Pháp triển khai 1.000 cảnh sát tới vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia để ổn định tình hình, trong bối cảnh bạo loạn xảy ra tại đây.
Biểu tình bùng phát tại New Caledonia vào tuần trước sau khi quốc hội Pháp thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp, trong đó cho phép những người sống ở quần đảo này ít nhất 10 năm được quyền tham gia các cuộc bầu cử tại đây, điều khiến người bản địa Kanak bất bình. Giới lãnh đạo địa phương cho rằng động thái sẽ khiến lá phiếu của người Kanak mất giá trị.
Các cuộc bạo loạn tới nay đã khiến 6 người thiệt mạng, nhiều cơ sở kinh doanh và ôtô bị đốt cháy, một số cửa hàng bị cướp phá. Nhiều con đường bị rào chắn khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm, thuốc men.
Cao ủy Pháp tại New Caledonia ngày 20/5 thông báo 1.000 cảnh sát Pháp đã đến vùng lãnh thổ để ứng phó tình trạng bất ổn, thêm rằng lực lượng hiến binh đã tháo dỡ tổng cộng 76 chốt chặn đường.
Cơ quan này cho biết các đường phố tại đây hiện tương đối tĩnh lặng, dù người biểu tình vẫn đang chặn một số con đường và sân bay quốc tế Tontouta tại quần đảo vẫn chưa hoạt động trở lại, khiến nhiều du khách mắc kẹt.
Tổ Điều phối Hành động Thực địa (CCAT), nhóm hoạt động đứng sau các cuộc biểu tình tại New Caledonia trong tuần qua, tuyên bố sẽ tiếp tục chặn đường, song kêu gọi những người tham gia tiến hành một cách hòa bình.
Các quan chức địa phương cho biết đường phố bị chặn khiến việc cung cấp thực phẩm đến các cửa hàng tại một số khu vực và bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế khi di chuyển gặp nhiều khó khăn, nhưng lưu ý rằng họ hiện không thiếu đồ tiếp tế hay nhân lực.
Louis Le Franc, quan chức hàng đầu của Pháp tại New Caledonia, hôm 19/5 cho biết sẽ phải mất vài ngày để cảnh sát có thể giành lại kiểm soát con đường chính nối từ sân bay quốc tế Tontouta tới thủ phủ Noumea. Hãng hàng không Arcalin cho biết sân bay sẽ đóng cửa đến ngày 23/5.
Các đảng phái ủng hộ New Caledonia độc lập khỏi Pháp cho biết chỉ đồng ý tái khởi động đối thoại sau khi Paris rút lại cải cách về bầu cử. "Chúng tôi cần hành động mạnh mẽ từ chính phủ để xoa dịu tình hình. Đây là vấn đề về chính trị, không phải an ninh", Dominique Fochi, tổng thư ký đảng Liên minh Caledonia, nói.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese bày tỏ lo ngại về tình hình ở New Caledonia, trong bối cảnh có nhiều du khách nước này đang mắc kẹt tại quần đảo. Ông trước đó cho biết Canberra đang chờ chấp thuận từ giới chức Pháp để có thể điều máy bay tới sơ tán công dân tại New Caledonia. Khoảng 300 người Australia đăng ký với cơ quan lãnh sự tại vùng lãnh thổ này để có thể trở về nước.
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết máy bay quân sự đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng, chỉ cần Pháp đồng ý là sẽ lên đường để đưa công dân hồi hương.
Chính quyền địa phương cho biết khoảng 3.200 người đang chờ để rời khỏi hoặc nhập cảnh vào New Caledonia, sau khi các chuyến bay thương mại bị hủy do tình hình bất ổn.
New Caledonia nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, cách Australia khoảng 1.500 km về phía đông. Quần đảo có khoảng 270.000 cư dân, gồm 41% người Kanak và 24 người gốc châu Âu, chủ yếu là Pháp.
New Caledonia được sáp nhập vào Pháp hồi năm 1853 trước khi chính thức trở thành lãnh thổ hải ngoại của nước này vào năm 1946. Quần đảo đã tổ chức ba cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Pháp, gần nhất là vào năm 2021, song người dân đều bỏ phiếu chọn ở lại.
Phạm Giang (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét