Quan chức Mỹ nói Washington sẽ tẩy chay lễ tưởng niệm của Liên Hợp Quốc dành cho Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người thiệt mạng trong tai nạn trực thăng.
Theo truyền thống, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên sẽ nhóm họp để tưởng nhớ nguyên thủ quốc gia qua đời trong thời gian đương nhiệm. Lễ tưởng niệm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi dự kiến diễn ra ngày 30/5.
"Mỹ sẽ không tham dự sự kiện này dưới bất kỳ tư cách nào. Liên Hợp Quốc nên đứng về phía người dân Iran, không nên tưởng nhớ người đã khiến họ phải khổ sở nhiều thập kỷ. Ông Raisi liên quan nhiều sự việc khủng khiếp, trong đó có hành hình hàng nghìn tù nhân năm 1988", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết hôm 29/5.
Quan chức này cáo buộc "một số hành vi vi phạm nhân quyền, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái, diễn ra trong nhiệm kỳ của ông Raisi".
Ông Raisi, người theo đường lối cứng rắn và từng được coi là có khả năng kế nhiệm lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, thiệt mạng khi trực thăng chở ông cùng Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và 7 quan chức bị rơi trong điều kiện thời tiết xấu ở vùng núi gần biên giới với Azerbaijan hôm 19/5. Iran cho biết vụ rơi trực thăng là "sự cố kỹ thuật".
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã dành phút mặc niệm khi bắt đầu cuộc họp hôm 20/5 để tưởng nhớ các nạn nhân vụ rơi trực thăng. Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood miễn cưỡng đứng cùng 14 người đồng cấp.
Mỹ sau đó gửi "lời chia buồn chính thức" tới Iran, song nhấn mạnh động thái này diễn ra theo nghi thức ngoại giao, không phải để bày tỏ ủng hộ ông Raisi. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bị một số nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích vì gửi lời chia buồn.
Ông Raisi, 63 tuổi, trở thành Tổng thống Iran năm 2021. Tổ chức Ân xá Quốc tế từng cáo buộc ông là thành viên ủy ban đặc biệt được thành lập theo lệnh của lãnh tụ tối cao Khamenei để xét xử và hành hình hàng nghìn người trong các nhà tù ở Tehran năm 1988.
Khi được hỏi về cáo buộc đó, ông Raisi trả lời rằng "nếu một thẩm phán, một công tố viên bảo vệ an ninh của người dân, ông ấy nên được khen ngợi. Tôi tự hào vì đã bảo vệ nhân quyền ở mọi vị trí mà tôi đảm nhận cho đến nay". Những cáo buộc càng khiến ông trở thành người được nhiều cử tri bảo thủ ở Iran ủng hộ.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét