Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Những tay súng nước ngoài vỡ mộng khi tham chiến ở Ukraine

Một số tay súng ngoại quốc đến Ukraine với suy nghĩ rằng đây là cuộc chiến dễ dàng, khiến họ không kịp thích ứng với thực tế khắc nghiệt và bỏ mạng.

Khi chiến sự Nga - Ukraine mới nổ ra, hàng nghìn người nước ngoài, trong đó phần lớn là cựu binh, đã tới Ukraine đăng ký gia nhập Quân đoàn Quốc tế theo lời kêu gọi của Kiev.

Nhiều người trong số họ từng phục vụ trong quân đội phương Tây, tham chiến ở Iraq, Afghanistan và đã quen với việc chiến đấu với đối phương thua kém về mọi mặt. Họ tin rằng cuộc chiến ở Ukraine cũng sẽ dễ dàng như vậy.

Nhưng khi xung trận, đối mặt với quân đội Nga áp đảo cả về quân số và vũ khí, họ choáng váng và không thể thích nghi với thực tế nghiệt ngã của cuộc xung đột, một cựu binh giấu tên người Mỹ cho biết trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 23/5.

"Nhiều người phương Tây đến Ukraine vì muốn trở thành anh hùng", người này nói. "Họ coi đây là một kỳ nghỉ và không nghĩ mình sẽ bỏ mạng tại Ukraine".

Cựu binh Mỹ cho biết bản thân anh cũng từng có tư tưởng như vậy khi mới bắt đầu chiến đấu tại đây, song điều đó đã nhanh chóng thay đổi. Càng dấn sâu vào cuộc chiến, anh càng hiểu rõ hơn cuộc xung đột này nguy hiểm như thế nào. "Tôi nhiều lần nghĩ rằng mình sẽ chết và đã chấp nhận điều đó", cựu binh này cho hay.

Tình nguyện viên người Anh chiến đấu cho quân đội Ukraine tại thành phố Lviv tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Tình nguyện viên người Anh chiến đấu cho quân đội Ukraine tại thành phố Lviv tháng 3/2022. Ảnh: Reuters

Anh bắt đầu cầm súng cho Ukraine khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2/2022 và rời đất nước này vào tháng 12 cùng năm. Anh đã chiến đấu tại một số mặt trận khốc liệt như Kharkov và Bakhmut, từng đảm nhận vai trò quân y chiến trường cho đơn vị của mình.

Trước đó, cựu binh này từng có thời gian làm lính đánh thuê ở Iraq sau khi rời quân đội Mỹ. "Cường độ giao tranh ở Ukraine cao hơn nhiều", anh nói.

Anh cho biết việc tìm chỗ trú ẩn an toàn ở Ukraine khó hơn so với tại Iraq, do sự xuất hiện dày đặc của các thiết bị bay không người lái (drone) và những cuộc tập kích không ngừng nghỉ bằng đạn pháo, vũ khí tầm xa.

"Bạn vẫn có thể trúng rocket ngay cả khi ở phía sau tiền tuyến hàng km", cựu binh này nói. Điều này không giống các cuộc xung đột ở Trung Đông, nơi mọi người được cho là "tương đối an toàn" khi ẩn náu bên trong các căn cứ quân sự.

Nhiều cựu binh Mỹ khác cũng đưa ra so sánh tương tự về tình hình tại Ukraine. Họ mô tả chiến sự tại đây khốc liệt hơn nhiều cuộc xung đột mà mình từng tham gia.

Một cựu binh có biệt danh Jackie, từng tham chiến ở Afghanistan và Iraq, cuối năm ngoái kể rằng anh không tìm được chỗ nào để nghỉ ngơi khi chiến đấu tại mặt trận Bakhmut. "Chúng tôi có thể ra ngoài nướng thịt, ăn bánh kẹp và uống rượu khi còn ở Iraq", anh cho hay.

Theo cựu binh Mỹ giấu tên, các tay súng phương Tây cần cố gắng học cách thích nghi với tình hình thực tế tại Ukraine nếu họ muốn sống sót.

"Bạn phải sẵn sàng học lại mọi thứ mình từng được dạy, điều tôi nghĩ là một trong những lý do một số binh sĩ Ukraine đang thể hiện rất tốt ngoài kia. Họ vốn không có căn bản nào để cần học lại cả", anh cho hay. "Trong khi đó, rất nhiều người phương Tây đã có định kiến sẵn về cách mọi thứ sẽ diễn ra. Thực tế ở Ukraine thì không như vậy".

Một trung đội gồm toàn người Mỹ, Pháp chiến đấu cho Ukraine trong bức ảnh đăng tháng 7/2022. Ảnh: Kyiv Post

Một trung đội gồm toàn người Mỹ, Pháp chiến đấu cho Ukraine trong bức ảnh đăng tháng 7/2022. Ảnh: Kyiv Post

Việc áp dụng chiến thuật của phương Tây vào xung đột Ukraine đã nhiều lần bị đặt dấu hỏi về tính hiệu quả. Trong giai đoạn đầu của cuộc phản công quy mô lớn hồi mùa hè năm ngoái, quân đội Kiev đã áp dụng chiến thuật xung kích kiểu NATO, phát huy sức cơ động và hỏa lực của xe tăng, thiết giáp hiện đại để đột kích phòng tuyến đối phương, với hy vọng có thể phát triển mũi tiến công sâu hơn.

Tuy nhiên, khi vấp phải bãi mìn dày đặc của Nga, chiến thuật kiểu NATO đã phá sản, hàng loạt xe tăng, thiết giáp bị chặn đứng và phá hủy trước phòng tuyến đối phương. Ukraine hứng chịu tổn thất nặng về nhân lực, khí tài, buộc phải chuyển sang cách đánh truyền thống "chậm mà chắc" để hạn chế thương vong.

Nhiều binh sĩ và chuyên gia cho rằng việc áp dụng phương pháp huấn luyện kiểu NATO cho lính Ukraine là điều không phù hợp và cần phải thay đổi. Một số quốc gia nhận đào tạo lực lượng Ukraine cho biết họ đang điều chỉnh chương trình huấn luyện dựa trên việc học hỏi từ những người lính đã có kinh nghiệm chiến đấu thực tế tại đây.

"Họ cần phải từ bỏ mọi thứ đã học để chiến đấu trong cuộc xung đột", cựu binh người Mỹ nói. "Tuy nhiên, rất nhiều người chưa sẵn sàng làm điều đó".

Không có số liệu chính xác về việc bao nhiêu tay súng nước ngoài đã đến Ukraine tham chiến hoặc thiệt mạng tại đây. Nhiều người chiến đấu trong biên chế Quân đoàn Quốc tế do Kiev thành lập, song cũng có không ít người độc lập tác chiến. Có một số đơn vị tại Ukraine gồm thành viên toàn là cựu chiến binh nước ngoài.

Giới chức Ukraine cho biết khoảng 20.000 tình nguyên viên nước ngoài đã đăng ký gia nhập Quân đoàn Quốc tế, song các chuyên gia ước tính con số thực tế là khoảng 4.000 người. Nhiều tay súng đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 50 công dân Mỹ, theo báo cáo hồi tháng 2 của Task & Purpose.

Một số người sống sót trở về từ Ukraine nói rằng họ bị sử dụng như "tốt thí" để cầm chân đối phương.

Ngoài Ukraine, nhiều người nước ngoài cũng được cho là đang chiến đấu cho Nga trong cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Anh năm ngoái cho biết Moskva đã tuyển "lính đánh thuê" từ các nước láng giềng như Armenia và Kazakhstan, cam kết trả mức lương tháng từ 190.000 ruble (gần 2.000 USD) cùng khoản "lót tay" 495.000 ruble (hơn 5.000 USD), cao hơn nhiều so với mức đãi ngộ trung bình.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cuối tháng 2 xác nhận khoảng 20 công dân nước này bị "mắc kẹt" trong quân đội Nga do bị dịch vụ môi giới lừa đến chiến đấu tại Ukraine.

Wilmer Puello-Mota, cựu binh Mỹ và từng là công chức địa phương tại bang Massachusetts, hồi tháng 4 ký hợp đồng gia nhập lực lượng vũ trang Nga, sau khi đào tẩu vì vướng cáo buộc lưu trữ ảnh khỏa thân của người chưa thành niên.

Phạm Giang (Theo Business Insider)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét