Vay nước ngoài quá mức cho các dự án hạ tầng mà không có nguồn thu hợp lý để trả nợ được cho là nguyên nhân đẩy Sri Lanka vào khủng hoảng.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948, Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD.
"Chúng tôi đã mất khả năng trả nợ nước ngoài", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka Nandalal Weerasinghe nói với các phóng viên tại thủ đô Colombo về tuyên bố vỡ nợ.
Việc đình chỉ các khoản thanh toán nợ nước ngoài là biện pháp cuối cùng đối với Sri Lanka trong khi họ đang cố gắng tiết kiệm tiền mặt cho các nguồn cung ứng khẩn cấp như nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men hay những mặt hàng thiết yếu khác. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay của Sri Lanka xuất phát từ những khoản vay hào phóng từ bên ngoài cùng chính sách quản lý sai lầm.
Sau khi giành được độc lập từ người Anh vào năm 1948, Sri Lanka chú trọng phát triển nông nghiệp, chủ yếu hướng đến phát triển các cây trồng phục vụ xuất khẩu như chè, cà phê, cao su và gia vị. Một phần lớn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Sri Lanka đến từ ngoại hối thu được từ hoạt động xuất khẩu các loại cây trồng này. Số tiền đó được dùng để nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Chè là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Sri Lanka. Nước này trở thành quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới vào năm 1995, với 23% thị phần toàn cầu. Ngành trồng chè mang về nguồn thu 1,3 tỷ USD trong năm 2021, theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Sri Lanka Jayampathy Molligoda.
Đầu thập niên 2000, Sri Lanka bắt đầu phát triển các ngành chế biến lương thực, dệt may, viễn thông. Quốc đảo cũng thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc và thu hút ngoại tệ từ du lịch và kiều hối. Doanh thu từ xuất khẩu hàng dệt may của Sri Lanka năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2004, chính phủ mới của Liên minh Tự do Thống nhất Nhân dân đã tiến hành Chương trình kinh tế Rata Perata, với mục tiêu bảo vệ nền kinh tế trước các tác động bên ngoài như giá dầu.
Để thực hiện chương trình trợ cấp, chính phủ Sri Lanka phải chi ngân sách nhập khẩu hầu hết nhiên liệu và các sản phẩm thiết yếu khác. Gánh nặng trợ cấp lớn đến mức chính phủ đã phải in thêm 65 tỷ rupee (650 triệu USD), khiến lạm phát tăng tới 18% vào năm 2005.
Do quá phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản và sản phẩm dệt may, bất cứ tác động tiêu cực nào trong lĩnh vực này cũng sẽ tạo ra cú sốc với kinh tế Sri Lanka và khiến dự trữ ngoại hối rơi vào tình trạng căng thẳng, Jo Adetunji, bình luận viên về kinh tế của Conversation, cho hay.
Tình trạng đó khiến Sri Lanka thường xuyên gặp khủng hoảng cán cân thanh toán và buộc phải dựa vào vay bên ngoài để ứng phó. Từ năm 1965, nước này đã nhận 16 khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mỗi khoản vay đều đi kèm các điều kiện như phải giảm thâm hụt ngân sách, duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt trợ cấp của chính phủ đối với lương thực cho người dân và giảm giá đồng tiền, nhờ đó xuất khẩu sẽ bền vững hơn.
Thông thường trong những giai đoạn kinh tế suy thoái, các chính phủ bơm nhiều tiền hơn để kích thích nền kinh tế. Điều này trở nên bất khả thi với Sri Lanka do các điều kiện ràng buộc của IMF. Bất chấp thực tế đó, các khoản cho vay của IMF vẫn tiếp tục được chuyển cho Sri Lanka, khiến khoản nợ ngày càng nhiều.
Khoản vay gần đây nhất của IMF cho Sri Lanka là vào năm 2016, giúp nước này nhận 1,5 tỷ USD trong ba năm tiếp theo. Các điều kiện không đổi và sức khỏe của nền kinh tế Sri Lanka bắt đầu suy giảm trầm trọng trong giai đoạn này. Tăng trưởng, đầu tư, tiết kiệm và doanh thu đều giảm, trong khi gánh nặng nợ tăng lên.
Không chỉ nhận tiền từ IMF, Sri Lanka còn vay của nhiều nước khác, trong đó Trung Quốc là đối tác hào phóng nhất, với số nợ khoảng 8 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka, theo sau là Nhật Bản và Ấn Độ.
Kể từ năm 2005, chính phủ Sri Lanka liên tục ký các thỏa thuận vay của Trung Quốc để phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng như cảng biển và sân bay. Tuy nhiên, nhiều dự án lại trở thành gánh nặng không thể sinh lời. Trung Quốc còn tham gia vào dự án trị giá 13 tỷ USD phát triển trung tâm kinh tế ven biển ở Colombo và một sân bay tại Hambantota.
Khả năng trả nợ của Sri Lanka đã bị đặt dấu hỏi từ năm 2017, khi nước này chấp nhận cho đối tác Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm vì không thể trả khoản nợ 1,4 tỷ USD vay từ Bắc Kinh để xây dựng cảng.
Theo Times of India, những khoản vay không kèm nhiều điều kiện từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng không có khả năng sinh lời đã góp phần lớn đẩy Sri Lanka vào tình cảnh như hiện nay.
Sri Lanka từ lâu đã phải vật lộn để thanh toán các khoản vay nước ngoài. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với loạt cú sốc kinh tế vào năm 2019. Đầu tiên là loạt vụ đánh bom khủng bố tại các nhà thờ và khách sạn sang trọng ở Colombo vào tháng 4/2019, khiến lượng khách du lịch giảm tới 80%, gây cạn kiệt một nguồn thu ngoại tệ quan trọng.
Cú sốc tiếp theo xảy ra khi chính phủ mới của Tổng thống Gotabhaya Rajapaksa quyết định đồng loạt giảm thuế. Thuế giá trị gia tăng được giảm từ 15% xuống còn 8%. Các loại thuế gián thu khác như thuế xây dựng quốc gia, thuế trả lương và phí dịch vụ kinh tế được bãi bỏ. Thuế doanh nghiệp giảm từ 28% xuống 24%. Khoảng 2% GDP đã bị thất thu do các đợt cắt giảm thuế này.
Tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Sri Lanka, khiến nguồn thu từ du lịch gần như biến mất. Tháng 4/2021, ngăn chặn nguy cơ cạn kiệt dự trữ ngoại hối, chính quyền Rajapaksa lại mắc một sai lầm khác, khi ra lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn phân bón.
Quyết định này giáng đòn mạnh vào nông nghiệp Sri Lanka, đặc biệt là với chè và cao su, hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Sản lượng các mặt hàng này lao dốc, lạm phát gia tăng và Sri Lanka từ một nước tự cung tự cấp gạo đã phải nhập khẩu lương thực chỉ trong 6 tháng.
Dù lệnh cấm nhập khẩu phân bón được rút lại vào tháng 11, chính sách này đã gây ra những hậu quả không thể cứu vãn, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa càng trở nên cấp bách hơn. Do nguồn thu từ xuất khẩu thấp, Sri Lanka có ít tiền hơn để nhập khẩu thực phẩm và tình trạng thiếu lương thực bắt đầu nảy sinh.
Vì thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác trở nên khan hiếm nhưng nhu cầu không giảm, giá của chúng tăng nhanh chóng. Vào tháng 2, lạm phát của Sri Lanka đứng ở mức 17,5%. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka tồi tệ đến mức người dân đang phải tranh giành ngay cả những vật dụng thiết yếu nhất hàng ngày.
Khi Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu, người dân thường xuyên phải chịu cảnh mất điện hơn 12 tiếng mỗi ngày do máy phát không còn dầu diesel để chạy. Bức xúc trong dư luận tăng cao, châm ngòi làn sóng biểu tình leo thang bạo lực suốt thời gian qua, yêu cầu Tổng thống Rajapaksa từ chức.
"Chính phủ của Tổng thống Rajapaksa đáng lẽ nên dẹp bỏ một số dự án hạ tầng do Trung Quốc đầu tư, vốn chịu phí quản lý nợ cao nhưng mức thu lợi nhuận thấp. Họ đáng lẽ nên tăng sản xuất nông nghiệp thay vì ra lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học", Seshadri Chari, nhà phân tích chính sách đối ngoại và chiến lược Ấn Độ, nhận định, thêm rằng ngành du lịch đáng ra nên được Sri Lanka chú trọng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Sri Lanka có khoản thanh toán nợ nước ngoài khoảng 4 tỷ USD đến hạn năm nay, trong đó có cả khoản trái phiếu quốc tế trị giá một tỷ USD đáo hạn vào tháng 7.
Các ước tính cho thấy Sri Lanka cần 7 tỷ USD để trả nợ trong năm nay, trong khi lượng dự trữ ngoại tệ chỉ còn khoảng 1,9 tỷ USD, tính đến cuối tháng 3. Với một quốc gia nặng về nhập khẩu năng lượng, lương thực, hàng hóa thiết yếu và dược phẩm như Sri Lanka, mức dự trữ ngoại tệ thấp như vậy là một cơn ác mộng, Chari nói.
Một số nhà phân tích đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Rajapaksa vì quyết định cắt giảm thuế vào năm 2019 và trì hoãn các cuộc đàm phán thu xếp nợ với IMF, dẫn đến tình cảnh vỡ nợ như hiện nay.
Sri Lanka cũng từng đề nghị Trung Quốc giãn nợ, nhưng không được chấp thuận. Bắc Kinh tuyên bố sẽ "nỗ lực hết mình nhằm hỗ trợ Sri Lanka phát triển kinh tế và xã hội", nhưng không đưa ra bất cứ cam kết nào về điều chỉnh lại các khoản vay.
"Sri Lanka nên tự trách mình khi nhận những khoản vay lớn từ nước ngoài, nhưng bản thân lại không có nền móng kinh tế đủ mạnh và không có phương án trả nợ hợp lý", Antara Ghosal Singh, chuyên gia tại Quỹ Nghiên cứu Observer (ORF) ở New Delhi, nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Conversation, Times of India)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét