Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Những người vật lộn dai dẳng với nCoV

Anh6 tuần sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, Jenny vẫn chưa khỏe hẳn và tin rằng mình mắc Covid-19.

Ngày 16/3, Jenny cũng giống nhiều người khác, bắt đầu chuẩn bị cho việc phong tỏa ở Anh, mua nhu yếu phẩm dự trữ. Cô thấy người đỏ lên, giống như triệu chứng cảm lạnh vài tuần trước.

Tiếp theo, một loạt triệu chứng xuất hiện như sổ mũi, hắt hơi, nhiều đờm. "Khi đó, người ta vẫn bảo sổ mũi và hắt hơi không phải triệu chứng nhiễm  nên tôi không nghĩ mình mắc bệnh", người phụ nữ 33 tuổi nói. "Sau đấy tôi bắt đầu ho".

Cô bắt đầu đau ngực, khó thở, xuất hiện vết bầm tím ở chân, điều mà các bác sĩ Tây Ban Nha cho rằng là dấu hiệu của bệnh.

"Hết triệu chứng này tới triệu chứng khác xuất hiện", Jenny cho biết, nói thêm khi cố nằm trên giường gõ máy tính làm việc, cô bị đau cơ cổ tay.

Một bệnh nhân Covid-19 xuất viện ở Italy. Ảnh: Guardian.

Một bệnh nhân Covid-19 xuất viện ở Italy. Ảnh: Guardian.

Bạn cùng phòng của Jenny cũng ốm, sốt, mất vị giác và khứu giác. Nếu không xét nghiệm, không thể chắc chắn hai người nhiễm nCoV nhưng nhiều khả năng nó là nguyên nhân khiến họ ốm.

Đã 6 tuần từ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, Jenny vẫn luôn cảm thấy kiệt sức. "Tôi vẫn không thấy khá hơn vì vài ngày trước tôi bắt đầu rùng mình như thể cảm lạnh", cô nói.

Jenny không phải trường hợp duy nhất. Fiona Lowenstein, một nhà văn sống ở Mỹ, đồng sáng lập nền tảng truyền thông xã hội Slack dành cho những người từng nhiễm nCoV, đã mất nhiều tuần để hồi phục sau khi nhập viện.

Nhiều thành viên cho hay các triệu chứng xuất hiện trước nhiều tuần như tim đập nhanh, đau đầu, khó thở, mệt mỏi. Trong một cuộc khảo sát nhóm, 89% trong 465 người được hỏi cho biết có các triệu chứng trên từ nặng đến trung bình, 23% xét nghiệm dương tính với nCoV, trung bình 9 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi có kết quả, 28% xét nghiệm âm tính sau 15 ngày, và chỉ 3,5% được nhập viện dù có tới 38% phải đi cấp cứu. Bởi các triệu chứng vẫn kéo dài, nhiều người lo ngại họ có thể làm lây nhiễm ra cộng đồng hay không.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới công bố hồi tháng 2, thời gian hồi phục trung bình của bệnh nhân nCoV nhẹ là hai tuần từ khi xuất hiện triệu chứng và khoảng 3-6 tuần cho ca nặng hoặc nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ca nhẹ vẫn mất nhiều tuần bình phục.

Alice, một phụ nữ Anh, vẫn mệt mỏi hơn 50 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Người phụ nữ 51 tuổi này đã gia nhập nhóm Slack sau khi đọc được bài báo của Lowenstein trên New York Times và thấy mình được "trợ giúp nhiều" khi gia nhập.

Từ 11/3, Alice đã trải qua các triệu chứng mệt mỏi cực độ, đau tức ngực, ho nhưng không sốt. Các triệu chứng khác đến dồn dập và biến mất nhanh như sóng biển, bao gồm ớn lạnh, mất ngủ, tim đập nhanh. "Ngày thứ 8, 9, 10 thật kinh khủng, tôi chỉ có thể tập trung vào hít thở", bà nói.

Tuần thứ 4, Alice thấy đỡ hơn, bắt đầu quay lại làm việc và luyện tập, nhưng mệt mỏi lại tái phát. Cuối cùng, bà đến viện khám. Dù bệnh viện A&E là một trong những nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng Alice không được xét nghiệm nCoV.

"Bệnh cứ như cơn bão. Hôm nay có thể không có triệu chứng, rồi bất ngờ nó lao tới tấn công bạn như phát điên", Alice nói. 

Lauren Nichols, 32 tuổi, người Boston, Mỹ, là thành viên Slack. Cô xét nghiệm dương tính Covid-19 hai lần và vẫn ốm sau hơn 50 ngày xuất hiện triệu chứng đầu tiên. 

"Tôi lo nhất là quá trình hồi phục trong thực tế chưa được làm rõ, bởi từ góc độ y học, hồi phục đơn giản chính là bệnh nhân "không chết" mà không làm rõ được các triệu chứng dai dẳng và đau đớn mà nhiều người trải qua hậu Covid-19", Nichols nói.

"Tôi e rằng các chủ lao động và chính phủ đang vội vàng phục hồi kinh tế mà không để ý tới hàng nghìn người vẫn đang đang đớn và mệt mỏi, không hiểu rằng sẽ gây biến chứng cả về tinh thần và thể chất cho những người vốn đã trong tình trạng dễ tổn thương và không khỏe", bà nói, nhắc tới lo ngại về việc thiếu hỗ trợ cho người đang hồi phục.

Bác sĩ Michael Head, nghiên cứu viên cấp cao về y tế toàn cầu ở đại học Southampton, cho biết không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người hồi phục lâu. 

"Nhiều người thường mất nhiều tuần mới bình phục hoàn toàn sau viêm phổi", ông nói. "Với những ca này, bệnh do virus đã khỏi từ lâu và không có khả năng lây nhiễm".

Tuy nhiên, không rõ tại sao một số người mất thời gian hồi phục lâu hơn người khác. "Chúng tôi biết thời gian bình phục sau viêm phổi thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố tuổi tác và các bệnh nền", Head nói. "Ngoài ra, nhiều người mắc bệnh nền mà không biết như tiểu đường, vì vậy, tình trạng bệnh và thời gian hồi phục của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng".

Khảo sát của nhóm Slack cho thấy hai phần ba số người được hỏi có bệnh nền, chủ yếu là dị ứng theo mùa hoặc hen suyễn. 

Bác sĩ James Gill, giảng viên danh dự khoa lâm sàng đại học Warwick cho hay chưa rõ nguyên nhân những yếu tố trên tác động tới thời gian bình phục của bệnh nhân, nhưng yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò. Một nghiên cứu của đại học King London cho thấy yếu tố gene có thể chiếm một nửa biến thể trong các triệu chứng chính của Covid-19.

Gill cho hay mỗi tuần chỉ gặp 2-3 bệnh nhân mắc triệu chứng kéo dài, nên cho rằng tình trạng này không phổ biến, dù lưu ý nếu không tiến hành xét nghiệm diện rộng để biết ai từng nhiễm nCoV, vẫn không thể biết rõ chặng đường hồi phục thường trải qua những gì.

Nhưng Gill cho biết dữ liệu từ dịch SARS cho thấy gần một phần ba những người nhiễm virus corona vẫn giảm khả năng tập luyện nhiều tháng sau, dù chức năng phổi đã bình thường. Dù nhấn mạnh Covid-19 là bệnh khác, nhưng có thể số lượng tương tự bệnh nhân Covid-19 sẽ mất thời gian lâu để hồi phục.

Ông nói thêm dù các triệu chứng có thể kéo dài, nhưng nếu không sốt thì không có khả năng lây nhiễm, còn ho nên được điều trị cẩn thận. 

Hồi phục sau Covid-19 như một bức tranh đang thành hình, ông nói. "Chúng tôi đang nghiên cứu cách thức người ta hồi phục hàng ngày, hàng tuần. Chúng ta không thể biết được những tác động về lâu dài của nCoV tới khi chúng ta trải qua đủ lâu", ông nói.

Giáo sư David Heymann, trường Đại học Y Nhiệt đới và Vệ sinh London, đồng ý với Gill.

"Bất kỳ loại virus mới nào khởi phát từ động vật lây nhiễm sang người đều gây lo ngại lớn bởi con người chưa có kinh nghiệm đối phó cũng như phản ứng miễn dịch", Heymann nói. "Cách duy nhất để hiểu rõ nó là quan sát trong thời gian dài, bao gồm thời gian bình phục".

Đã có nhiều quan tâm tới những trường hợp mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS) phát sinh sau nhiễm nCoV, Gill cho hay. "Có nhiều người tự hỏi phải chăng số ca mệt mỏi mạn tính tăng lên là hậu quả của Covid-109, chúng tôi không rõ, nhưng đó cũng là một khả năng", ông nói.

Carmine Pariante, giáo sư tâm thần học, Đại học King London, đồng ý rằng có thể sẽ có thêm nhiều người mắc hội chứng CFS.

"Chúng tôi không biết nó là hậu quả của Covid-19 hay không bởi không đủ dữ liệu", ông nói. "Nhưng xét về mặt phản ứng miễn dịch và các triệu chứng mệt mỏi cấp tính rất phổ biến, khiến chúng tôi cho rằng Covid-19 có thể là một trong những nguyên nhân".

Theo Gill, điều quan trọng là những người đã nhiễm nCoV và nghi ngờ nhiễm, được tiếp cận với các nhà vật lý trị liệu và tư vấn dinh dưỡng, khuyến nghị cách phục hồi như uống nhiều nước, tập hít thở. 

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là dành thời gian nghỉ ngơi. "Nếu bạn nhiễm nCoV và bị ốm, thể đứng dậy hoạt động bình thường, bạn cần nghỉ ngơi. Và khi cần quay lại làm việc hay làm bất kỳ việc gì, cần tiến hành từng bước thận trọng", ông khuyên.

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét