Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Cuộc giải cứu trinh sát cơ Mỹ của tiêm kích Thụy Điển năm 1987

Trinh sát cơ SR-71 Mỹ gặp trục trặc trên vùng trời Baltic tháng 6/1987, được tiêm kích Thụy Điển hộ tống và ngăn chiến đấu cơ Liên Xô tiếp cận.

Hồi tháng 3, Thụy Điển trở thành thành viên liên minh quân sự NATO và chấm dứt chính sách trung lập kéo dài nhiều năm.

Thời Chiến tranh Lạnh, không quân Thụy Điển từng thường xuyên điều động tiêm kích ngăn chặn, giám sát máy bay của cả NATO và Khối Hiệp ước Warsaw tiếp cận không phận nước này, nhằm bảo đảm trạng thái trung lập về quân sự của Stockholm.

Một trong những cuộc chạm trán đáng chú ý nhất diễn ra hồi năm 1987, khi trinh sát cơ siêu thanh SR-71 của Mỹ hỏng động cơ và được các biên đội tiêm kích Saab 37 Viggen của Thụy Điển hộ tống cho đến khi về vùng trời NATO.

Máy bay SR-71 nhìn từ tiêm kích Thụy Điển trong sự việc ngày 29/6/1987. Ảnh: Không quân Thụy Điển

Máy bay SR-71 nhìn từ tiêm kích Thụy Điển trong sự việc ngày 29/6/1987. Ảnh: Không quân Thụy Điển

SR-71 Blackbird là máy bay trinh sát chiến lược có khả năng bay ở độ cao gần 27 km với tốc độ gần 3.700 km/h, được Mỹ đưa vào biên chế năm 1966.

Không quân Mỹ đã triển khai SR-71 đến nhiều khu vực trên thế giới, trong đó hoạt động tại châu Âu được phụ trách bởi đơn vị đóng tại căn cứ Mildenhall của Anh. Phi đội SR-71 tại đây bay theo hành trình cố định được gọi là "Tuyến tốc hành Baltic", cho phép chúng hoạt động trên không phận quốc tế ở biển Baltic và do thám hoạt động của Hạm đội Phương Bắc thuộc hải quân Liên Xô.

Tốc độ và độ cao hành trình lớn cho phép nó miễn nhiễm với mọi hệ thống phòng không trên thế giới khi đó, chỉ một số tiêm kích tốc độ cao của Liên Xô có khả năng tiếp cận loại máy bay này.

Moskva thường sử dụng tiêm kích Su-15, MiG-21 và MiG-23 đóng tại các nước vùng Baltic để truy đuổi SR-71, nhưng mối đe dọa lớn nhất là phi đội chiến đấu cơ hạng nặng MiG-25PD đồn trú ở căn cứ Finow-Eberswalde của Đông Đức.

Trong mỗi cuộc chặn kích, Liên Xô sẽ điều động một chiếc MiG-25 áp sát SR-71 khi nó giảm tốc và rời biển Baltic. Trinh sát cơ Blackbird thường bay ở độ cao 22 km, trong khi MiG-25 sẽ tăng tốc và đạt độ cao 19 km, duy trì khoảng cách chính xác 3 km phía sau mục tiêu trước khi quay về căn cứ. Đây được cho là dấu hiệu mô phỏng MiG-25 đã khóa và bắn hạ SR-71 trong chiến đấu.

Các quốc gia ven Biển Baltic. Đồ họa: SWP

Các quốc gia ven Biển Baltic. Đồ họa: SWP

Ngày 29/6/1987, máy bay SR-71 với kíp lái gồm Duane Noll và Tom Veltri đang bay theo hành trình "Tuyến tốc hành Baltic" thì động cơ bên phải bất ngờ phát nổ. Tổ lái phải giảm tốc, hạ độ cao từ 26 km xuống 8 km, đồng thời chuyển hướng để hạ cánh khẩn cấp tại Tây Đức. Điều này cũng khiến họ phải tiến vào không phận Thụy Điển khi chưa được phép.

Hai tiêm kích đánh chặn JA-37, khi đó đang huấn luyện trên biển Baltic và không mang vũ khí, được điều động đến giám sát chiếc SR-71. Hai tiêm kích AJ-37 làm nhiệm vụ trực ban phòng không cũng được điều động khẩn cấp đến khu vực.

Cùng thời điểm đó, không quân Liên Xô cũng điều động một máy bay MiG-25PD chặn kích, sẵn sàng ép chiếc SR-71 hạ cánh với lời đe dọa sẽ bắn hạ mục tiêu. Khoảng 20 tiêm kích khác cũng xuất kích trong vòng vài phút tiếp theo với nhiệm vụ tương tự.

Tuy nhiên, biên đội JA-37 phát hiện và tiếp cận chiếc SR-71 đầu tiên, sau đó bắt đầu hộ tống máy bay Mỹ qua không phận Thụy Điển. Sự hiện diện của phi đội Viggen trở thành động thái răn đe, ngăn tiêm kích Liên Xô xâm nhập không phận Thụy Điển để truy đuổi máy bay SR-71.

"Chúng tôi không biết bên nào sẽ tìm được mình trước. Nhìn thấy máy bay Thụy Điển hộ tống chúng tôi là sự giải tỏa tuyệt vời. Tôi chắc chắn rằng sự hiện diện của họ khiến những máy bay khác phải giữ khoảng cách và không thể tiến gần đến chúng tôi", Veltri, phi công trên chiếc SR-71, nhớ lại.

Biên đội JA-37 chỉ rời đi khi gần cạn nhiên liệu, sau đó được thế chỗ bởi hai chiếc AJ-37 trang bị vũ khí. Tiêm kích Thụy Điển hộ tống chiếc SR-71 cho đến khi nó tiến vào không phận Đan Mạch, quốc gia thành viên NATO. Máy bay Mỹ sau đó hạ cánh an toàn tại căn cứ Nordholz ở Tây Đức.

4 phi công Thụy Điển được trao huân chương trong buổi lễ ở Stockholm ngày 28/11/2018. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Thụy Điển

4 phi công Thụy Điển được trao huân chương trong buổi lễ ở Stockholm ngày 28/11/2018. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Thụy Điển

Thông tin về cuộc chạm mặt được giữ kín đến ngày 28/11/2018, thời điểm không quân Mỹ tổ chức buổi lễ đặc biệt tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển để trao huân chương cho 4 phi công Viggen đã tham gia nhiệm vụ hộ tống chiếc SR-71 trước đó hơn 30 năm.

"Rất khó để giảm tốc và áp sát chiếc SR-71, bởi khi đó nó bay với tốc độ 550 km/h. Chúng tôi phải vượt lên rồi vòng ngược lại. Tôi tiến gần phía phải buồng lái để tổ lái nhìn thấy huy hiệu không quân Thụy Điển, sau đó duy trì khoảng cách một km phía sau, còn đồng đội của tôi bám sát để chụp ảnh. Thật khó tưởng tượng có lúc được bay gần cỗ máy ấn tượng và tuyệt đẹp như vậy", thiếu tá Lars-Eric Blad, phi công điều khiển tiêm kích AJ-37, nhớ lại.

Vũ Anh (Theo Aviation Geek, National Interest)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét