Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Người Hàn đói ngủ

Cấp trên của Ji-Eun thường xuyên gọi điện giao việc lúc nửa đêm và yêu cầu hoàn thành lập tức, khiến cô nhiều hôm ở lại văn phòng đến 3h sáng.

Vào những ngày không quá bận rộn, Ji-Eun, 29 tuổi, nhân viên quan hệ công chúng ở Seoul, thường làm việc từ 7h đến khoảng 22h. "Tôi gần như quên mất cách thư giãn", Ji-Eun chia sẻ, đồng thời cho biết cô gặp vấn đề về giấc ngủ.

Ji-hyeon Lee, bác sĩ tâm thần tại Phòng khám Giấc ngủ ở quận Gangnam, đông nam Seoul, thủ đô Hàn Quốc, cho biết bà thường gặp những bệnh nhân phải uống tới 20 viên thuốc ngủ mỗi đêm. "Để đi vào giấc ngủ, chúng ta thường cần một khoảng thời gian, song người Hàn muốn ngủ thật nhanh nên họ đã chọn cách uống thuốc", bác sĩ Lee nói.

Người dân Hàn Quốc trên một chuyến xe buýt ở Seoul năm 2018. Ảnh: AFP.

Người dân Hàn Quốc trên một chuyến xe buýt ở Seoul năm 2018. Ảnh: AFP.

Tình trạng người dân nghiện thuốc ngủ dần trở thành một vấn nạn lớn tại quốc gia này. Ước tính khoảng 100.000 người Hàn nghiện thuốc ngủ. Trong trường hợp vẫn không thể ngủ được, họ thường sử dụng rượu uống kèm thuốc, dẫn tới những hậu quả nguy hiểm.

"Nhiều người mắc chứng mộng du, họ mở tủ lạnh và ăn uống trong vô thức, gồm cả thực phẩm chưa qua chế biến", bác sĩ Lee cho biết. "Tại trung tâm Seoul đã xảy tai nạn xe hơi do một bệnh nhân mộng du gây ra".

Bác sĩ Lee đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mất ngủ mãn tính, có những người ngủ không quá vài giờ mỗi đêm trong hàng thập kỷ. ''Họ khóc, song vẫn ôm hy vọng cải thiện giấc ngủ khi tới phòng khám", Lee nói. "Thực sự đáng buồn".

Người dân đi dạo tại suối Cheonggyecheon, trung tâm Seoul, thủ đô Hàn Quốc ngày 28/2. Ảnh: AP.

Người dân đi dạo tại suối Cheonggyecheon, trung tâm Seoul, thủ đô Hàn Quốc ngày 28/2. Ảnh: AP.

Người Hàn Quốc là một trong những nhóm dân thiếu ngủ nhất thế giới. Nước này cũng ghi nhận tỷ lệ tự tử cao nhất, lượng rượu mạnh tiêu thụ cao nhất trong số các quốc gia phát triển, cùng với đó là lượng lớn người dân sử dụng thuốc chống trầm cảm.

Chỉ trong vài thập kỷ, Hàn Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nước công nghệ phát triển hàng đầu. Không có nhiều tài nguyên, Hàn Quốc chuyển mình thông qua tinh thần cống hiến tuyệt đối của người dân, cùng chủ nghĩa dân tộc tập thể thúc đẩy họ làm việc nhanh hơn, chăm chỉ hơn.

Điều này dẫn tới vấn nạn người Hàn làm việc quá sức, căng thẳng và thiếu ngủ. Từ thực trạng đó, ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ phát triển mạnh ở nước này, ước tính trị giá 2,5 tỷ USD năm 2019.

Tại Seoul, hệ thống các siêu thị bách hóa đều ưu ái trưng bày các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ, từ đệm hoàn hảo cho tới gối tối ưu. Các nhà thuốc tại Seoul cũng cung cấp đầy đủ các loại thuốc bổ, thuốc ngủ từ thảo dược.

Quốc gia này cũng phát triển các phương pháp công nghệ nhằm điều trị chứng mất ngủ. Năm 2019, Daniel Tudor, nhà báo người Anh sống tại Seoul, Hàn Quốc, đã cho ra mắt Kokkiri, một ứng dụng thiền, nhằm giúp đỡ những người trẻ Hàn đang gặp vấn đề với giấc ngủ.

Hàn Quốc trong lịch sử là một quốc gia Phật giáo, song giới trẻ nước này coi thiền là thú tiêu khiển của người cao tuổi, không phù hợp với nhân viên văn phòng. Daniel cho biết anh phải mô tả thiền như một ý tưởng từ phương Tây nhằm thu hút giới trẻ Hàn.

Người Hàn Quốc và người nước ngoài tham gia một khóa thiền ngắn hạn tại chùa Donghwa, tỉnh Gyeongsangbuk, đông nam Hàn Quốc, ngày 5/4. Ảnh: Templestay.

Người Hàn Quốc và người nước ngoài tham gia một khóa thiền ngắn hạn tại chùa Donghwa, tỉnh Gyeongsangbuk, đông nam Hàn Quốc, ngày 5/4. Ảnh: Templestay.

Các tổ chức truyền thống khác cũng hưởng ứng. Sư cô Hyerang Sunim là người điều hành chương trình Temple Stay ở ngoại ô Seoul, nơi cung cấp những khóa tu ngắn hạn dành cho người thiếu ngủ tham gia thiền định và tiếp thu giáo lý đạo Phật.

Các phong trào này trước đây chỉ dành cho nhóm trung niên về hưu, song hiện thu hút nhóm dân trẻ hơn trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, những ngôi chùa này cũng hứng một số lời chỉ trích đang "kiếm lời từ tôn giáo".

"Tất nhiên có những lo ngại, song tôi cho rằng lợi ích đem lại cho mọi người lớn hơn", bà Sunim cho biết.

Lee Hye-ri, người tham dự một khóa tu Phật giáo, cho biết cô học được cách chịu trách nhiệm về tình trạng căng thẳng của mình. Cô tìm đến khóa tu do áp lực công việc. ''Mọi vấn đề đều bắt đầu từ tôi", Hye-ri nói. "Tôi học được điều đó ở đây''.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không nên coi thiếu ngủ là vấn đề cá nhân. Họ tin rằng gốc rễ tình trạng này nằm ở một xã hội áp lực, nơi văn hóa làm việc không hợp lý.

Nhóm này chỉ trích cách tiếp cận trên là hành động đổ lỗi cho nạn nhân, đồng thời khẳng định giải pháp nằm ở công tác cải cách xã hội, trong khi phong trào thiền định chỉ chạm đến lớp vỏ ngoài.

Ji-Eun đã quyết định nghỉ việc do mất ngủ và căng thẳng kéo dài. Cô hiện làm nghề tự do với khung thời gian hợp lý hơn. Cô cũng tìm tới phòng khám của bác sĩ Lee nhằm kiểm soát chứng mất ngủ.

"Làm việc cật lực và coi nó như một phần của văn hóa để làm gì cơ chứ", Ji-Eun đặt câu hỏi. "Chúng ta lẽ ra cần có thời gian nghỉ ngơi".

Đức Trung (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét