Ukraine siết luật động viên quân, gây áp lực với những người đàn ông Ukraine ở nước ngoài, khiến họ lo lắng về việc có thể bị ép trở về quê hương để ra mặt trận.
Với việc Ukraine đang rất cần quân để tăng cường lực lượng phòng thủ trước đà tiến công ngày càng quyết liệt của Nga, các đại sứ quán nước này đã đình chỉ dịch vụ lãnh sự đối với nam giới trong độ tuổi nghĩa vụ nhưng đang sinh sống ở nước ngoài.
Theo đó, việc đình chỉ sẽ khiến họ không thể gia hạn hộ chiếu, lấy hộ chiếu mới hay nhận các giấy tờ như chứng nhận kết hôn... Đây được coi là bước đầu tiên trong nỗ lực thực thi luật động viên mới sẽ có hiệu lực vào ngày 18/5. Luật này yêu cầu tất cả nam giới từ 18 đến 60 tuổi phải cập nhật thông tin cá nhân với văn phòng quân sự địa phương trong vòng 60 ngày, theo hình thức trực tiếp hoặc từ xa.
Ukraine ban hành thiết quân luật ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022, cấm nam giới từ 18 đến 60 tuổi rời khỏi đất nước. Nhưng nhiều người đã bỏ trốn vì sợ bị đưa ra mặt trận. Hàng nghìn người khác sống ở nước ngoài từ trước. Giờ đây, tất cả họ đều phải đối mặt với áp lực theo các quy định mới, có thể khiến họ bị hạn chế di chuyển đáng kể.
"Tất cả chúng tôi đều cảm thấy như thể đất nước Ukraine không còn hỗ trợ chúng tôi nữa", Oleksandr, 42 tuổi đến từ Kiev, hiện sống ở Áo, nói.
Những người ủng hộ luật động viên quân mới nói rằng những người đàn ông sống bên ngoài Ukraine, có khả năng lên tới hàng chục nghìn người, không hỗ trợ đầy đủ cho đất nước trong thời điểm cần thiết nhất.
Giới chức Ukraine nhấn mạnh luật động viên sẽ tăng thêm tính "công bằng" đối với hoạt động tuyển quân, loại bỏ nhiều trường hợp ngoại lệ và hợp lý hóa quy trình nhập ngũ. Họ cũng nói rằng chính phủ rất cần thông tin chính xác về những công dân đủ điều kiện nhập ngũ.
Ở Ukraine, những nam giới cung cấp thông tin của mình cho văn phòng quân dịch sẽ nhận được tài liệu mà sau đó họ phải xuất trình khi tiến hành bất kỳ công việc nào, như đăng ký kết hôn hay lấy bằng lái xe. Những người sống ở nước ngoài sẽ cần những tài liệu tương tự để nhận được dịch vụ lãnh sự.
Oleksandr, người đã sống ở Áo trước xung đột, cảm thấy bị ép buộc, giống như chính phủ Ukraine đang săn lùng anh. "Như thể họ đang nói với tôi rằng 'hãy xuống địa ngục đi, chúng tôi sẽ bắt bạn, khiến bạn cảm thấy tồi tệ và trừng phạt bạn'", Oleksandr cho hay.
"Tôi không sợ chết", anh nói thêm. "Nỗi sợ lớn nhất của tôi là bị bắt và bị tra tấn".
Những người đàn ông khác bị chính sách này nhắm tới cũng bày tỏ nỗi tức giận tương tự. Các yêu cầu của luật động viên quân đang phơi bày mối rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa những người đã ra tiền tuyến và những người từ chối chiến đấu, giữa những gia đình có người thân gặp nguy hiểm hàng ngày và những người đang sống an toàn cách quê hương hàng nghìn km.
Các quan chức chính quyền Ukraine cho biết nếu thành công, luật động viên có thể cung cấp hàng trăm nghìn binh sĩ mới cho tiền tuyến trong bối cảnh quân đội đang rất cần họ để chặn bước tiến của lực lượng Nga.
Hiện chưa rõ bao nhiêu đàn ông Ukraine có thể bị từ chối dịch vụ lãnh sự. Nhiều người rời đất nước một cách hợp pháp, để chữa bệnh, đi học hay nhiều lý do khác.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết họ đang cố gắng thống kê tổng số người sống ở nước ngoài. Cuối tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ba Lan TVN24, Đại sứ Ukraine tại Warsaw Vasyl Zvarych cho hay chính quyền "ước tính rằng chỉ riêng ở Ba Lan đã có hàng chục nghìn người trong độ tuổi quân sự".
Andriy, 38 tuổi, sống ở Ba Lan, cho biết anh nghĩ chính phủ Ukraine đang hành động nôn nóng. "Tôi cảm thấy như đất nước mà tôi yêu quý và trân trọng đang cư xử như một thiếu niên non nớt, cáu gắt", anh nói. "Tôi luôn luôn và sẽ tiếp tục xác định bản thân là công dân Ukraine trong mọi tình huống. Nhưng nếu nhà nước coi tôi giống như kẻ phản bội, tôi phải thừa nhận rằng đó không phải cảm giác dễ chịu".
Nhiều tuần sau khi quốc hội Ukraine thông qua luật động viên quân, không ít nam giới Ukraine vẫn cố gắng tìm hiểu nó có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân họ.
Luật khiến những người rời đất nước để tránh quân dịch có khả năng bị mắc kẹt tại một địa điểm, buộc phải nộp đơn xin tị nạn hoặc rơi vào tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý.
Một số người nói rằng họ cảm thấy bị phản bội, trong khi những người khác cho hay họ lo ngại chính phủ Ukraine có thể sử dụng các biện pháp thậm chí còn hà khắc hơn để tăng quân số, như buộc những người sống ở nước ngoài phải quay trở về nước.
Các quan chức ở Kiev đã cố trấn an nỗi lo này. "Sẽ không có yêu cầu buộc phải hồi hương công dân ở bất kỳ giới tính hoặc độ tuổi nào", Phó thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna nói hôm 30/4, song thêm rằng "không có giải pháp dễ dàng nào cho xung đột, đừng quên rằng chiến sự vẫn tiếp diễn và chúng ta phải chiến thắng".
Một số người cho hay họ hiểu tình thế của chính phủ. Savelii, 35 tuổi, sống ở London, Anh, nói rằng chính phủ có lẽ buộc phải lựa chọn trong số rất nhiều phương án tồi.
"Dường như họ muốn khôi phục lại sự cân bằng", Savelii nói. "Có cảm giác rằng đàn ông sống ở nước ngoài được hưởng nhiều đặc quyền và tự do hơn".
"Nhưng tình hình không phải luôn trắng đen rõ ràng", anh cho biết thêm. "Cũng có những người vẫn sống ở trong nước nhưng vờ rằng xung đột không diễn ra và có những người sống ở nước ngoài, làm việc mỗi ngày để hỗ trợ Ukraine".
Giới chức châu Âu tỏ ra chia rẽ về khả năng đàn ông Ukraine bị ép buộc trở về nước để chiến đấu.
Anneli Viks, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Estonia, tuyên bố đất nước bà "không có kế hoạch buộc hồi hương những công dân Ukraine đã chạy trốn khỏi xung đột đang cư trú hợp pháp tại Estonia", truyền thông địa phương đưa tin.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna nhấn mạnh nước này "chắc chắn sẽ không bảo vệ những người trốn quân dịch".
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mô tả việc hạn chế các dịch vụ lãnh sự là vấn đề đảm bảo công bằng cơ bản, nhưng ngay cả một số nam giới không bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi các quy định mới cũng cho biết họ không hài lòng.
Olexander, 53 tuổi, sống ở Anh, cho biết hộ chiếu của ông còn giá trị tới 3 năm nữa. "Điều này không gây cho cá nhân tôi bất kỳ sự bất tiện nào, mặc dù nó thật vô lý vì tôi không vi phạm luật pháp hiện hành của Ukraine", ông nói. "Nhưng tôi không loại trừ khả năng có thể cần đến các dịch vụ lãnh sự. Phải làm gì trong trường hợp đó, tôi chưa có kế hoạch gì cả".
Olexander nhấn mạnh ông "chưa bao giờ ngừng là người Ukraine" và "muốn trở về để trở nên có ích hơn" trong tương lai, nhưng ông "chưa sẵn sàng giao phó mạng sống của mình" cho chính phủ hiện tại.
Vladyslav, 36 tuổi, đang sống ở Tây Ban Nha, cho biết anh rời Ukraine một cách hợp pháp, được miễn trừ theo điều khoản với nam giới có từ ba con trở lên. Vladyslav khẳng định khi hệ thống đăng ký mới đi vào hoạt động, anh sẽ "cung cấp thông tin ngay lập tức".
Dù vậy, anh vẫn lo ngại về việc sẽ có thêm nhiều hạn chế hơn đối với những người sống ở nước ngoài, ví dụ như chặn quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng Ukraine.
"Nếu họ đột nhiên làm vậy, cá nhân tôi sẽ không ổn, bởi tôi kinh doanh tại Ukraine và nộp thuế ở đó", anh nói. "Nếu tôi đột nhiên mất quyền truy cập vào các dịch vụ ngân hàng, tôi sẽ phải chuyển hoàn toàn sang cư trú tại Liên minh châu Âu (EU)".
Vasily, 40 tuổi, đang sống ở Đức, cho hay ông đã nộp đơn xin hộ chiếu thứ hai nhưng không biết liệu có nhận được hay không. Theo ông, mối nguy hiểm lớn nhất của luật mới là nó sẽ gây chia rẽ người Ukraine.
"Nga sẽ không thể tiêu diệt Ukraine cho đến khi người Ukraine giúp họ làm điều đó", ông nói. "Với những hành động như vậy, chính phủ đã đốt cháy những cây cầu đối với nhiều người mà cuộc sống của họ nằm gọn trong một chiếc vali".
Vasily cho biết ông thường nghĩ về một người bạn chiến đấu ở tiền tuyến, là người duy nhất ông cảm thấy xấu hổ nếu phải đối mặt trực tiếp.
"Có thể ông ấy không muốn nói chuyện với tôi nữa", Vasily cho biết. "Nhưng tôi muốn ông ấy hiểu tôi".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét