Israel nhiều lần tuyên bố phải tấn công thành phố Rafah ở Dải Gaza để tiêu diệt tàn dư Hamas, nhưng đây có thể là chiến dịch ẩn chứa rủi ro lớn nhất.
Sau nhiều tuần yên ắng, quân đội Israel (IDF) ngày 6/5 thông báo sơ tán khoảng 100.000 người khỏi vùng phía đông Rafah trước khi mở chiến dịch tấn công thành phố miền nam Dải Gaza để "xóa sổ Hamas". Nếu tấn công Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas ở Dải Gaza, IDF sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố và đối mặt nguy cơ rất lớn, theo giới quan sát.
Họ sẽ phải xem xét giữa việc không gây ra nhiều thiệt hại đến mức gây phẫn nộ dư luận quốc tế, làm suy yếu thêm mối quan hệ quan trọng với Mỹ và gây ra cái chết của những con tin được cho là đang bị giam ở Gaza, đồng thời không quá nhẹ tay đến mức khiến binh lính gặp nguy hiểm mà vẫn không thể "diệt trừ tận gốc" Hamas.
Nỗ lực sâu rộng hơn nhằm bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi nhằm thiết lập lại cân bằng ở Trung Đông cũng là một biến số trong phương trình mà Israel phải giải nếu đưa quân vào Rafah.
Theo Tamir Hayman, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, trụ sở tại Tel Aviv, Israel hoàn toàn có lý khi muốn tiêu diệt các tay súng còn sót lại của Hamas đang ẩn náu ở Rafah. Nếu vẫn duy trì được hiện diện tại đây, Hamas có thể xây dựng lại năng lực quân sự của mình và một lần nữa gây ra mối đe dọa giống như cuộc đột kích lãnh thổ Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra, Israel cũng cần phá hủy đến cùng hệ thống địa đạo đã giúp các chiến binh Hamas lẩn trốn và đưa vũ khí vào khu vực.
"Đó sẽ là con đường giúp Hamas lấy lại năng lực quân sự ở phần còn lại của Dải Gaza", ông nói.
Tuy nhiên, ông không nghĩ lợi ích chiến thuật sẽ lớn hơn cái giá phải trả, đặc biệt là trước cơ hội bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi và xây dựng mối quan hệ đối tác khu vực nhằm đối trọng với Iran.
"Lợi ích của chiến dịch tấn công Rafah là rất ít, đặc biệt nếu bạn so sánh nó với những tác động tiêu cực mà hoạt động quân sự này có thể gây ra", Hayman nhận xét.
Nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza cuối tuần qua đã không đạt kết quả, khi các bên chưa tìm được đồng thuận về điểm mấu chốt là tìm ra điểm cân bằng giữa mục tiêu của Hamas về con đường hướng tới ngừng bắn vĩnh viễn với việc Israel khăng khăng rằng họ có quyền tiếp tục chiến đấu, kể cả ở Rafah nếu cần thiết.
Việc từ bỏ kế hoạch đưa quân vào Rafah có thể đe dọa sinh mạng chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, giới quan sát đánh giá. Thủ tướng Netanyahu từng không ít lần nhấn mạnh đây là cách duy nhất để giành chiến thắng trong cuộc xung đột và các thành viên theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong liên minh cầm quyền Israel đang thúc giục ông làm điều này.
Kiểm soát Rafah có thể cho phép Thủ tướng Netanyahu tuyên bố chiến thắng hoàn toàn, rằng Israel đã đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas, điều ông sẽ rất cần khi đối mặt các cuộc bầu cử mới.
Tuy nhiên, cái giá trên chính trường quốc tế có thể khá cao. Sau 7 tháng giao tranh, sự ủng hộ ban đầu của cộng đồng quốc tế với Israel đã suy giảm đáng kể, thay vào đó là nỗi thất vọng khi số dân thường thiệt mạng vì chiến sự đang không ngừng gia tăng, hiện lên tới hơn 34.000 người, theo cơ quan y tế tại Gaza.
Mỹ đã cảnh báo Israel về những hệ lụy nếu họ tấn công Rafah mà không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho dân thường. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Washington vẫn chưa nhận được kế hoạch nào như vậy và vẫn thuyết phục Tel Aviv không mở chiến dịch.
Nếu IDF vẫn quyết tấn công Rafah bất chấp sự phản đối từ Washington, Israel có thể đối mặt với các biện pháp kiềm chế cứng rắn từ Mỹ, trong đó có nguy cơ Tel Aviv bị cắt nguồn viện trợ quân sự quan trọng trị giá hàng tỷ USD.
Mối quan hệ của Israel với Ai Cập, vốn đã căng thẳng, cũng có nguy cơ bị tổn hại thêm.
Rafah là nơi có Hành lang Philadelphi, vùng đệm dài khoảng 14 km ngăn cách Gaza với Ai Cập. Israel cho biết nơi đây có một mạng lưới đường hầm rộng lớn cho phép Hamas vận chuyển vũ khí và hàng hóa bất hợp pháp khác vào Dải Gaza suốt nhiều năm qua. Giao tranh ở Rafah, với quân đội Ai Cập đồn trú gần đó, sẽ rất phức tạp.
Mặt khác, xung đột nổ ra ở Rafah có khả năng gây ra làn sóng người tị nạn Palestine ồ ạt đổ vào Bán đảo Sinai của Ai Cập, khi họ không còn nơi nào khác để đi. Trong kịch bản xấu nhất, nó có thể đe dọa đến hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa Ai Cập và Israel.
Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Arab Saudi mà chính quyền Biden đang thúc đẩy như một phần của thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt xung đột và tái thiết Gaza cũng có thể bị gạt khỏi bàn đàm phán, ít nhất là trong thời gian tới, nếu chiến dịch tấn công Rafah mở màn.
Mở chiến dịch ở Rafah cũng đồng nghĩa Israel sẽ mất đi cơ hội thuyết phục các đối tác Arab như Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bơm tiền vào Gaza giúp tái thiết khu vực.
Bất kỳ kế hoạch nào được tiến hành ở Rafah đều cần Israel phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Ai Cập, những bên dường như không chấp thuận Tel Aviv sử dụng biện pháp quân sự. Cũng không rõ liệu nhiệm vụ sơ tán hàng trăm nghìn người khỏi vùng nguy hiểm đến nơi trú ẩn với đầy đủ nước uống và thực phẩm có thực tế hay không.
Thương vong dân sự lớn sẽ chỉ làm xấu đi vị thế của Israel. Tel Aviv đang lo ngại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể ban hành lệnh bắt các quan chức cấp cao nước này, trong đó có Thủ tướng Netanyahu, liên quan chiến sự Gaza. Một chiến dịch tại Rafah với nguy cơ khiến hàng nghìn người Palestine thiệt mạng sẽ khiến viễn cảnh trên trở thành hiện thực một cách dễ dàng hơn, giới chuyên gia nhận định.
"Thế giới đã chịu đựng quá đủ với mức độ thương vong mà người Palestine phải hứng chịu", Hussein Ibish, giáo sư tại Viện các Quốc gia Vùng Vịnh Arab, trụ sở tại Washington, bình luận.
Chiến dịch tấn công Rafah cũng sẽ rất phức tạp về mặt quân sự. Rafah từ lâu đã là một thách thức với quân đội Israel, bởi muốn kiểm soát thành phố, họ phải chiến đấu giữa đô thị đông đúc, nơi Hamas có mạng lưới đường hầm rộng lớn bám sâu vào cơ sở hạ tầng dân sự.
4 tiểu đoàn Hamas vẫn bám trụ ở Rafah, cùng với hàng nghìn tay súng khác chạy đến đây từ miền bắc và miền trung Gaza sau khi quân đội Israel tiến vào dải đất. Họ đang ẩn náu trong một thành phố với hơn một triệu dân thường Palestine.
Theo Aaron David Miller, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, Rafah là "mô hình thu nhỏ của mọi thách thức, rủi ro và biến cố" có thể xảy ra với Israel xuyên suốt cuộc xung đột.
"Bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng về những gì có thể được và mất trong mỗi hành động quân sự tại đây", ông nhấn mạnh.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng nếu Israel trì hoãn tiến vào Rafah, Hamas sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị đối phó.
"Tôi nghĩ tấn công Rafah là một mục tiêu vô cùng quan trọng và cấp bách", Yakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, thành viên Viện An ninh Quốc gia Mỹ của người Do Thái, trụ sở tại Washington, nhận xét.
Theo ông, nguy cơ mất đi cơ hội bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi không thể so sánh với mối đe dọa hiện hữu do Hamas gây ra.
Về mặt chiến thuật, chiến dịch tại Rafah sẽ phải khác với hai cuộc tấn công của Israel ở Gaza City và Khan Younis, hai thành phố chính khác tại Dải Gaza. Ở Gaza City, Israel phụ thuộc rất nhiều vào chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt các tiểu đoàn Hamas trong thành phố. Cách làm này giúp bảo vệ mạng sống cho binh lính Israel, nhưng phải trả giá bằng thương vong lớn với dân thường.
Israel tuyên bố muốn tấn công có chọn lọc hơn khi tiến vào Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, song họ vẫn khiến phần lớn thành phố bị phá hủy.
Các nhà phân tích tin rằng chiến dịch ở Rafah sẽ là hoạt động quân sự mà Israel phải tính toán chi tiết nhất, do hiện diện của quá nhiều dân thường, áp lực quốc tế gay gắt và nguy cơ các con tin thiệt mạng. Nhưng ngay cả kịch bản tốt nhất cũng sẽ vô cùng tồi tệ.
"Đó không thể là một chiến dịch suôn sẻ, gọn gàng và sạch sẽ", Ehud Yaari, nhà báo người Israel, thành viên tại Viện Chính sách Cận Đông, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho hay. "Cho dù bạn có áp dụng biện pháp phòng ngừa nào đi chăng nữa, dân thường vẫn sẽ bị tổn hại".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét