Thăm Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 5, ông Putin dường như muốn truyền đi thông điệp rằng Moska và Bắc Kinh sẽ luôn sát cánh, bất chấp mọi áp lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5 theo lời mời từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ 5, theo Điện Kremlin.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin sẽ trao đổi về mối quan hệ song phương cũng như "các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm". Chuyến thăm hai ngày được kỳ vọng sẽ làm nổi bật mối quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa hai nước.
Các nhà ngoại giao và giới phân tích nhận định với chuyến thăm này, ông chủ Điện Kremlin dường như kỳ vọng có thể thúc đẩy Trung Quốc hỗ trợ hơn nữa cho nền kinh tế thời chiến của Nga trên nhiều khía cạnh, từ cung cấp máy móc, hóa chất để phục vụ ngành công nghiệp quân sự đến các thỏa thuận bán dầu khí với giá ưu đãi hơn.
Mặt khác, chuyến thăm cũng mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, cho thấy tầm nhìn chung giữa Nga và Trung Quốc tập trung vào nỗ lực chống lại trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
"Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga. Đây là con đường do Tổng thống Nga và lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn. Sẽ không có gì thay đổi được điều đó, dù phương Tây cố gắng nói hay làm gì", một quan chức Nga giấu tên khẳng định.
Cui Heng, học giả từ Viện Hợp tác Tư pháp và Trao đổi Quốc tế thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hôm 14/5 cho hay thế giới chắc chắn sẽ chú ý đến cuộc gặp giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước để xem mối quan hệ Nga - Trung được nâng lên tầm cao mới như thế nào, khi quan hệ chiến lược giữa hai cường quốc luôn có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế.
Theo Adil Kaukenov, giám đốc Viện Trung Quốc của Nga, việc Tổng thống Putin chọn Trung Quốc cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên sau khi nhậm chức cho thấy mối quan hệ "ngày càng bền chặt" giữa hai nước.
"Chúng ta cũng nên chú ý đến việc Trung Quốc mời ông ấy. Điều này cho thấy một cơ sở rất nghiêm túc cho mối hợp tác Nga - Trung", Kaukenov nhận xét.
Theo thông báo, Tổng thống Putin sẽ thảo luận về quan hệ kinh tế với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và thăm Cáp Nhĩ Tân, thành phố vùng đông bắc Trung Quốc và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nga.
Chuyến thăm của ông Putin diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cuối tháng trước tới Bắc Kinh gặp người đồng cấp Vương Nghị và đưa ra lời cảnh báo về việc Trung Quốc ngày càng hỗ trợ quân sự sâu rộng cho Nga.
"Tôi chắc chắn Tổng thống Putin muốn được Trung Quốc giúp đỡ trong vấn đề Ukraine", Alexander Neill, nhà phân tích quốc phòng tại Singapore, cho hay. "Những gì Trung Quốc có thể làm thêm mà không gặp phải phản ứng từ Mỹ sẽ là chủ đề được xem xét kỹ lưỡng trong chuyến thăm lần này".
Ông Putin vừa tổ chức lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 5, trong khi ông Tập vừa trở về sau chuyến công du châu Âu, nơi ông được đón tiếp nồng hậu ở các quốc gia thân Nga là Serbia và Hungary, đồng thời thưởng thức rượu vang và ăn tối ở Pháp. Lãnh đạo Trung Quốc rời khu vực mà không đưa ra bất kỳ nhượng bộ lớn nào về thương mại hay vấn đề Ukraine.
Ông Tập đã gặp ông Putin hơn 40 lần, tính cả những cuộc trao đổi trực tuyến, nhiều hơn bất kỳ lãnh đạo nào khác. Cả hai thường xuyên chúc mừng sinh nhật và gọi nhau là "bạn cũ" hay "bạn thân". Nhưng theo giới phân tích, quan trọng hơn, họ dường như coi nhau là đối tác chiến lược trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn và có thể sẽ sử dụng các cuộc đàm phán để thể hiện mình là những lãnh đạo của một hệ thống toàn cầu mới nhằm làm suy giảm ảnh hưởng từ Mỹ.
"Mục tiêu chuyến thăm là chứng minh Trung Quốc và Nga đang gần gũi với nhau như thế nào", Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, bình luận.
"Tôi tin rằng cả Nga và Trung Quốc đều sẽ tập trung hướng câu chuyện về thất bại của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, dù không nêu tên trực tiếp", Meia Nouwens, chuyên gia cấp cao về chính sách an ninh, quốc phòng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, Anh, cho hay.
Theo Nouwens, chuyến thăm của Tổng thống Putin diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Tập vừa trở về từ châu Âu, báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi quan điểm về quan hệ song phương với Moskva, bất chấp sức ép từ phương Tây.
Zhao Minghao, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đánh giá trong bối cảnh Nga đang tăng cường chiến dịch tấn công nhắm vào tỉnh Kharkov ở đông bắc Ukraine, Tổng thống Putin cần tìm cách ổn định mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là về thương mại và năng lượng. Chuyến thăm của ông không nằm ngoài mục đích này.
"Trước áp lực từ Mỹ và các nước phương Tây, ông Putin phải đảm bảo củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc", Zhao nói, thêm rằng mối quan hệ này cũng quan trọng không kém đối với Bắc Kinh.
Theo Alexander Gabuev, nhà phân tích Nga và Trung Quốc tại Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu, Moskva hiện cân nhắc tất cả mối quan hệ đối ngoại của mình dựa trên cuộc xung đột ở Ukraine và lập trường trước phương Tây.
"Chiến sự Ukraine đã trở thành một nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin", Gabuev viết trên mạng xã hội X. Ông chủ Điện Kremlin "hiện đánh giá mọi mối quan hệ qua lăng kính gồm ba điểm cân nhắc: Liệu nó có giúp ích trên chiến trường Ukraine không, liệu nó có thể giúp duy trì nền kinh tế Nga và phá vỡ các lệnh trừng phạt không, liệu nó có thể giúp Moskva đối đầu phương Tây và trừng phạt Mỹ cùng các đồng minh vì đã hỗ trợ Ukraine không".
Trung Quốc thỏa mãn cả ba điểm cân nhắc của Tổng thống Putin, ông lưu ý.
Giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023, tăng 63% so với năm 2021, thời điểm trước cuộc xung đột Ukraine, và đã chạm đến mục tiêu mà hai nước đặt ra cho năm 2024.
Dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy trong thời gian này, giá trị xuất khẩu các mặt hàng thiết bị điện tử lưỡng dụng của Trung Quốc, mà Nga có thể dùng để sản xuất hệ thống vũ khí dẫn đường chính xác, đã tăng đột biến.
Dòng chảy thương mại cũng tăng lên theo cả hai hướng. Nga năm ngoái trở thành bên bán dầu lớn nhất của Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây khiến Nga giờ đây chỉ còn lại rất ít khách hàng lớn.
Với việc bị cô lập và mất đi thị trường châu Âu, Nga đã biến Trung Quốc và Ấn Độ thành khách hàng chính cho dầu mỏ, khí đốt của mình. Tuy nhiên, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã báo cáo khoản lỗ đầu tiên sau nhiều thập kỷ trong những tuần gần đây, làm gia tăng động lực để Moskva thúc đẩy Bắc Kinh ký kết thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2 đã bị trì hoãn từ lâu.
Đường ống Sức mạnh Siberia 2, sau khi hoàn thành, sẽ giúp Nga xuất khẩu khí đốt từ mỏ bán đảo Yamal ở phía tây Siberia, qua miền đông Mông Cổ đến miền bắc Trung Quốc, kéo dài hơn 2.500 km. Nó được kỳ vọng vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt tới Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Nhưng Trung Quốc đã trì hoãn ký kết thỏa thuận cuối cùng. Nếu được thông qua, quá trình xây dựng đường ống dự kiến bắt đầu trong năm nay, nhưng phải đến cuối thập kỷ này dự án mới có thể hoàn thành.
Một số chuyên gia nhận định chỉ riêng việc Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin gặp mặt nhau đã mang một sức nặng đặc biệt.
"Bản thân hành động tiếp đón của Bắc Kinh đối với Tổng thống Putin đã là một hình thức hỗ trợ cho Moskva vì Trung Quốc là một trong số ít cường quốc chưa cô lập Nga", James Char, học giả về an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, bình luận. "Trung Quốc cũng cần có Nga đứng về phía mình để phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu và trong cuộc đấu tranh lâu dài với Mỹ để giành ảnh hưởng địa chính trị".
Vũ Hoàng (Theo Tass, Global Times, Washington Post, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét