Hãng máy bay Trung Quốc cho biết tiêm kích tàng hình J-20 thường xuyên bay tuần tra trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
"J-20 chuyển sang dùng 'quả tim Trung Quốc' và tiêm kích thường tham gia huấn luyện tuần tra chiến đấu trên biển Hoa Đông và tuần tra cảnh giới ở Biển Đông", Ren Yukun, quan chức cấp cao của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cho biết trong cuộc họp ngày 12/4, nhưng nội dung mới được công bố hôm nay.
Tuần tra chiến đấu yêu cầu phi công trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, trong khi tuần tra cảnh giới chủ yếu là để giám sát và phát cảnh báo.
"Quả tim Trung Quốc" là thuật ngữ dùng để chỉ động cơ máy bay do nước này tự sản xuất. Những chiếc J-20 đầu tiên dùng động cơ AL-31F của Nga và WS-10B của Trung Quốc, vốn được thiết kế cho tiêm kích đời trước, khiến mẫu máy bay tàng hình không thể hoạt động hết công suất và hạn chế khả năng cơ động lẫn tàng hình ở tốc độ vượt âm.
Trung Quốc từng tìm cách phát triển động cơ nội địa WS-15 nhưng gặp nhiều lỗi và không qua được khâu đánh giá. Các tiêm kích tàng hình J-20 hiện nay được cho là đang gắn động cơ WS-10C, phiên bản nâng cấp của WS-10.
Bình luận của quan chức AVIC là lần đầu phía Trung Quốc xác nhận J-20 được triển khai tới Bộ Chỉ huy Chiến khu phía Nam, trong đó có khu vực Biển Đông. Trước đó, J-20 được điều tới Bộ Chỉ huy Chiến khu phía Đông của Trung Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động quanh đảo Đài Loan và nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, đại tướng Kenneth Wilsbach hồi tháng 3 cho biết tiêm kích F-35 của nước này từng chạm trán J-20 biển Hoa Đông, song không tiết lộ thời điểm và địa điểm cụ thể.
Tiêm kích J-20 do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô, đơn vị con của AVIC, phát triển từ những năm 1990. Dây chuyền J-20 thứ tư được lắp đặt năm 2019 và bắt đầu sản xuất loạt một năm sau đó. Mỗi dây chuyền có thể sản xuất một tiêm kích J-20 mỗi tháng.
J-20 được cho là có khả năng tấn công chính xác và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Quân đội Trung Quốc biên chế J-20 từ năm 2017.
Trung Quốc chưa công bố số lượng cụ thể tiêm kích J-20 trong biên chế. Một bài viết trên tạp chí Công nghệ Khoa học Quân khí cho biết khoảng 90 chiếc J-20 đã xuất xưởng, đồng thời nhận định quân đội Trung Quốc sẽ cần khoảng 400-500 tiêm kích loại này.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét