Nhiều thị trưởng Mỹ công bố lệnh giới nghiêm, trong khi 7 bang yêu cầu Vệ binh Quốc gia tiếp viện khi các cuộc biểu tình ngày càng phức tạp.
Bang Georgia, Kentucky, Wisconsin, Colorado, Ohio và Utah hôm 30/5 cùng chính quyền bang Minnesota kêu gọi lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ trong bối cảnh các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết, ngày càng lan rộng và trở nên bạo lực.
Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear kêu gọi Vệ binh Quốc gia triển khai lực lượng giúp "gìn giữ hòa bình" tại Louisville, nơi người biểu tình khơi lại cái chết của Breonna Taylor, người bị cảnh sát đột kích vào nhà riêng và bắn chết hồi tháng 3.
Thống đốc bang Georgia Brian Kemp cho biết ông sẽ ủy quyền triển khai lực lượng cho Vệ binh Quốc gia Georgia để bảo vệ người và tài sản ở Atlanta. Thị trưởng Atlanta cho biết những kẻ biểu tình phá hoại trụ sở kênh CNN và đốt cháy xe cảnh sát khiến thành phố thất vọng.
Tại Wisconsin, Thống đốc Tony Evers cho hay ông đã ủy quyền cho ít nhất 125 thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia tới thành phố Milwaukee hỗ trợ cảnh sát cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Thống đốc Colorado Jared Polis đã chấp thuận yêu cầu cử Vệ binh Quốc gia tới chi viện của thị trưởng Denver. Trong khi đó, Thống đốc Ohio Mike DeWine cũng tuyên bố ông đã kích hoạt lực lượng này của bang.
"Thật đáng buồn, một nhóm người tương đối nhỏ nhưng hung bạo đang gây ra mối đe dọa cho các nhân viên thực thi pháp luật và sự an toàn của người dân ở hạt Columbus và Franklin", DeWine đăng trên Twitter. "Phần lớn người biểu tình muốn được lắng nghe. Họ muốn gây chú ý tới cái chết bi thảm của George Floyd và những bất công khác".
Thống đốc bang Utah Gary Herbert đăng trên Twitter rằng các thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ giúp kiểm soát tình hình leo thang ở trung tâm thành phố Salt Lake.
Lầu Năm Góc cũng đã đề nghị các binh sĩ thực hiện nhiệm vụ tích cực hỗ trợ tại bang Minnesota, nơi hàng nghìn thành viên thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai.
Trước tình trạng bất ổn do biểu tình lan rộng khắp các thành phố Mỹ, nhiều thị trưởng cũng ban hành lệnh giới nghiêm nhằm ngăn người dân đổ ra đường.
Lệnh giới nghiêm từ 20h đến 6h hôm sau vẫn tiếp tục ở Minneapolis và St. Paul. Trong khi đó, thị trưởng Louisville Greg Fischer cho biết ông đang áp giới nghiêm từ 21h đến 6h30 hôm sau, sau khi thành phố trải qua hai đêm hỗn loạn vì biểu tình.
Thị trưởng Cincinnati, ông John Cranley, tuyên bố lệnh giới nghiêm từ 22h đến 6h hôm sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực và hai cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ. Ted Wheeler, thị trưởng Portland, cũng đưa ra động thái tương tự khi các cuộc tuần hành ôn hòa trong thành phố biến thành bạo lực.
Milwaukee và Atlanta đều áp giới nghiêm từ 21h để ngăn người biểu tình đổ xuống đường. Thị trưởng Denver Michael Hancock cũng tuyên bố thành phố sẽ áp giới nghiêm từ 20h.
Lệnh giới nghiêm từ 22h đến 6h hôm sau được thị trưởng Columbus Andrew Ginther chấp thuận. Ginther cho biết chính quyền tôn trọng và hoan nghênh quyền biểu tình của người dân, thêm rằng lệnh giới nghiêm không ảnh hưởng tới các cuộc tuần hành ôn hòa mà nhằm bảo vệ người dân.
Các khu vực của Columbia, bao gồm cả trung tâm thành phố, áp giới nghiêm từ 18h và dự kiến kết thúc lệnh này vào đầu tuần sau. Người vi phạm có thể bị phạt 500 USD và ngồi tù 30 ngày.
Chính quyền Los Angeles áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm sau khi cảnh sát báo cáo hàng trăm người tham gia biểu tình tối 29/5 đã bị bắt. Các cuộc biểu tình tại thành phố dự kiến diễn biến phức tạp hơn vào cuối tuần.
Chính quyền Philadelphia, Rochester và Seattle cũng quyết định áp giới nghiêm qua đêm khi các cuộc biểu tình trong khu vực ngày càng diễn biến phức tạp và trở nên bạo lực.
Biểu tình đòi công lý cho Floyd xuất phát từ Minneapolis, sau đó lan khắp nước Mỹ. Ban đầu, công chúng phẫn nộ vì cơ quan công tố chưa truy tố 4 cảnh sát liên quan đến cái chết của Floyd. Tuy nhiên, khi Derek Chauvin, cảnh sát ghì đầu gối lên cổ Floyd, bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường và đòi công bằng cho những bất công và cái chết của người da màu khác.
Ngọc Ánh (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét