Nhà Trắng không hài lòng khi Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland thông báo công nhận Palestine, song không bất ngờ vì đã được ba nước châu Âu "xoa dịu" từ trước.
Ba nước châu Âu gồm Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland hôm 22/5 tuyên bố sẽ sẽ chính thức công nhận nhà nước Palestine từ ngày 28/5. Israel nổi giận, lập tức thông báo triệu hồi đại sứ ở ba nước để phản đối, trong khi Mỹ, đồng minh thân cận của Tel Aviv, lại phản ứng kiềm chế hơn nhiều.
Để tránh kịch bản kích động sự phẫn nộ của Mỹ, quan chức ba nước châu Âu trong những tuần qua đã thảo luận với chính quyền Tổng thống Joe Biden về kế hoạch công nhận nhà nước Palestine, theo các quan chức Mỹ và Ireland.
Trong các cuộc trao đổi đó, quan chức chính quyền Biden nói dù họ không đồng tình với động thái của ba nước châu Âu, họ hiểu lý do Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland thực hiện bước đi này bây giờ và "họ dường như chấp nhận nó như điều không thể tránh", quan chức cấp cao Ireland giấu tên nói.
Tổng thống Biden từ lâu ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng ông tin cách tốt nhất để làm điều đó là thông qua đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine, không phải từ sức ép của các quốc gia công nhận nhà nước Palestine.
Việc ba nước châu Âu báo trước với Mỹ về kế hoạch công nhận nhà nước Palestine cho thấy các đồng minh của Washington trên toàn cầu đang cố gắng cân bằng lợi ích chính trị trong nước với mong muốn tránh nguy cơ Trung Đông thêm bất ổn, đồng thời không gây tổn hại quan hệ với Mỹ, đồng minh thân cận hàng đầu của Israel.
Khi xung đột ở Dải Gaza kéo dài, những cuộc thảo luận như vậy càng trở nên quan trọng hơn để giúp không leo thang căng thẳng và duy trì các mối quan hệ, theo giới phân tích.
Một quan chức Mỹ am hiểu về cuộc thảo luận cho hay Washington đã nói rõ với đại diện ba nước châu Âu rằng công nhận nhà nước Palestine sẽ không phải biện pháp hữu ích. Tuy nhiên, Mỹ hy vọng động thái của ba nước không làm gia tăng đáng kể căng thẳng toàn cầu liên quan đến xung đột Gaza.
"Chúng tôi sẽ coi đây là thực tế không thể tránh khỏi đối với nền chính trị của Tây Ban Nha và Ireland, trong khi Na Uy có những lý do đặc biệt theo hiệp định Oslo", quan chức Mỹ giấu tên nói.
Oslo, thủ đô của Na Uy, là nơi các bên ký hiệp định về giải pháp hai nhà nước năm 1993 do Mỹ làm trung gian, trong đó Israel chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người Palestine, trong khi PLO công nhận quyền tồn tại hòa bình của Israel. Hai bên nhất trí Chính quyền Palestine sẽ quản lý Bờ Tây và Dải Gaza, mang hy vọng về lộ trình hiện thực hóa mô hình hai nhà nước. Tuy nhiên, hiệp định Oslo sau đó không thể triển khai do nhiều bất đồng giữa các bên.
Trong nhiều năm sau đó, các bên đã tranh cãi quyết liệt về nỗ lực thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Một số nước cho rằng việc vội vàng công nhận nhà nước Palestine sẽ không tạo động lực để chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas thúc đẩy cải cách, đồng thời cản trở tiến trình hòa bình do vấp phải sự phản đối từ Israel.
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu cho rằng tiếp tục trì hoãn các bên đạt giải pháp hai nhà nước rồi mới công nhận Palestine không khác nào trao cho Israel quyền phủ quyết nỗ lực công nhận nhà nước Palestine.
Trong nhiều năm qua, Tây Ban Nha cùng Ireland và các chính phủ châu Âu có chung lập trường gồm Bỉ, Malta, Na Uy, Slovenia đã thảo luận về việc công nhận nhà nước Palestine, tin rằng điều này sẽ góp phần thúc đẩy cam kết của cộng đồng quốc tế hướng tới giải pháp hai nhà nước.
Ireland đã quyết tâm thực hiện bước đi này mà không làm tổn hại tới mối quan hệ bền chặt với các chính trị gia Mỹ, đặc biệt là Nhà Trắng của ông Biden. Quan chức Bộ Ngoại giao Ireland muốn đảm bảo rằng các đối tác Mỹ của họ nhanh chóng được thông báo về mọi cuộc thảo luận giữa họ và Tây Ban Nha.
Họ đã trao đổi trực tiếp với quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ vào tháng 3, cùng nhiều cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. Sau khi nội các Ireland chính thức ra quyết định về việc sẽ công nhận Palestine tối 21/5, Dublin cũng lập tức điện đàm với Washington.
"Chúng tôi đã nỗ lực trao đổi rõ ràng về kế hoạch của mình trước nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để đảm bảo không gây ra bất ngờ hoặc nghi ngờ không cần thiết cho Washington", quan chức giấu tên cho hay.
Thủ tướng Ireland Simon Harris cho biết Dublin hy vọng sẽ thấy ngoại giao được nối lại giữa Israel và Chính quyền Palestine ở Bờ Tây.
Chính quyền Mỹ vẫn lo ngại động thái công nhận Palestine có thể khuyến khích nhóm vũ trang Hamas, do đó "chúng tôi muốn nhấn mạnh thông điệp của mình rằng Ireland không phải là bạn của Hamas", quan chức Ireland nói.
Mỹ vẫn công khai bày tỏ sự không hài lòng của họ. Chính quyền Tổng thống Biden tin rằng nhà nước Palestine nên được hiện thực hóa thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên, chứ không phải là sự công nhận đơn phương, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson nói.
Quyết định của ba nước châu Âu cũng có thể củng cố sự công nhận quốc tế với nhà nước Palestine. Trong số 193 thành viên của Liên Hợp Quốc, 142 quốc gia đã công nhận nhà nước Palestine.
"Điều này rất quan trọng. Nó phản ánh nỗi thất vọng của châu Âu khi chính phủ Israel từ chối lắng nghe. Nó cũng gây áp lực với Liên minh châu Âu (EU) để có động thái tương tự", một nhà ngoại giao Arab nói.
Khi được hỏi về tình trạng ngày càng bị cô lập về ngoại giao của Israel, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết "đó là mối lo ngại của chúng tôi vì hiểu rằng điều đó không có ích cho an ninh hoặc sự tồn tại lâu dài của Israel".
Song phía sau hậu trường, các quan chức đã hạ thấp tính nghiêm trọng của thông báo. Quan chức Mỹ lập luận rằng thông báo của ba nước châu Âu có thể chỉ mang tính biểu tượng, không tạo ra nhiều tác động với bối cảnh Trung Đông hiện tại.
Mỹ cũng có thể coi động thái của Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy chỉ đơn thuần là cách gây áp lực ngoại giao đối với Israel. Ông Sullivan cho biết quan chức Mỹ nói với Israel rằng việc thay đổi chiến lược trong cuộc chiến chống Hamas và theo đuổi hội nhập khu vực sẽ giúp Tel Aviv cải thiện quan hệ với các nước châu Âu.
Trong quá khứ, phương Tây duy trì lập trường rằng công nhận nhà nước Palestine nên là "phần thưởng" cho thỏa thuận hòa bình cuối cùng với Israel. Song Anh và nhiều nước châu Âu gần đây thay đổi quan điểm, nói rằng có thể sớm công nhận nhà nước Palestine để giúp thúc đẩy động lực hướng tới giải pháp chính trị.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2 cũng tuyên bố "công nhận nhà nước Palestine không phải là điều cấm kỵ với Pháp". Đầu tháng này, Pháp ủng hộ tư cách thành viên của Palestine trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Paris cũng đã soạn thảo nghị quyết trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về giải pháp hai nhà nước mà họ dự định thảo luận trong mùa hè này.
Michael Wahid Hanna, giám đốc chương trình Mỹ tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế ở Bỉ, nói tác động từ việc công nhận Palestine sẽ "tích lũy và tăng dần theo thời gian", song thêm rằng "nó cho chúng ta thấy rằng Mỹ ngày càng bị cô lập" trong nỗ lực đứng về phía Israel.
Trong khi đó, quan chức Israel nhấn mạnh động thái công nhận Palestine chỉ khuyến khích Hamas, làm giảm hơn nữa cơ hội cho giải pháp đàm phán chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về động thái này. Hugh Lovatt, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, tin rằng quyết định của các nước châu Âu sẽ mở ra con đường có ý nghĩa dẫn tới thành lập nhà nước Palestine.
"Công nhận nhà nước là bước đi hữu hình hướng tới con đường chính trị khả thi mang lại quyền tự quyết cho người Palestine", Lovatt nói.
Thanh Tâm (Theo Politico, BBC, Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét