Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

Những ngôi trường 'khát' học sinh ở Mỹ

Thành phố Los Angeles có vô vàn trường học, nhưng hiếm trường nào có quy mô nhỏ hơn Học viện Hilda L. Solis, với vỏn vẹn 170 học sinh.

Học sinh tại trường trung học công lập này đến từ các khu dân cư gốc Latin lân cận. Trên bảng tin ở hành lang, những mảnh giấy hình trái tim nêu lý do học sinh yêu quý ngôi trường này, như "mọi người đều biết nhau" hay "khuôn viên của trường thực sự nhỏ."

Mặc dù Học viện Hilda L. Solis, vốn được xây dựng trên một bệnh viện cũ ở Đông Los Angeles, được rất nhiều gia đình yêu thích vì quy mô nhỏ, chính điều này đang đẩy ngôi trường đến bờ vực sụp đổ.

Học khu Los Angeles sẽ đóng cửa trường Solis vào mùa hè này, với lý do số học sinh đăng ký học ngày càng giảm, điều đã hạn chế nghiêm trọng khả năng cung cấp dịch vụ giảng dạy của trường.

Tuy các lớp học cơ bản để tốt nghiệp vẫn được đảm bảo, học sinh trường Solis có rất ít cơ hội để đăng ký các khóa học tự chọn theo sở thích hoặc chương trình nâng cao. Học sinh trường này chỉ có hai lựa chọn hoạt động ngoại khóa là cử tạ hoặc tham gia câu lạc bộ Thiên Chúa giáo.

Một lớp học tại Học viện Hilda L. Solis năm 2022. Ảnh: Học viện Hilda L. Solis

Một lớp học tại Học viện Hilda L. Solis năm 2022. Ảnh: Học viện Hilda L. Solis

"Tôi biết rằng học khu không thể đảm bảo tài chính cho trường, khi lượng học sinh đăng ký theo học đã giảm nhiều", giáo viên toán Melina Gutierrez ngậm ngùi nói khi nhìn quanh lớp học mà cô đã gắn bó đã lâu. "Nhưng một ngôi trường quy mô nhỏ thật sự là điều tuyệt vời cho trẻ em."

Nhiều trường học khác ở Los Angeles và các thành phố khắp nước Mỹ cũng sẽ đối mặt tương lai giống Solis. Điều này cũng thể hiện một thực trạng với nền giáo dục Mỹ: có quá nhiều trường cho quá ít học sinh.

Tỷ lệ sinh suy giảm, nhiều gia đình chuyển đi, cũng như sự xuất hiện của các mô hình giáo dục khác ngoài trường công lập đã khiến số lượng học sinh ở các học khu nội thành giảm mạnh. Điều này đẩy nhà chức trách vào thế khó giữa việc tiếp tục duy trì các trường đang ngày một ít học sinh với nguồn lực bị dàn mỏng, hay đóng cửa chúng, điều chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng. Quyết định của lãnh đạo các trường học trước thách thức này có thể định hình hệ thống giáo dục công ở đô thị Mỹ trong vài năm tới.

Vốn đã rậm rịch ở một số thành phố, xu hướng suy giảm học sinh ở các trường công Mỹ càng được đẩy nhanh bởi đại dịch Covid-19.

Theo phân tích của Viện Brookings dựa trên những số liệu chính phủ đưa ra, trong năm học 2022-2023, số học sinh đăng ký theo học các trường học công lập trong nội thành đã giảm 850.000, tương đương 5.5% so với sĩ số năm học 2019-2020. Nhưng số trường học gần như không giảm trong thời gian đó, khiến nhiều trường ngày càng ít học sinh.

Trường học quy mô nhỏ có thể đem đến nhiều lợi ích. Vào những năm 2000, quỹ Bill & Melinda Gates đã cổ vũ việc thành lập các trường trung học phổ thông nhỏ, với không quá 600 học sinh, trên khắp đất nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các trường công lập này giúp học sinh dễ dàng tốt nghiệp hơn so với trường học lớn.

Nhưng các trường học quá nhỏ lại dẫn đến một nghịch lý khác: chi phí học sinh phải trả sẽ tăng, nhưng chất lượng chương trình học lại giảm sút. Nếu đạt một lượng học sinh nhất định, trường có thể cung cấp thêm nhiều hoạt động ngoại khóa cũng như mở rộng các lớp học hay tuyển thêm nhiều vị trí nhân sự quan trọng như nhân viên y tế, thư viện và giáo viên mỹ thuật.

"Nếu quy mô trường học nhỏ hơn một ngưỡng nhất định, họ bắt đầu đối mặt với các thách thức cản trở việc đem đến chương trình giáo dục chất lượng cao", Joseph Trawick Smith, cố vấn cho các học khu đến từ tổ chức phi lợi nhuận Education Resource Strategies, nhận định.

Nhưng đóng cửa các trường học quá nhỏ lại gây ra nhiều rắc rối về mặt giáo dục và chính trị. Các gia đình thường muốn con theo học trường gần nhà và không muốn việc học của con bị gián đoạn, trong khi giáo viên không muốn mất việc. Cộng đồng lo lắng các ngôi trường bỏ hoang sau khi đóng cửa sẽ trở thành nơi tụ tập của tội phạm và tệ nạn.

"Mọi người muốn duy trì trường học vì chúng gắn liền với kỷ niệm của mỗi cá nhân", Jeanelle Foster, cựu chủ tịch hội đồng hạt St. Paul, bang Minnesota, nhận định. "Các trường học là một phần của gia đình, của cộng đồng."

Foster đã bỏ phiếu vào năm 2021 để đóng cửa hoặc sáp nhập một số trường mà học khu xem là quá nhỏ để duy trì. Quyết định này đã gây ra các cuộc biểu tình quyết liệt. "Đó là một trong những việc khó khăn nhất mà tôi từng phải làm," Foster nói.

Học khu Trường Độc lập San Antonio ở bang Texas đã thông báo quyết định đóng cửa 15 trường học vào năm tới.

Ngân sách đang được phân bổ không đều, do chi phí cần thiết để vận hành một trường học không phụ thuộc vào số lượng học sinh. Chi phí cho mỗi học sinh ở trường tiểu học nhỏ nhất San Antonio là 14.041 USD mỗi năm, nhưng học sinh ở trường tiểu học lớn nhất nơi này chỉ phải chi trả 7.109 USD mỗi năm. "Cách duy nhất để cung cấp tất cả các nguồn lực mà con em chúng ta cần là trích ngân sách từ nơi khác," Jaime Aquino, trưởng học khu San Antonio, nói.

Một trường học chỉ có một chuyên viên tư vấn tâm lý với một buổi tham vấn mỗi tuần sẽ không thể giải quyết hết được vấn đề của học sinh. Việc phải dạy nhiều lớp ở cấp độ khác nhau cũng gây khó khăn cho giáo viên.

Học khu San Antonio, nơi lượng học sinh đăng ký giảm 29% so với năm 1998, đang đề xuất với cộng đồng về kế hoạch với khẩu hiệu "Hoạch định lại quy mô trường học với sự thấu hiểu bằng cả trái tim".

"Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều này như cách chuẩn bị cho một cuộc chiến", Aquino nói. Nhưng ông không cho rằng đây sẽ là đợt đóng cửa trường học cuối cùng.

Ở Inglewood, thành phố phía nam Los Angeles với dân số chủ yếu là người da màu và người gốc Latin, một nhóm học sinh đã quyết định bỏ tiết tại Trường Trung học Morningside vào tháng 4, bất chấp nguy cơ bị kỷ luật, để biểu tình chống lại việc đóng cửa trường. Cùng với các cựu học sinh và nhà hoạt động cộng đồng, họ phản đối thông báo gần đây rằng 5 trong số 16 trường của học khu sẽ bị đóng cửa hoặc chuyển đi chỗ khác vào cuối năm học tới.

"Các trường học là một phần của cộng đồng này, là thứ đã gắn bó với bao thế hệ nơi đây", Evellyn Perez, học sinh cuối cấp trường Morningside, phát biểu. "Không có trường Morningside, khu Inglewood cũng không đem lại cảm giác như xưa nữa."

Từng đón hơn 1.600 học sinh mỗi năm vào hai thập kỷ trước, trường Morningside giờ chỉ còn 465 học sinh.

Carliss Bell, người đã học trường này vào những năm 1980, tin rằng học sinh không nên bị bắt phải di chuyển xuyên thành phố để theo học những trường còn mở cửa, vì trường tại khu họ bị đóng do có quá ít học sinh. "Các em sống ngay gần đây, và có thể đi bộ về nhà khi bị ốm hoặc không có tiền ăn trưa."

Những người biểu tình thể hiện nỗi tức giận với James Morris, lãnh đạo học khu. Morris cho hay mỗi trường tiểu học đóng cửa sẽ giúp học khu tiết kiệm khoảng 500.000 USD. Theo ông, nhu cầu của học sinh sẽ không được đáp ứng tốt tại một trường trung học nơi bể bơi cạn nước, các bộ đồng phục diễu hành do cựu sinh viên tặng bỏ xó vì không có người điều hành ban nhạc.

"Điều này liên quan đến việc xây dựng những thứ tốt đẹp hơn cho trẻ em," Morris chỉ vào một bài báo của Los Angeles Times treo trên tường từ năm 2000 về điểm đọc của khối tiểu học Inglewood vượt xa các khu vực khác trên toàn bang. Ông cho hay đang cố gắng khôi phục thành tích đó và vượt qua sự hoài nghi của cộng đồng.

Vấn đề sắc tộc dường như "đổ thêm dầu vào lửa" trong những cuộc tranh luận liên quan tới vấn đề này. Theo một nghiên cứu quy mô quốc gia gần đây, các trường có nhiều học sinh da màu dễ bị đóng cửa hơn, kể cả khi tính đến các yếu tố khác như số lượng tuyển sinh hàng năm.

Năm 2013, việc đóng cửa 50 trường học ở Chicago đã gây ra làn sóng phản đối và phẫn nộ kéo dài. Phản ứng gay gắt này đã suýt khiến thị trưởng Rahm Emanuel thất bại trong nỗ lực tái tranh cử năm 2015. Một nghiên cứu của Đại học Chicago sau đó đã phát hiện ra rằng học sinh từ các trường đã đóng cửa thường bị "mất gốc" kiến thức.

Số học sinh tại các trường công lập Chicago đã giảm từ khoảng 400.000 năm 2013 xuống còn 329.000 trong năm học này. Học khu này đang phải tuân thủ lệnh tạm ngừng đóng cửa trường học.

Một phát ngôn viên cho biết các quan chức học khu sẽ không suy đoán thêm về khả năng đóng cửa các trường học, nhưng đang đánh giá nhu cầu của hàng trăm trường trong khu vực và cung cấp nguồn tài trợ bổ sung để hỗ trợ các trường nhỏ.

Ở thành phố New York, nơi có hệ thống trường học lớn nhất nước Mỹ, lượng học sinh đã giảm từ hơn một triệu vào năm 2017 xuống dưới 900.000 trong năm học này.

NeQuan McLean, chủ tịch hội đồng giáo dục địa phương tại Bed-Stuy Brooklyn, cho biết khu vực đang gặp khó khăn với tình trạng thiếu học sinh, trong đó một trường tiểu học có 54 học sinh và một trường trung học cơ sở có chưa đầy 100 em. "Chúng tôi không thể dạy vũ đạo, nghệ thuật và âm nhạc vì không thể trang trải chi phí cho các môn học này," ông nói.

"Chúng tôi có hàng chục trường chỉ có khoảng 100 học sinh theo học," David Banks, người đứng đầu cơ quan quản lý trường học thành phố New York, nói. "Các trường này nhỏ đến mức chúng bắt đầu tác động xấu tới trẻ em."

Chính quyền thành phố tiến hành kế hoạch đóng cửa hoặc sáp nhập một số trường học nhỏ, nhưng kế hoạch tái cơ cấu lớn hơn chưa được công bố.

Ở Los Angeles, nơi có hệ thống trường học lớn thứ hai nước Mỹ, trưởng học khu Alberto Carvalho cho hay 800 ngôi trường ở đây từng có gần 750.000 học sinh vào năm 2003, nhưng giờ chỉ còn 413.800 em.

"Đến thời điểm nào đó, chúng ta cần hỏi các cộng đồng bị ảnh hưởng rằng liệu họ muốn duy trì ba ngôi trường cũ kỹ, thiếu học sinh hay một trường học tân tiến, hiện đại nhất?" Carvalho nói. "Việc có ba trường đẹp đẽ, tân tiến nhưng thiếu học sinh là không thể."

Các trường học ít người là điều không thể tưởng tượng được ở Los Angeles vài thập kỷ trước. Trong những năm 1980 đến đầu những năm 2000, Học khu Los Angeles (LAUSD) đã nổi tiếng khắp nước Mỹ với các trường học quá tải. Học sinh tranh giành bàn trong các lớp chật kín người và các trường phải hoạt động quanh năm.

Một số học sinh phải chấp nhận lên xe buýt trước khi trời sáng để đến những trường học rộng rãi hơn. "Đó là cảnh tượng kinh khủng," Chủ tịch hội đồng học khu Jackie Goldberg nói, người cũng đã tham gia hội đồng trường học vào những năm 1980 và đầu những năm 1990.

Một chiến dịch lớn nhằm xây dựng loạt trường học mới đã diễn ra sau đó. Nhưng vào thời điểm các trường này mở cửa hơn 10 năm sau, hệ thống trường bán công đã trở nên phổ biến và số lượng học sinh theo học các trường công bắt đầu giảm. Ngày nay, gần 109.000 học sinh ở Los Angeles theo học tại các trường bán công, vốn được chính phủ cấp ngân sách hoạt động, nhưng do tư nhân quản lý.

Từ thời điểm trường Solis được thành lập năm 2012, số học sinh chưa bao giờ chạm ngưỡng 400, thấp hơn hẳn công suất thiết kế 600 học sinh. Hội đồng trường học Los Angeles đã đồng ý đóng cửa Solis vào tháng 3, nhường địa điểm lại cho một trường chuyên trong năm học tới.

Gutierrez, giáo viên cuối cùng trong số những người sáng lập vẫn còn dạy ở trường Solis, rất bực tức khi các quan chức học khu gần đây ám chỉ rằng trường lẽ ra đã có thể cố gắng hơn để tăng số lượng học sinh.

Các giáo viên đã làm tất cả những gì có thể, treo những lá cờ tự làm, gõ cửa, gửi thư đến các hộ gia đình có con em trong độ tuổi trung học và tổ chức các buổi tham quan nhà trường.

Mary Beltran, mẹ của một học sinh lớp 12, đến Solis mỗi sáng để làm công tác tình nguyện, cẩn thận treo vật trang trí mới ở hành lang và chụp ảnh kỷ yếu cho học sinh. Cô đã chứng kiến số lớp học và câu lạc bộ giảm đi kể từ khi con gái lớn tốt nghiệp vào năm 2019. "Solis có thể đã tốt hơn nhiều," cô nói.

Mary Beltran cùng con gái tại tại trường Solis. Ảnh: WSJ

Mary Beltran cùng con gái tại tại trường Solis. Ảnh: WSJ

Học sinh Juan Fausto đã chứng kiến nhiều bạn học chuyển đến các trường lớn hơn, tham gia các đội thể thao hoặc chương trình thiếu sinh quân. "Chúng em không có các sự kiện lớn, nhưng học sinh lại thân thiết với giáo viên hơn rất nhiều so với các trường khác," cậu nói. Cậu đang lo ngại về những điều sẽ xảy ra vào năm tới, khi Solis đóng cửa.

Carvalho, trưởng học khu Los Angeles, cho hay sẽ chưa xem xét đóng cửa thêm trường học ngoài Solis. Học khu đang cố gắng thu hút học sinh bằng nhiều cách, như thiết lập đường dây nóng để hướng dẫn đăng ký tuyển sinh, thậm chí tổ chức bốc thăm vào trường chuyên của học khu.

Đà giảm học sinh đăng ký nhập học đã chậm lại trong năm nay, Carvalho nói, trong bối cảnh Los Angeles và các thành phố khác như New York và Chicago, chứng kiến lượng học sinh nhập cư tăng, điều đã giúp ổn định số lượng tuyển sinh ở cả ba thành phố lần đầu tiên trong nhiều năm qua.

Nhưng để tăng số lượng học sinh tại các trường công lập như thời kỳ trước là điều không thể. Văn phòng ngân sách của học khu Los Angeles dự đoán trong hai năm tới, số lượng học sinh sẽ tiếp tục giảm dưới 3% mỗi năm và dữ liệu điều tra dân số cho thấy số lượng trẻ em đang giảm ở học khu Los Angeles.

Đà suy giảm tương tự cũng diễn ra ở những nơi khác, khi nhiều gia đình có con nhỏ rời khỏi thành phố lớn và tỷ lệ sinh giảm trên toàn quốc. Bộ Giáo dục Mỹ dự đoán vào cuối thập kỷ này, hệ thống trường công lập, với gần 50 triệu học sinh theo học ở thời điểm hiện tại, sẽ mất thêm hai triệu học sinh nữa.

Marguerite Roza, giám đốc Edunomics Lab, trung tâm nghiên cứu tài chính trường học, nói rằng các học khu không thể tác động đến xu hướng nhân khẩu học. "Bạn không thể yêu cầu người trẻ sinh thêm con", bà nói.

Tanya Ortiz Franklin, ủy viên hội đồng trường học Los Angeles, cho hay bà mong hội đồng và học khu xử lý quyết liệt vấn đề liên quan đến trường học quy mô nhỏ, thay vì níu kéo hy vọng và né tránh việc đóng cửa chúng. Bà cho hay 115 trường trong học khu có chưa đầy 200 học sinh.

"Nếu không nói về việc đóng cửa các trường học nhỏ, chúng ta đang hạn chế cơ hội của thế hệ học sinh tương lai," Ortiz Franklin nói.

Hoàng Tiên (Theo WSJ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét