Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Lạm phát kỷ lục giáng đòn vào nông dân Mỹ

Giá phân bón, nhiên liệu tăng cao trong bối cảnh lạm phát vọt lên mức chưa từng thấy đang gây áp lực nặng nề với nông dân Mỹ.

Bộ Lao động Mỹ ngày 12/4 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 8,5% trong vòng một năm, tính tới cuối tháng 3. Đây là mức lạm phát cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12/1981.

Theo Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA), giá xăng dầu trung bình tăng hơn 2 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón cũng tăng 42% kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, buộc nông dân Mỹ phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí.

Craig Robertson, Steve Dombrowski và Nick Vowles đều là những nông dân ở bang Illinois, khu vực có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn thứ 5 Mỹ. Khi bắt đầu tiếp quản công việc làm nông của gia đình, họ coi đó là "giấc mơ Mỹ", song chúng giờ đây lại trở thành gánh nặng lớn.

"Mọi người chỉ thấy giá thực phẩm tăng cao và cho rằng nông dân đang phất lên", Robertson, người chuyên trồng đậu nành, lúa mì và ngô, cho biết. "Nhưng điều đó không đúng chút nào. Tôi chưa bao giờ thấy tình cảnh tệ như hiện nay".

Tom Tiffany, nghị sĩ bang Wisconsin, người lớn lên trong một trang trại, cho biết lạm phát kỷ lục đang giáng đòn mạnh lên nền kinh tế, trong đó nông dân là một trong những nhóm người phải hứng chịu hậu quả tồi tệ nhất.

Nông dân thu hoạch tại trang trại ở làng Pecatonica, bang Illinois, Mỹ, ngày 25/7/2018. Ảnh: Reuters.

Nông dân làm việc tại trang trại ở Pecatonica, bang Illinois, Mỹ, ngày 25/7/2018. Ảnh: Reuters.

"Giá năng lượng tăng ảnh hưởng nặng nề đến nông dân từ đủ mọi góc độ, từ dầu diesel đến phân bón, những thứ rất quan trọng trong sản xuất", ông Tiffany nói. "Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp thực phẩm cho thế giới của Mỹ."

Theo Macro Trends, giá ngô tăng 11% và lúa mì tăng 13% kể từ xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, cùng đó là nhu cầu lúa mì tăng vọt do nguồn cung từ Nga và Ukraine tê liệt. Tuy nhiên, nông dân Mỹ rất khó tăng sản lượng để bù đắp nguồn thiếu hụt này.

"Chúng tôi rất khó tiết kiệm nhiên liệu bằng cách thay đổi kỹ thuật canh tác", Dombroski, nông dân ở Illinois, nói. "Người Mỹ sẽ còn phải vật lộn đến đâu để có đủ tiền mua đồ thiết yếu? Tình hình sẽ vô cùng khó khăn cho chúng tôi".

Vowles, người cùng làm nông với Dombroski, cho hay trồng trọt, chăn nuôi từng là nghề hấp dẫn ở Mỹ, nhưng công việc kinh doanh của họ đang chết dần chết mòn vì lạm phát leo thang và niềm vui làm nông giờ đây mất dần.

"Trước đây, chúng tôi dành 12-16 giờ làm việc với máy kéo trên đồng và thực sự yêu thích những gì mình làm", ông Vowles chia sẻ. "Giờ là những lo lắng về cách giảm chi phí mỗi lần thu hoạch ngô".

Rachel Schroeder, người sở hữu một trang trại bò sữa quy mô nhỏ tại hạt Jefferson, bang Wisconsin, Mỹ, nói rằng khoảng thời gian 5 năm qua đặc biệt căng thẳng.

"Biên lợi nhuận của chúng tôi luôn rất eo hẹp", Schroeder chia sẻ. "Hàng năm, chúng tôi luôn ngồi lại xem liệu có phải đóng cửa hoạt động sản xuất bơ sữa hay không".

Mặc dù trang trại của Schroeder có lãi năm 2021 bất chấp đại dịch, bà cho hay lợi nhuận này là do các khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ. Bà nói rằng những khoản trợ cấp như vậy là một phần nguyên nhân của lạm phát.

Tony Kurtz, nghị sĩ bang Wisconsin, cho hay chi phí tăng đang triệt tiêu khả năng tài chính của các trang trại quy mô nhỏ. Giá dầu diesel năm 2021 là 2,49 USD/gallon, cao hơn nhiều so với mức 1,68 USD/gallon năm 2019. Đến năm nay, tình hình trở nên tồi tệ hơn.

"Gần đây, tôi đã phải trả 4,05 USD/gallon cho dầu diesel. Mức giá cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến mọi nông dân trên toàn bang", Kurtz nói.

Nông dân thu hoạch tại trang trại ở làng Pecatonica, bang Illinois, Mỹ, ngày 25/7/2018. Ảnh: Reuters.

Nông dân tại trang trại ở Pecatonica, bang Illinois, Mỹ, ngày 25/7/2018. Ảnh: Reuters.

Nông dân trên khắp nước Mỹ đang chuẩn bị cho vụ mùa năm 2022. Bà Schroeder đã quyết định bón phân tại trang trại của mình vào mùa thu năm ngoái, do lo ngại xảy ra tình trạng thiếu phân bón. "Chúng tôi làm vậy để đảm bảo có chút gì đó trong đất khi vào mùa canh tác năm nay, do không thể chắc chắn về nguồn cung", Schroeder nói.

Kurtz cũng cho biết ông mua phân kali với giá 773 USD/tấn vào năm 2021. "Khi hỏi mua hôm nay, tôi sốc nặng khi biết giá phân kali đã tăng lên mức 1.425 USD/tấn", ông nói. "Do xung đột Nga - Ukraine, chúng tôi nên sản xuất càng nhiều nông sản càng tốt, nhưng lực bất tòng tâm do lạm phát cao".

Joe Bragger, nông dân nuôi bò sữa ở hạt Buffalo, bang Wisconsin, nói rằng mặc dù giá hàng hóa và sữa cao hơn, ông tin rằng điều này không bền vững.

"Đúng là giá sữa đang tăng, nhưng chi phí vận chuyển sữa đến thị trấn cũng đã tăng lên 60.000 USD/năm, trong khi trước đây chỉ là 4.500 USD", Bragger cho biết.

Theo ông, nông dân Mỹ cũng là nạn nhân của lạm phát và không nên bị đổ lỗi khi giá lương thực leo thang. "Chúng tôi cũng đang phải vật lộn kiếm sống mỗi ngày như mọi người", Bragger chia sẻ.

Đức Trung (Theo Wisfarmer/NewsNation)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét