Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Lo phong tỏa, người Trung Quốc vét sạch siêu thị

Người dân khắp Trung Quốc đổ xô tới siêu thị mua hàng hóa tích trữ vì lo ngại rơi vào cảnh phong tỏa tương tự Thượng Hải.

Tại Bắc Kinh, nơi một số quận đang phong tỏa vài tuần gần đây vì Covid-19, siêu thị ở một số khu vực trong thành phố đã bán hết giấy toilet, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền và gạo suốt vài ngày nay.

Túi đựng thực phẩm trước một siêu thị ở Quảng Châu. Ảnh: SCMP

Những gói hàng thực phẩm trước một siêu thị ở Quảng Châu. Ảnh: SCMP

Ở Tô Châu, trung tâm công nghiệp cách Thượng Hải khoảng hai tiếng lái xe về phía tây, người dân đổ xô tới siêu thị, chất đầy lên xe đẩy mì ăn liền và nhiều loại thực phẩm khác sáng 12/4, vài giờ sau khi giới chức địa phương thông báo sẽ xét nghiệm theo từng quận ở một khu vực trong thành phố.

Tô Châu phát hiện ca Covid-19 từ cuối tháng 3 và tới chiều 12/4 đã ghi nhận 31 ca nhiễm, đa phần liên quan tới đợt bùng phát ở Thượng Hải. "Cả thành phố đang tích trữ đồ ăn đấy à?", một người dân Tô Châu hỏi trên mạng xã hội sau khi không mua được hàng trong siêu thị hôm 12/4.

Khi các đợt bùng phát biến chủng Omicron đang diễn ra khắp đất nước, người dân đổ xô tích trữ hàng hóa vì lo ngại rơi vào cảnh phong tỏa nghiêm ngặt như Thượng Hải. Nhiều người ở Thượng Hải đã phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực, khi người dân phải ở nhà và các dịch vụ giao hàng bị quá tải.

Công nhân lắp ráp khu cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trung tâm triển lãm ở Quảng Châu hôm 11/4. Ảnh: AFP

Công nhân lắp ráp khu cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trung tâm triển lãm ở Quảng Châu hôm 11/4. Ảnh: AFP

Trên mạng xã hội Weibo, người dân chia sẻ danh sách cần tích trữ gồm bò viên đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, kem đánh răng và thức ăn cho thú cưng. Một số người dạy cách trồng rau tại nhà và đông lạnh đậu phụ.

Zhao Yuxi, 32 tuổi, người dân Bắc Kinh, bắt đầu tích trữ đồ ăn cho mèo từ đầu tuần trước, khi tình hình ở Thượng Hải ngày một nghiêm trọng. Sau đó, cô chuyển sang tích trữ bánh bao, bánh chẻo và gạo.

Trước đó, Zhao đã lên mạng xã hội tải danh sách những thứ cần thiết và mua thêm giấy vệ sinh, dầu gội đầu, hạt diêm mạch, gạo đen và hạt kê. "Đây chỉ là biện pháp phòng ngừa", Zhao nói, cho hay ba người bạn sống gần đó vừa mắc kẹt vì lệnh phong tỏa cục bộ ở Bắc Kinh.

Zhao tỉnh giấc vì gặp ác mộng hôm 12/4, mơ thấy mình không còn đồ để ăn. Cô đặt một máy lọc nước lúc 3h trước khi ngủ tiếp.

Tại Quảng Châu, thành phố công nghiệp lớn ở miền nam Trung Quốc, video người phụ nữ đứng trong bếp giữa một loạt hộp xốp đựng rau cải bó xôi, bắp cải và thịt lợn thu hút hơn 250.000 lượt xem. Người phụ nữ mắng con gái vì chê mẹ lo lắng thái quá và trích một câu trong Binh pháp Tôn tử "trước khi tham chiến luôn phải chuẩn bị đầy đủ".

Thành phố 18 triệu dân đã cấm ăn uống trong nhà hàng, đóng cửa rạp chiếu phim, chuyển sang học trực tuyến bắt đầu từ 11/4 sau khi phát hiện 11 ca nhiễm cuối tuần trước.

Người dân mua rau củ tại một khu chợ ở Bắc Kinh hôm 14/4. Ảnh: AFP

Người dân mua rau củ tại một khu chợ ở Bắc Kinh hôm 14/4. Ảnh: AFP

Chính phủ Trung Quốc hôm 11/4 kêu gọi các chính quyền địa phương đảm bảo phân phối thuốc và nhu yếu phẩm thông suốt cho người dân, vừa phải đảm bảo công tác chống dịch. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh cần đảm bảo lưu thông năng lượng, nguyên liệu thô và các ngành sản xuất.

Chính quyền địa phương khắp Trung Quốc đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị với hy vọng tránh được thiếu sót đã xảy ra ở Thượng Hải. Quảng Châu thông báo trưng dụng Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế thành bệnh viện dã chiến tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Tô Châu cũng đang xây dựng một bệnh viện dã chiến trong trung tâm hội nghị có sức chứa 800 giường. Chính quyền địa phương không có kế hoạch phong tỏa thành phố dù áp đặt hạn chế nghiêm ngặt với những khu dân cư phát hiện ca nhiễm.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn rất lo lắng. "Dù là nơi bị phong tỏa hay không phong tỏa, các kệ hàng siêu thị cũng trống trơn", một người bình luận trên mạng xã hội.

Hồng Hạnh (Theo WSJ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét