật quý hiếm nên số người vào rừng đặt bẫy ít dần.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam, cho hay "so với các năm trước, tình trạng đặt bẫy đã giảm rất nhiều, tuy nhiên chưa chấm dứt hẳn".
Ngoài ngoài việc thường xuyên tuần tra phá bẫy, giải cứu thú rừng, khu bảo tồn còn liên tục tuyên truyền và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng. "Chúng tôi kiên trì áp dụng nhiều biện pháp để thay đổi tập quán sắn bắt động vật hoang dã của người dân địa phương", ông Sơn nói.
Mỗi năm khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam tổ chức gần 170 đợt tuần tra và phá hủy hàng ngàn chiếc bẫy thú, hàng chục lán trại và đẩy đuổi nhiều lượt người vào rừng trái phép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét