Khi nhiều nước quay lưng với Nga vì xung đột Ukraine, ông Putin luôn còn người bạn quyền lực là ông Tập cùng mối quan hệ "không giới hạn" với Trung Quốc.
"Quan hệ Nga - Trung đã phát triển đến cấp độ hợp tác liên quốc gia cao hơn so với những hình thức liên kết quân sự - chính trị của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, không mang bản chất liên minh theo khối hay nhằm mục tiêu đối đầu, không nhắm vào bên thứ ba nào", Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu trong tuyên bố chung ký kết ngày 16/5.
Tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến công du tới Trung Quốc của ông Putin. Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ hai của người đứng đầu Điện Kremlin trong 7 tháng qua và là cuộc gặp thứ tư giữa hai lãnh đạo kể từ khi Nga phát động chiến sự Ukraine hồi tháng 2/2022.
Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác quan trọng với Nga, tăng cường hợp tác và xoa dịu tác động từ vòng vây trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt lên Nga vì chiến sự Ukraine.
Trong hơn hai năm qua, hai nền kinh tế ngày càng xích lại gần nhau, với thương mại song phương đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái, tăng hơn 64% kể từ năm 2021, theo số liệu của Trung Quốc.
Nga tăng nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt như ôtô, quần áo, nguyên liệu thô từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tăng cường mua dầu khí, than đá giá rẻ từ Moskva. Nga nhập khẩu từ Trung Quốc 111 tỷ USD hàng hóa, xuất khẩu 129 tỷ USD, theo số liệu thống kê năm 2023. Xuất khẩu ôtô và phụ tùng từ Trung Quốc sang Nga đạt 23 tỷ USD trong năm 2023, tăng 6 tỷ USD so với năm trước.
"Khí đốt tự nhiên của Nga đang được cung cấp cho nhiều hộ gia đình ở Trung Quốc và ôtô do Trung Quốc sản xuất đang chạy trên đường phố Nga", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói hồi tháng 3.
Đến năm 2023, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nga, trong khi Moskva là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Bắc Kinh.
Gần nửa doanh thu hàng năm của Nga đến từ dầu mỏ và khí đốt, nhưng nguồn thu từ xuất khẩu sang Mỹ, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh vì lệnh trừng phạt kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát. Một phần đáng kể trong thâm hụt này đã được bù đắp bằng những chuyến hàng sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nga năm 2023 vượt qua Arab Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhập khẩu 107 triệu tấn dầu thô từ Moskva, tăng 24% so với năm 2022.
Nhóm các nền kinh tế lớn G7 cùng với EU và Australia đã cố gắng hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga bằng cách áp giá trần với dầu vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là vẫn tiếp tục mua dầu thô Nga với mức cao hơn giá trần.
Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 8 triệu tấn khí đốt hóa lỏng từ Nga, tăng 77% so với năm 2021. Hai nước cũng có kế hoạch mở rộng quan hệ năng lượng, gồm dự án xây đường ống dẫn mới có tên Sức mạnh Siberia 2 để xuất khẩu khí đốt từ phía tây Siberia của Nga tới đông bắc Trung Quốc.
Trung Quốc hiện nhận khí đốt từ Nga thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1, bắt đầu đưa vào vận hành từ năm 2019 nhưng chưa đạt công suất tối đa.
Không chỉ giúp Nga đảm bảo nguồn thu từ năng lượng, Trung Quốc còn xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng như máy móc, linh kiện điện tử sang Nga. Mỹ cho rằng những mặt hàng này, vốn dùng được trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự, đang giúp Moskva củng cố ngành công nghiệp quốc phòng để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.
Trung Quốc nhiều lần lên tiếng bảo vệ các hoạt động thương mại với Nga là một phần bình thường của quan hệ song phương. Bắc Kinh cũng tuyên bố duy trì lập trường trung lập về cuộc chiến ở Ukraine và không đóng vai trò nào khác ngoài là bên trung gian hòa giải.
Bất chấp những nỗ lực trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 3,6% trong năm 2023, đảo ngược xu hướng giảm năm 2022, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Quan chức Nhà Trắng gần đây chỉ trích Trung Quốc về những gì họ xem là sự hỗ trợ đáng kể của Bắc Kinh đối với nền công nghiệp quốc phòng Nga. Trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Washington và các bên sẽ hành động nếu Bắc Kinh không có động thái ngăn dòng chảy chất bán dẫn, vật liệu và máy móc lưỡng dụng được xuất khẩu sang Nga.
"Có bằng chứng cho thấy Trung Quốc là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn nhất, thường thông qua các công ty vỏ bọc ở Hong Kong và UAE, để chuyển sang Nga", Maria Shagina, thành viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, nói.
Mỹ tháng này công bố lệnh trừng phạt với khoảng 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong. Họ cho biết một công ty trong số này đã xuất khẩu linh kiện sản xuất máy bay không người lái (UAV), trong khi các công ty khác được cho là đã hỗ trợ Moskva vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bắc Kinh xuất khẩu hơn 300 triệu USD hàng lưỡng dụng sang Nga mỗi tháng, theo phân tích của tổ chức tư vấn Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ.
Ngoài quan hệ thương mại giữa hai nước, quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Tập dường như cũng được củng cố trong thời gian qua. Dù ông Putin giảm công du nước ngoài kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát, lãnh đạo Nga vẫn duy trì những chuyến thăm, cuộc gặp và điện đàm với ông Tập kể từ năm 2022 tới nay.
Trong khi đó, ông Tập chỉ điện đàm một lần duy nhất với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cùng khoảng thời gian. Ông cũng chỉ gặp Tổng thống Joe Biden hai lần bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc tế kể từ khi lãnh đạo Mỹ nhậm chức năm 2021.
Trước thềm chuyến thăm tuần này, ông Putin cho biết việc lựa chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 cho thấy "mức độ quan hệ đối tác chiến lược cao chưa từng có" giữa hai nước, cũng như tình bạn thân thiết giữa ông với Chủ tịch Tập.
"Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, không gian vũ trụ, năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và nhiều lĩnh vực đổi mới khác", ông Putin nói với Xinhua.
Thanh Tâm (Theo BBC, CNN, Al Jazeera)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét