Nga khẳng định đám cháy trên soái hạm Moskva đã được dập tắt và tàu vẫn nổi, toàn bộ thủy thủ đoàn đã được sơ tán đến các tàu khác.
"Không có vụ nổ súng nào. Các vụ nổ kho đạn đã được kiểm soát. Tuần dương hạm Moskva vẫn nổi", Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết trong một tuyên bố, thêm rằng "vũ khí tên lửa chính" của tàu không bị tổn hại và thủy thủ đoàn đã được sơ tán đến các tàu gần đó ở Biển Đen.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết một đám cháy đã dẫn tới vụ nổ trong kho đạn tàu Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, khiến tàu bị hư hại nghiêm trọng. Trong khi đó, Ukraine khẳng định đã dùng tên lửa bắn cháy soái hạm của Nga.
"Các biện pháp đang được tiến hành để kéo tàu vào cảng", Bộ Quốc phòng Nga cho hay, thêm rằng nguyên nhân sự cố đang được điều tra.
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng đám cháy trên soái hạm Moskva vẫn chưa được kiểm soát. Phía Mỹ chưa thể xác nhận nguyên nhân dẫn đến sự cố trên tàu.
Moskva là một trong ba tàu tuần dương hạng nặng mang tên lửa dẫn đường thuộc Đề án 1164 Atlant của Nga. Con tàu là chiến hạm chủ lực của Nga, dẫn đầu lực lượng hải quân tấn công Ukraine từ Biển Đen.
Ukraine cho biết đang mở lại các hành lang nhân đạo qua 9 tuyến đường ở phía đông và phía nam đất nước, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán dân thường khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh sau một ngày tạm dừng vì cáo buộc Nga pháo kích.
"Các hành lang nhân đạo trong khu vực Lugansk sẽ được tiến hành trong điều kiện phía Nga ngừng pháo kích", Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nói.
Nga và Ukraine tiếp tục hoạt động trao đổi tù binh. Phía Ukraine thông báo 30 tù binh đã được trao trả, gồm 5 sĩ quan, 17 quân nhân và 8 dân thường. "30 công dân của chúng tôi sẽ về nhà hôm nay", Phó thủ tướng Vereshchuk thông báo trên mạng xã hội.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo hai phi công quân sự bị lực lượng Nga bắt tháng trước đã được thả, nhưng không cho biết chi tiết quá trình họ trở về. Hai phi công này là Ivan Pepelyashko và Oleksiy Chyzh, bị bắt đầu tháng 3 tại một ngôi làng ở vùng Chernigiv, phía bắc Ukraine.
Hiện chưa rõ liệu các phi công có thuộc nhóm tù binh được trao đổi mà Phó thủ tướng Vereshchuk đã thông báo hay không. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, hai phi công bị giam tại một số địa điểm trước khi được đưa đến khu vực Kursk, miền nam nước Nga, nơi họ bị giam cùng 8 quân nhân Ukraine khác.
Bà Vereshchuk nói rằng Ukraine và Nga đã tiến hành 4 vụ trao đổi tù binh từ khi lực lượng Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Tổng thống Volodymyr Zelensky đầu tuần này đề nghị trao đổi nhà tài phiệt thân Nga Viktor Medvedchuk để lấy những người Ukraine bị Nga bắt, song Moskva từ chối.
Điện Kremlin cho biết điều kiện diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky là khi một thỏa thuận đã sẵn sàng để hai nhà lãnh đạo ký kết. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bác bỏ thông tin ông Putin từ chối gặp ông Zelensky.
"Tổng thống chưa bao giờ từ chối một cuộc gặp như vậy, nhưng các điều kiện thích hợp cần được chuẩn bị, cụ thể là nội dung văn bản sẽ được ký kết", ông Peskov cho hay.
Sau khi rút khỏi miền bắc Ukraine đầu tháng này, Nga đang tái tập trung ở phía đông, dẫn tới nguy cơ xảy ra giao tranh lớn ở vùng Donbass. Nếu kiểm soát được Donbass, nơi lực lượng ly khai thân Nga đang kiểm soát Donetsk và Lugansk, Nga sẽ thiết lập được hành lang vững chắc phía nam, nối từ thành phố cảng Mariupol tới bán đảo Crimea.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 4,7 triệu người Ukraine đã phải chạy trốn khỏi đất nước kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, trong đó gần 2,7 triệu người sang Ba Lan.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (OHCHR) ghi nhận 4.577 trường hợp thương vong dân thường, trong đó 1.964 người chết và 2.613 người bị thương. Cơ quan này cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Huyền Lê (Theo AFP, Guardian, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét