Hai oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer thực hiện chuyến bay dài 32 tiếng từ bang Nam Dakota, Mỹ, đến Biển Đông rồi trở về căn cứ.
"Chiến dịch này thể hiện khả năng triển khai lực lượng linh động của không quân Mỹ, phù hợp với mục tiêu thể hiện sự hiện diện thường trực của oanh tạc cơ chiến lược theo Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, cũng như cho thấy cam kết với các đồng minh và đối tác", không quân Mỹ ra thông cáo hôm 30/4.
Đây là lần thứ hai không quân Mỹ điều oanh tạc cơ chiến lược B-1B từ căn cứ ở Bắc Mỹ đến châu Á - Thái Bình Dương trong một tuần qua. Một chiếc Lancer hôm 24/4 đã bay 30 tiếng liên tục từ bang Nam Dakota đến Nhật Bản để hội quân với tiêm kích đóng quân tại nước này.
Các động thái diễn ra không lâu sau khi Mỹ rút toàn bộ oanh tạc cơ khỏi sân bay Andersen trên đảo Guam nhưng không điều phi cơ thay thế, kết thúc nhiệm vụ mang tên "Duy trì hiện diện Oanh tạc cơ Liên tục" từ năm 2004. Chiến lược Phòng thủ Quốc gia mới đề cao phương án "Triển khai Lực lượng Linh hoạt", trong đó các quyết định triển khai lực lượng được Lầu Năm Góc đưa ra chớp nhoáng và không báo trước để gây bất ngờ cho đối phương.
Mỹ gần đây triển khai nhiều tàu chiến trên Biển Đông nhằm thể hiện sự hiện diện. Biên đội ba chiến hạm do tàu đổ bộ tấn công USS America dẫn đầu hôm 18/4 diễn tập cùng tàu hộ vệ Australia ở nam Biển Đông, gần nơi Trung Quốc triển khai tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 ngoài khơi bờ biển Malaysia.
Tàu khu trục USS Barry hôm 28/4 tiến hành chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Quan chức Mỹ giấu tên hôm 29/4 cho biết tuần dương hạm USS Bunker Hill đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven, một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo.
Trung Quốc gần đây tăng cường các hành động phi pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 18/4 nước này thông báo thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "thành phố Tam Sa". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam cũng nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đe dọa hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Hồi cuối tháng 3, Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Mọi việc làm của nước khác tại hai quần đảo này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Vũ Anh (Theo Sputnik)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét