Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

Biden nói nguy cơ Nga tấn công Ukraine 'rất cao'

Biden cho rằng Nga có thể tấn công Ukraine trong những ngày tới, trong khi Moskva tuyên bố không có kế hoạch hành động quân sự.

"Mối đe dọa vẫn cao vì họ chưa rút bất kỳ binh sĩ nào. Họ tăng thêm quân", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với phóng viên tại Nhà Trắng hôm nay. "Chúng tôi có lý do để tin họ đang tham gia chiến thuật kích động giả để viện cớ động binh".

"Mọi dấu hiệu chúng tôi có cho thấy họ đang chuẩn bị tiến vào Ukraine, tấn công Ukraine. Tôi cảm thấy họ sẽ hành động trong vài ngày tới", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/2 về hành động quân sự của Nga gần Ukraine. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/2 về hành động quân sự của Nga gần Ukraine. Ảnh: AFP.

Mỹ trước đó cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản hồi bằng văn bản đối với các đề xuất an ninh của Washington, nhưng Biden chưa xem văn bản phản hồi này. Theo Tổng thống Mỹ, vẫn còn con đường ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine và Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ "vạch ra con đường đó là gì" trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc hôm nay.

"Nhưng tôi không có kế hoạch gọi điện cho Putin", Biden nói thêm.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này không có kế hoạch tấn công Ukraine, trái ngược với tuyên bố của Mỹ.

"Không có cái gọi là 'cuộc xâm lược của Nga' vào Ukraine như Mỹ và các đồng minh của họ thông báo từ mùa thu năm ngoái. Điều đó không được lên kế hoạch", Bộ Ngoại giao Nga hôm nay cho hay.

Nga cũng tuyên bố có thể đáp trả quân sự nếu Mỹ không đáp ứng các yêu cầu an ninh của họ, đồng thời yêu cầu tất cả lính Mỹ rời Đông Âu, Trung Âu và các nước Baltic.

"Trong trường hợp phía Mỹ không muốn đàm phán những đảm bảo vững chắc và ràng buộc về mặt pháp lý đối với an ninh của chúng tôi, Nga sẽ buộc phải đáp trả, bao gồm cả các biện pháp quân sự, kỹ thuật", Bộ Ngoại giao Nga nêu, đồng thời yêu cầu phương Tây ngừng gửi vũ khí đến Ukraine, rút cố vấn và các nước NATO nên từ chối tập trận chung với Ukraine.

Nga cũng chỉ trích phương Tây vì yêu cầu nước này rút quân và dọa áp đặt biện pháp trừng phạt phối hợp lớn.

"Phương Tây ra tối hậu thư yêu cầu chúng tôi rút quân khỏi một số khu vực trên lãnh thổ Nga, đồng thời đe dọa áp biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Điều này là không thể chấp nhận được và làm suy yếu triển vọng đạt thỏa thuận thực sự", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, thêm rằng "lằn ranh đỏ" và lợi ích an ninh của Nga "tiếp tục bị phớt lờ".

Mỹ và phương Tây cuối năm ngoái cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh Ukraine. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Trong ba ngày qua, Nga thông báo rút các đơn vị gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea sau khi hoàn tất diễn tập, song chưa công bố cụ thể quân số và lượng khí tài được rút về. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán, đồng thời đáp trả cáo buộc từ tình báo phương Tây rằng họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.

Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng "chưa thấy bất cứ dấu hiệu giảm căng thẳng nào trên thực địa. Ngược lại, Nga dường như đang tiếp tục tăng lực lượng ở gần biên giới Ukraine".

Phản bác nghi ngờ này, Điện Kremlin hôm nay tuyên bố việc rút quân sẽ mất thời gian và Bộ Quốc phòng đã có lịch trình.

Xem thêm:

- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine

- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi

- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?

- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?

Huyền Lê (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét