Toan tính cùng lập trường cứng rắn của Thủ tướng Israel Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Sinwar khiến hai bên khó tìm thấy tiếng nói chung về xung đột Gaza.
Cộng đồng quốc tế, khoảng hai triệu dân Dải Gaza và người Israel có thân nhân bị bắt cóc đang mong chờ một thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt xung đột giữa Tel Aviv và nhóm vũ trang Hamas. Tuy nhiên, số phận của thỏa thuận này hiện nằm trong tay lãnh đạo hai bên, gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar.
Các nhà trung gian đàm phán giữa Hamas và Israel cho biết nhiệm vụ của họ trở nên vô cùng khó khăn khi đối mặt với những tính toán và lập trường cứng rắn của cả ông Netanyahu lẫn Sinwar.
Ông Netanyahu hứng chịu nhiều chỉ trích về những thất bại an ninh và tình báo liên quan tới cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ở miền nam Israel hồi tháng 10/2023. Ông thậm chí có thể bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố về tội ác chiến tranh, điều ông bác bỏ vì xem đó là hành vi xâm phạm quyền tự vệ của Israel.
Thủ tướng Netanyahu muốn duy trì hình ảnh một trong những lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất ở Israel. Khảo sát gần đây cho thấy đa số người Israel muốn ông từ chức, song Netanyahu tin cơ hội đảm bảo vị thế đã được cải thiện từ khi bắt đầu cuộc chiến chống Hamas. Nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt xung đột có thể khiến ông đối mặt nguy cơ bị phe diều hâu trong liên minh cầm quyền đẩy khỏi vị trí Thủ tướng, theo giới quan sát.
"Ông ấy có mục tiêu lớn nhất là đảm bảo vị thế chính trị của mình và điều đó có thể quyết định mọi thứ. Thực tế này có nghĩa sẽ không thể có bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào nếu ông ấy còn nắm quyền quyết định", Alon Pinkas, cựu quan chức ngoại giao cấp cao Israel, nói.
Thủ lĩnh Hamas Sinwar, người đã học tiếng Do Thái trong hai thập kỷ ngồi tù ở Israel và được trả tự do trong cuộc trao đổi tù nhân năm 2011, đã lãnh đạo Hamas ở Gaza trong thời kỳ nhóm vũ trang củng cố lực lượng và tăng cường quan hệ với Iran.
Sinwar đã sống sót sau những cuộc bắn phá dữ dội của Tel Aviv suốt hơn 6 tháng qua và Israel tin thủ lĩnh Hamas đang ẩn náu trong mạng lưới đường hầm nằm sâu dưới lòng đất ở Gaza. Sinwar tự tin rằng có thể cầm cự ngay cả khi Israel thực hiện cuộc tấn công vào Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas ở miền nam Gaza, theo các nhà đàm phán Arab.
"Thời gian, địa đạo và con tin khiến Sinwar có cảm giác ông ấy không cần thỏa thuận", Aaron David Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Mỹ, nói.
Sinwar tin ông đã chiến thắng trong cuộc xung đột bằng cách cho thế giới thấy cuộc sống khốn khổ của người Palestine và biến Gaza trở thành tâm điểm nghị sự toàn cầu.
Các nhà đàm phán cho biết mục đích cuối cùng của Yahya Sinwar là đảm bảo hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn, tù nhân Palestin bị giam ở Israel được tự do và đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột, đảm bảo sự sống còn của Hamas. Sinwar dự kiến từ chối bất kỳ thỏa thuận nào không vạch ra con đường đáng tin cậy để kết thúc xung đột.
Nhóm này đang tìm kiếm biện pháp "đảm bảo" quốc tế cho bất kỳ lệnh ngừng bắn nào, một tính toán để bảo vệ sự tồn vong của họ. Mỹ, Qatar và Ai Cập được đề xuất là những bên đảm bảo, song Hamas cho rằng điều này chưa đủ.
Trong các cuộc trao đổi với nhóm hòa giải Ai Cập, thủ lĩnh Hamas chỉ ra thời gian đứng về phía mình và tin càng chờ lâu thì áp lực quốc tế càng gia tăng với Israel. Ông cũng lợi dụng tình trạng nội bộ lục đục trong chính phủ Israel để buộc ông Netanyahu phải từ bỏ quyền lực.
Thiếu tướng Tamir Hayman, cựu lãnh đạo tình báo quân sự Israel và hiện là giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, cho rằng nếu không có thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn, Sinwar sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ việc chờ đợi vòng đàm phán khác, thay vì chấp nhận một thỏa thuận không đảm bảo sự sống còn của chính ông và nhóm Hamas.
"Ưu tiên số một của Hamas hiện giờ là chấm dứt xung đột", ông nói.
Thủ tướng Netanyahu hồi đầu tuần trước cho biết Israel sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine trú ẩn, dù hai bên có đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay không. Ông cho rằng chiến dịch là cần thiết để "xóa sổ" lực lượng còn lại của Hamas.
Trong các cuộc đàm phán với quan chức ở Cairo, phái đoàn Israel cũng rút lại cam kết tổ chức đàm phán về khả năng ngừng bắn lâu dài. Thủ tướng Israel khẳng định không chấp nhận thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, cho rằng ngừng bắn lâu dài sẽ giúp Hamas tồn tại.
Những bình luận của hai lãnh đạo, cùng những vấn đề phát sinh khi đàm phán ở Ai Cập, đã làm lu mờ phần nào sự lạc quan về tương lai thỏa thuận ngừng bắn. Tuần trước, các bên trung gian đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn 40 ngày và Hamas sẽ thả tối đa 33 con tin, trước khi hai bên có thể đàm phán về lệnh đình chiến dài hạn.
Mỹ cùng nhiều nước phương Tây yêu cầu Israel không tiến hành bất kỳ chiến dịch quân sự lớn nào vào Rafah mà không có kế hoạch bảo vệ thường dân đang trú ẩn ở đó. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước thăm Israel và tái khẳng định thỏa thuận ngừng bắn có thể đạt được hay không phụ thuộc vào Hamas.
Osama Hamdan, người phát ngôn của nhóm Hamas đang ở Lebanon, nói rằng đàm phán sẽ chấm dứt nếu Israel mở chiến dịch tấn công Rafah. "Chúng tôi không thương lượng dưới hỏa lực", ông nói trên kênh truyền hình Al-Manar TV ở Lebanonon.
Ồn Netanyahu đối mặt áp lực lớn để đạt thỏa thuận giải cứu 129 con tin đang bị giam ở Gaza. Làn sóng biểu tình trong nước ngày càng lớn khi gia đình các con tin trở nên tuyệt vọng. Một số người thậm chí đã chặn cao tốc Tel Aviv để yêu cầu chính phủ tìm biện pháp giải cứu thân nhân của họ.
Nhiều người cho rằng những phản ứng tích cực của Israel đối với đề xuất ngừng bắn gần nhất chỉ là cách ông Netanyahu câu giờ. Nguồn tin am hiểu về cuộc đàm phán nói các nhà hòa giải cũng tỏ rõ thất vọng khi cảm thấy Thủ tướng Israel dường như từ chối bất kỳ thỏa thuận nào.
"Nếu Sinwar đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn, điều đó có thể sẽ đẩy Thủ tướng Netanyahu vào tình cảnh chính trị khó khăn nhất kể từ khi xung đột bắt đầu và có nguy cơ khiến chính phủ của ông sụp đổ", Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Reuters, FT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét